Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Giới thiệu đồ gốm cổ truyền VN’ Category

Tặng vật của Maspero cho Viện Bảo Tàng Quốc Gia Mỹ Thuật Châu Á Guimet

Tác giả: Hélène Fromentin

Việt dịch: Đức Chính

Nguồn: Arts asiatiques. Tome 52, 1997. pp. 89-105

Tóm lược

Trong những năm 1908 đến 1919, nhà khảo cổ Henri Maspero đã thu thập ở Đông Dương một bộ đồ gốm sứ và trao tặng lại cho Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Châu Á Guimet vào năm 1989. Đó là những món còn nguyên cùng một lượng lớn các mảnh vỡ có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14. Phần lớn bộ sưu tập này hẳn được thu thập ở vùng phía Tây Hà Nội, vị trí thành cổ Đại La và là nơi xây dựng hoàng cung của các vua nhà Lý (1009-1025) và Trần (1225-1413). Tặng vật này có 1630 món bao gồm cả món làm tại Việt Nam và nhập từ Trung Hoa về. Trong số các món đồ gốm sứ Việt Nam, bài viết này chỉ nói đến những mẫu có ý nghĩa của từng týp được sản xuất vào đời Lý-Trần: những mảnh vật liệu kiến trúc tiêu biểu cho mỹ thuật Đại La, những vật đựng thời Lý và những chiếc cốc Phật giáo có dấu ấn Chăm, các nóm đồ gốm đơn sắc phủ men trắng, nâu và lục mô phỏng theo mỹ thuật Trung Hoa[1].

Từ Đông Dương, nơi ông từng ký túc tại trường Viễn Đông Bác Cổ (l’Ecole Française  d’Extrême-Orient), Henri Maspero (1883-1945) đã mang về một lượng gốm sứ đầy ấn tượng, một số món còn nguyên, phần lớn bể vỡ hay chỉ là mảnh vụn. Đến Hà Nội năm 1908, ông rời hẳn Việt Nam vào năm 1919. Sự kết thúc bi thảm cuộc đời khiến ông không đi tới cùng, nhưng chính trong quãng thời gian đó những thứ ông thu thập tuy chưa hẳn là một bộ sưu tập nhưng đã là khối đồ sộ chất liệu dùng để học tập hay nghiên cứu Sau khi ông mất tích, 13 giỏ gốm sứ được cất giữ ở Viện Bảo Tàng Guimet. Chúng vẫn được bảo quản ở đó đến năm 1989, ngày mà bà Maspero và con trai François của ông đã hiến tặng Viện Bảo Tàng với tấm lòng hào hiệp vốn có. Cảm kích và hạ mình trước nhà bác học vĩ đại đã mất tích ở Buchenwald, Marie-France Dupoizat và tôi đã tiến hành nghiên cứu và kiểm kê bộ tặng phẩm này. Chúng tôi hy vọng dâng bài viết này đến bà Maspero, người luôn động viên chúng tôi và luôn theo dõi tiến độ công việc. Than ơi, gần đây chúng tôi đau buồn được tin bà đã từ trần. Chúng tôi không còn dịp tri ân bà bằng cách đem kết quả nghiên cứu của chúng tôi vào tâm khảm bà được nữa.

Một trong những gói bảo tồn ở Viện Bảo Tàng Guimet có 221 món đồ còn nguyên được phân loại từ năm 1989. Còn mớ bể vỡ còn phải chờ nhà đương cuộc giao cho chúng tôi ở

Viện Bảo Tàng Ennery. Nhà phục chế Béatrice Beillard cùng nhóm làm việc của bà đã phân loại lần thứ nhất theo hình thái và sắc màu, phục hồi sơ bộ bản chất của chúng. Giai đoạn thứ hai môt bộ phận được hàn dán lại. Những món hoàn hảo nhất và đẹp nhất được bảo quản tốt hơn. Nhờ thế chúng tôi được tiếp cận và nghiên cứu 1418 món đồ.

Vấn đề đầu tiên là xuất xứ những món đồ gốm này. Henri Maspero đã thu thập chúng bằng cách nào ? Chúng tôi chẳng lần ra tia sáng nào ngoài trừ bức thư của ông gửi cho mẹ do bà Maspero cho xem ; trong thư có ám chỉ một vài mảnh hay “món gốm nhỏ” thu thập được trong chuyến đi Thanh Hóa, có niên đại thế kỷ 12, 13 và 14. Điều này cũng không giải thích được gì nhiều về cách thu thập, do vậy xuất xứ của chúng đành phải đưa thành giả thuyết.

