Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Bảy 1st, 2009

Hồi sinh pháp lam Huế

Pháp lam mới được anh Triết và cộng sự làm ra dựa trên nguyên gốc pháp lam cũ ở lăng Minh Mạng. Ảnh: NGUYÊN LINH

Pháp lam mới được anh Triết và cộng sự làm ra dựa trên nguyên gốc pháp lam cũ ở lăng Minh Mạng. Ảnh: NGUYÊN LINH

Ngoài trùng tu di tích, kỹ nghệ pháp lam còn có giá trị trong nghệ thuật trang trí tranh, phù điêu. Pháp lam cùng với gốm và sơn mài là ba nghề được chọn tôn vinh tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2009.

Đây là một nghề độc đáo bởi chỉ có ở Huế. Tuy nhiên do biến động lịch sử, pháp lam đã thất truyền gần 200 năm. Thời gian thất truyền quá lâu, ngay cả người dân Huế cũng cảm thấy xa lạ.

Gần 200 năm thất truyền bí ẩn

Pháp lam là kỹ thuật tráng men nhiều màu lên cốt đồng đỏ và nung chín tạo nên tác phẩm mỹ thuật hay chi tiết trang trí trong kiến trúc với họa tiết rực rỡ màu sắc.

Sản phẩm pháp lam đầu tiên trên thế giới được biết đến từ thế kỷ 13 trước Công nguyên khi thợ kim hoàn vùng Mycenaean (Hy Lạp) tráng men thủy tinh trên khuyên tai bằng vàng.

Ở Việt Nam, kỹ nghệ này du nhập vào đầu thế kỷ 19 do vua Minh Mạng đưa một số công nhân Việt Nam sang học nghề chế tác pháp lam ở Trung Quốc.

Sau đó, nhà vua cho đặt Pháp lam tượng cục (xưởng sản xuất pháp lam đặt ở khu Canh nông trong Thành nội) gồm 15 người do ông Vũ Văn Mai đứng đầu, chuyên sản xuất pháp lam cho triều đình Huế. Ngoài ra, triều đình còn mở xưởng pháp lam tại Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình).

Pháp lam Huế phát triển đến thời vua Tự Đức thì phôi pha dần rồi thất truyền một cách bí ẩn. Trong 60 năm tồn tại, từ năm 1827, pháp lam Huế đã sản xuất rất nhiều vật phẩm có giá trị để trang trí, cúng tế theo yêu cầu của triều đình, trong đó phục vụ cho nhu cầu trang trí nội ngoại thất, tế tự và nhu cầu thường nhật trong cung đình.

Cách đây 10 năm, ba nhà nghiên cứu khoa học ở Huế gồm tiến sĩ dược học Nguyễn Nhân Đức (Đại học Y Dược Huế), kỹ sư chuyên ngành silicat Trần Đình Hiệp (Công ty Xây lắp Thừa Thiên-Huế) và thạc sĩ vật lý Đỗ Hữu Triết (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) đã cùng nghiên cứu để phục hồi pháp lam Huế.

Tuy ba người với ba trường phái khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở một điểm chung là cùng tạo ra được màu men, phục hồi thành công pháp lam Huế sau gần 200 năm vắng bóng.

Những người hồi sinh pháp lam

Trong hai năm 2003-2004, tiến sĩ Nguyễn Nhân Đức đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất pháp lam phục chế tu bổ di tích Huế” và thu được thành công khi tạo ra được ba mẫu phục chế hoàn hảo theo nguyên mẫu của di tích Huế.

Đóng góp lớn nhất, có giá trị thiết thực của tiến sĩ Đức cùng cộng sự của ông là làm sống lại kỹ nghệ trang trí pháp lam trên các đền vàng điện ngọc, niềm tự hào một thời của mỹ thuật cố đô Huế. Những sản phẩm do ông và cộng sự làm ra đã được ứng dụng vào việc trùng tu các công trình di tích Huế như trang trí chùa Thiên Mụ, điện Thái Hòa, hai nghi môn tại hoàng thành Huế.

Kỹ sư Trần Đình Hiệp thì hoàn thiện được kiểu tráng men trên mặt phẳng với độ bền màu trong nhiều môi trường khác nhau, hồi sinh loại pháp lam mỹ thuật trang trí và ngói âm dương.

Còn với Đỗ Hữu Triết, sau những năm tháng nghiên cứu về phục dựng bảo tồn di tích Huế, anh đã kết duyên với đề tài về phục hồi pháp lam. Niềm đam mê và ước vọng hồi sinh pháp lam Huế đã được anh truyền vào công trình luận án thạc sĩ với đề tài “Men và màu cho đồ gốm sứ ở di tích Huế” năm 2005.

Luận án được đánh giá rất cao khi người thực hiện đã phục hồi thành công men màu trong pháp lam mỹ nghệ, pháp lam trang trí nội thất và được ứng dụng vào sản xuất pháp lam.

Sau thành công đó, Triết thành lập Công ty pháp lam Sao Khuê (nay là Công ty TNHH Thái Hưng) để phục hồi kỹ nghệ sản xuất pháp lam, quy tụ 15 thợ có tay nghề giỏi về làm.

Anh Triết cho biết: “Pháp lam bị thất truyền là một mất mát quá lớn đối với nghệ thuật kiến trúc, nhất là những công trình pháp lam ở các di tích Huế bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cần phải trùng tu. Ngoài giá trị trong việc trùng tu di tích, kỹ nghệ pháp lam hồi sinh còn có giá trị to lớn trong nghệ thuật trang trí các sản phẩm như tranh, phù điêu. Đặc biệt, thành công trong việc phục hồi pháp lam đã tạo ra một loại tranh có chất liệu mới trong hội họa và được ứng dụng vào ngành mỹ nghệ, trang trí nội ngoại thất, đồng thời phục hồi và phát triển một nghề truyền thống đặc biệt của Huế đã bị thất truyền từ lâu”.

Tại Festival nghề truyền thống Huế 2009, anh Đỗ Hữu Triết đã cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trưng bày các sản phẩm pháp lam và mở một quy trình sản xuất pháp lam để du khách có thể tự tay vẽ lên pháp lam làm sản phẩm lưu niệm cho mình.

“Mặc dù đạt được những thành công bước đầu trong việc hồi sinh pháp lam Huế, tuy nhiên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mới chỉ làm được có ba loại hình kỹ thuật pháp lam, trong khi đó thế giới có đến 17 loại hình. Mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là đạt trình độ của pháp lam thế giới” – anh Triết tâm sự.

Theo http://www.phapluattp.vn

MỤC LỤC  – ĐƯỜNG DẪN GỐM CỔ TRUYỀN VN


Read Full Post »

Older Posts »