Trong thời gian ông Henri Maspero lưu trú ở Đông Dương, Hà Nội đang thực hiện nhiều công trình xây dựng. Dưới lòng đất thành phố này, kinh đô ngàn năm của Việt Nam, vẫn còn đó cấu trúc các đền đài cổ. Hẳn nơi nào đó ở đây ông đã tìm ra những mảnh ngói và đồ gốm. Điều này được xác minh khi đào cống và nhất là là lúc xây trường đua phía tây Hồ Tây, các công nhân ở những công trường này đã phát lộ một số vết tích và các mảnh vụn. Nhiều món được đưa vào Trường Viễn Đông Bác Cổ để phân loại và khảo cứu, một số được phục hồi và đem triển lãm[2]. Xuất xứ của những món này lại không phải ở thành phố, mà ở vùng ngoại vi thành phố, nơi xưa kia có thành Đại La, và là nơi triều nhà Lý (1009-1225) và triều nhà Trần (1225-1413) chọn làm nơi đóng đô. Những cung điện này hoặc là bị vua Chiêm Chế Bồng Nga hoặc do quân Minh phá hủy vào năm 1413[3]. Trong một bản “Hướng Dẫn Tham Quan Bảo Tàng Trường Viễn Đông Bác Cổ” do Henri Parmentier soạn năm 1915, chúng tôi thấy ở trang 63 có trình bày các mảnh vụn này, một đoạn dài ghi chép và chú thích chữ nhỏ của Henri Maspero bình về chất lượng và xuất xứ các món đồ này. Ghi chép này cho thấy ông có quan tâm đến vấn đề này[4].

Có thể chấp nhận là mớ phát hiện dồi dào của  các công nhân trao cho các nhà nghiên cứu làm tư liệu riêng khả dĩ do Trung Hoa và Việt Nam chế tác. Phần lớn bộ tặng vật  của Maspero có niên đại thế kỷ từ 11 đến 14, phù hợp với giả thuyết các mảnh gốm vỡ này được thu lấy trên nền đền đài cũ của hai triều đại Lý-Trần.

Song Henri Maspero chắc cũng tìm được nhiều món ở các vỉa khảo cổ khác; nhà nghiên cứu không mệt mỏi này chắc chắn đã sưu tập thêm trong những chuyến du hành khắp xứ này. Nhât là trường hợp những món chỉ có ở lò gốm. Khó khăn trong việc nghiên cứu gốm sứ Việt Nam lúc nào cũng ở chỗ nghèo nàn tư liệu về các lò gốm thời xưa, dĩ nhiên ngoại trừ Bát Tràng và Thổ Hà. Nhưng từ năm 1983, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu nghề thủ công ở tỉnh Hải Hưng, 14 địa điểm lò gốm được phát lộ, chủ yếu là các lò Chu Đậu[5]. Các phát hiện này tuy còn cần bổ sung và khai thác thêm nhưng đã làm sáng tỏ nhiều điểm ẩn bí và nhất là nơi sản xuất gốm xuất khẩu. Các nhà nhiên cứu ViệtNam xác định niên đại các địa điểm này từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17. Phát hiện cổ nhất hiện nay là

Vân Yên thuộc thế kỷ 13, nhưng có vẻ chưa thuyết phục. Năm 1995 Viện Bảo Tàng Lịch Sử Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một triển lãm gốm sứ, dễ dàng nhận ra trong số các món trưng bày có nhiều món nằm trong bộ tặng phẩm của Maspero[6]. Quả thật chúng tôi bộ tặng phẩm này có một cái trục tháp, một cái sạp nung (MA 5474/315, hình 1)màu đỏ hạt dẻ với những đường rạch thô thiển tương tự như các món đồ nằm trong danh tập của triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh[7], và các món đồ diêu biến (des ratés de caisson)[8] như: một chồng 9 cái bát (MA 5474/219, hình 2) dính vào nhau và bị biến dạng khi nung, nó được tráng men màu nâu hổ phách, trang trí các vệt tỏa tia dưới đáy và được xác định là một món đồ thuộc lò Chu Đậu. Vì thế cần quan tâm tìm hiểu xem có phải trước khi có những khai quật hiện nay, có thể Henri Maspero đã biết đến các lò gốm ở Hải Hưng rồi chăng.

Trong số 1630 món của hai lần kiểm kê có đến một nửa có xuất xứ Trung Hoa, như vậy chứng tỏ có sự chuyển động thương mại quan trọng từ Trung Hoa qua Đại việt vào thời Tống và Nguyên. Chúng có cùng niên đại với gốm sứ thời Lý-Trần. Một vài món có xuất xứ hoàn toàn khác trong hai nhóm đó: vài mảnh tượng Khờ-me, hai mảnh kendi có dạng con voi chắc chắn xuất xứ từ Sawankhalok và 4 mảnh vỡ gốm Hồi trong đó mẫu có mã số MA 5474/602 thuộc thế kỷ 11 hay 12 và mẫu MA 5474/601 thuộc thế kỷ 13-14 có lẽ do người Ai Cập đầu tiên mang qua, nhưng là người Trung Đông thứ 2 (hình  3)[9]. Một cái dĩa, một trôn bát và một mảnh vách đồ gốm có trang trí dây lá dài và cuộn ngoằn ngoèo, in dưới lớp men ngọc bích, chúng gần với một nhóm mẫu gốm sứ Việt Nam mà chúng tôi đã khảo sát qua (xem hình 20), nhưng chất lượng và độ mịn của đất nhão, độ mượt bóng của men thì khác biệt nhau hẳn hoi. Có thể đó là món đồ của Hàn Quốc.

Cuối cùng 154 đồng tiền nằm trong mấy cái rổ nằm rải rác giữa mấy kiện đồ, chúng tôi không được phép xác định niên đại của chúng. François Thierry và Loan de Fontbrune nghiên cứu những đồng tiền này. Chỉ có 6 đồng tiền Việt Nam trong đó 3 đồng thuộc thời Tiền Lê, 2 đồng thời Hậu Lê và 1 đồng thời Gia Long. Những đồng tiền khác là tiền Trung Hoa: 2 đồng thời Hậu Hán, 21 đồng thời Đường, 120 đồng thời Bắc Tống và duy nhất 1 đồng thời Nam Tống.

Gốm sứ Việt Nam 

 

Trong bộ sưu tập này có đủ toàn bộ các chủng loại gốm sứ sản xuất thời Lý-Trần. Vì thế danh mục được chọn lọc ra. Chúng tôi đã lựa chọn nghiên cứu một số mẫu vật có ý nghĩa hay đặc biệt của từng týp gốm sứ.

Cuối thời Bắc thuộc đánh dấu một khúc quanh trong việc sản xuất gốm sứ Việt Nam. Bên cạnh sự chi phối văn hóa của người chủ cũ[10] còn có những ảnh hưởng khác lan đến Đại Việt, đặc biệt là ảnh hưởng nghệ thuật Chiêm Thành chiếm một tầm hết sức quan trọng sau khi vua Lý Thái Tông chiến thắng xứ này vào năm 1044. Quả vậy, vua đã mang theo về từ Chiêm Thành hàng ngàn tù binh và nghệ nhân. Một nghệ thuật cách tân và mạnh khỏe chào đời. Nghệ thuật đó biểu lộ trong các trang trí kiến trúc tìm thấy trong nhiều di

chỉ nằm ở ngoại thành Hà Nội, nơi mà chúng tôi giả định Henri Maspero đã thu thập phần lớn bộ sưu tập này. Vì thế bộ sưu tập gồm chứa nhiều mẫu vật đẹp và đáng quan tâm.

Làm từ đất nung đỏ hay hồng, thi thoảng màu xám, các chi tiết mái dùng cố định ngói bằng vai mộng của thân chậu (hình 9). Chủ đề này rất hiếm nhưng chứng tỏ ảnh hưởng của nghệ thuật Chăm. Sự thể hiện hình người không quen thuộc trong trang trí đời Lý. Tuy nhiên chúng ta vẫn tìm thấy nó ở sưu tập một trong ba cái cốc dẹt nhỏ có vách ngoài viền những cánh hoa sen to. Trong khi hai cái kia trang trí theo kinh điển có hoa chạm dưới đáy, thì mẫu cốc có mã số MA 5426 (hình 10) được trang trí một gương mặt người lược đồ hóa, từ đó thoát ra sự rẽ nhánh biểu tượng có thể có của thành viên[11].

Hai cái cốc có chân cùng nhóm gốm sứ này với lớp men trắng và cánh hoa sen viền nổi hẳn lên ở vách ngoài. Mẫu vật mã số MA 5474/290 (hình 11) gồm một vật đựng tròn để trên cái bệ hình bát giác có ba bậc. Hình dáng này tiêu biểu cho phong cách thời Lý. Nó giống như phong cách một bệ đá ở Chùa Thầy (tỉnh Hà Tây)[12]. Chiếc cốc mã số MA 5474/293 (hình 12) có chân gồm một vành đứng trên những cái chân sư tử chịu toàn bộ thân mẫu vật: cách bố trí này là ngoại lệ. Toàn bộ các chiếc cốc này trang trí đầy những cánh hoa sen, giống như bệ tượng Phật, mang tính tôn giáo hay thờ cúng. Ắt có nắp nhưng nói chung chúng đã mất; cũng có những tác giả cho rằng đó là hộp đựng thuốc bằng đất sét[13]. Chúng dễ ràng tách ra khỏi vật đựng chúng và thường tìm thấy ở tình trạng còn tốt. Gắn dính vào cấu trúc hạ tầng có thể củng cố bằng đinh tán xuyên qua lỗ nhỏ, như thấy ở mảnh gốm mã số MA 5474/529, (hình 4)[14]. Những con chim thần thoại được tạc tinh tế trên mọi mặt của nóc mái (MA  5265, hình 5) trong khi trang trí diềm mái thường theo chủ đề những con vật biểu tượng, như rồng-rắn MA 5474/401 (hình 6), hay chim phụng MA 5266 (hình 7)[15].

 

Gốm sứ đời Lý

 

Không thể bác bỏ mẫu vật đáng chú ý nhất đời Lý chính là những vật đựng lớn có lớp phủ màu trắng vàng nhạt, hình trang trí khắc sâu bên dưới lớp men màu nâu gỉ sắt. Chậu có mã số MA 5474/256 (hình 8) bầu ra ở phần bụng, bị phân chia thành hai mảng. Mô típ thủy (nước), ngư (cá) và trạch (lươn) vạch nên một bức tranh mạnh mẽ và sống động là đặc thù của kiểu thức này. Một cái chậu khác có mã số MA 5672 bao gồm một vật đựng lớn đặt trên cái bệ tròn: 13 ba hình nhân nhỏ trên cái vành ở dưới đáy giơ cao cánh tay phải nâng vật đựng.

Gốm sứ đơn sắc

Cùng với sự phồn vinh quay trở lại dưới sự cai trị của các vua nhà Lý và sự mở cửa của Đại Việt trong giao thương quốc tế từ đầu thế kỷ 12, nền mỹ thuật tinh tế của nhà Tống đã để dấu ấn trong gốm sứ Việt Nam và góp phần cải tiến kỹ thuật. Ảnh hưởng này diễn biến qua sự phát triển các dòng men đơn sắc nâu, xanh lục và trắng.

 

Gốm sứ men nâu

 

Đó là các loại dĩa, bát và cốc. Các mẫu vật thuộc loại này rất nhiều và chất lượng không đều nhau, thường mộc mạc và giản dị, với những diêu biến (lỗi nung). Sắc màu thay đổi từ nâu gần như đen qua sắc hổ phách. Bên trong náy có thể trắng hay màu kem và từ thế kỷ 13, thể hiện lối trang trí lá lượn có kèm theo hoa.

Trong số các mẫu màu hạt dẻ của bộ tặng phẩm, phải kể đến cái bát mã số MA 5474/162 (hình  13) và hai chiếc cốc có trang trí hoa thị. Các mô-típ này  tác giả phương Tây có khi gọi là “chân gà” (pieds de coq), màu thường nhất là xanh lục nằm dưới lớp men màu hạt dẻ, nó khiến cho hình trang trí một dáng vẻ hổ phách. Các mô-típ này được vẽ bằng thứ chất liệu lỏng hơn men nên bị hòa lẫn vào nhau thành hình khó nhìn thấy. Đó là trường hợp mẫu mã số MA 5474/183; nhưng ở chiếc cốc mã số MA 5474/194, (hình 14) các hoa thị được vẽ màu trắng trên lớp phủ nâu sậm với một lớp dầy trộn lẫn của men và lớp áo[16].

Khá nhiều món gốm sứ, dĩa và cốc, có lớp phủ màu hổ phách tương tự như trường hợp chồng bát (mã số MA 5474/219) mà chúng tôi gán cho dòng Chu Đậu. Vậy thì chúng cùng lò với nhau.

Một chiếc bát có chất lượng cao, mã số MA 5474/166 (hình 15), có lớp men ngoài màu nâu sậm, được trang trí các mô-típ đen trên vách bên trong màu trắng. Từ đầu thế kỷ 13 gốm sứ trắng có trang trí màu đen gỉ sắt được sản xuất nhiều. Chúng cũng được xuất khẩu đi nhiều vào thời nhà Trần. Nhưng trang trí của chúng thường sơ sài, mau chóng bị phai lãng, rất khác với trang trí trên cái bát mã số MA 5474/166.

Gốm sứ men ngọc bích

Dù các tác phẩm đương thời thường không nói đến loại men này, thuật ngữ men ngọc bích được dùng ở đây vì đó là cách tiện lợi để phân biệt các gốm sứ này với những vật tráng lớp men màu xanh lục tươi gọi là oxide đồng, và loại men ngọc bích lại là món hàng xuất khẩu nhiều qua các nước Đông Nam Á hồi thế kỷ 14.

Nhóm men ngọc bích thuộc thế kỷ 12-13 là nhóm có số lượng nhiều nhất trong bộ tặng vật và cũng là nhóm được quan tâm nhiều nhất ở Bảo Tàng Guimet. Nhóm này có cả trăm mẫu vật: những chiếc dĩa như mẫu có mã số MA 5474/344 (hình 16), những cái bát, cốc và vài món đồ dùng. Trang trí của chúng là hình chạm hay in lên.

Một loạt các chiếc bát có nét tương đồng với nhau khiến nghĩ rằng chúng có cùng nguồn gốc: dạng hình nón, đáy hẹp và có vành dày mỏng khác nhau, mép cuộn vào trong tạo thành gờ, lớp men mỏng dừng không đều ở phía trên chân, hình trang trí in vẽ trên toàn bộ mặt trong và tỏa ra một dải liền quanh bờ miệng. Chủng loại của các mô-típ này cho thấy tính đa dạng và phóng xuất ý tưởng trong danh mục gốm sứ Đại Việt, như mẫu vật

MA 5474/362 (hình 17). Tuy nhiên có một số trang trí là những bản sao chính xác theo mô thức Trung Hoa và chỉ có việc sản xuất là ở Việt nam. Chúng tôi có thể kể ra như những chiếc bát mã số MA 5474/337 (hình 18) và nhất là mẫu MA 5474/359 (hình 19) có chủ đề trang trí xuất xứ từ Yaozhou[17].

Một mô-típ trang nhã in vẽ các đám lá mềm mại có tô điểm hoa, cuộn lại thành hình dây quai được tìm thấy ở khoảng 20 món đồ: những cái bát (MA 5474/380, hình 20), những cái cốc (MA 5474/455, hình 21). Lớp men thay đổi từ xanh lục hạnh nhân qua vàng lục nhạt tùy theo độ nung. Các đám lá này phủ đầy bề mặt món đồ. Độ sâu của hình in vẽ cũng khác nhau. Mô-típ này có gốc Chiêm Thành. Các món gốm sứ này minh họa cho sự tổng hợp giữa trang trí rườm rà và uốn lượn trong mỹ thuật Chiêm Thành với những hình giản đơn mô phỏng theo Trung Hoa đời Tống. Suốt thời nhà Trần, loại hình này tiếp tục tồn tại và trở nên phổ biến. Chúng ta có thể thấy nó ở cái chum có tên “Thanh Hoa” đang cất giữ ở Bảo Tàng Hoàng Gia Mỹ Thuật và Lịch Sử Bỉ[18], và còn thấy cả trong trang trí kiến trúc[19]. Các đồ gốm sứ men ngọc bích thế kỷ 12-13 sản xuất ở đâu? Dường như không phải nơi nào đó thuộc tỉnh Hải Hưng. Câu trả lời đầu tiên nằm ở chiếc cốc mã số MA 5474/278 (hình 23). Chắc hẳn nó là món đồ xinh xắn nhất trong bộ tặng phẩm: hình dáng hoàn hảo, trang trí thoáng và cân đối, lớp men mỏng có màu lục nước biển đẹp và dừng rất đều ở phần đáy chăm chút, giới hạn bởi cái chân có vành và ghi hai chữ Hán (Thiên Trường). Hay là một chồng bát được tìm thấy gần đền Trấn Mỹ Lộc có hàng chữ “làm tại Thiên trường”. Bài báo viết về phát hiện này có dịch hai chữ Hán, nhưng xét tính chất lớp phủ trên mấy cái bát này thì không chính xác. Mặt khác, địa điểm Thiên Trường chưa được biết nhiều, dường như có sản xuất chum vại và một vài món gốm hồi thời Lý. Hai chữ này tuy đáng quan tâm nhưng cũng cần phải thận trọng.

Dù sao, từ thế kỷ thứ 14 sản xuất gốm sứ ở Chu Đậu phát triển lên và chính nơi này chúng tôi có thể xác định là nơi xuất xứ đồ gốm men ngọc bích vào cuối thời nhà Trần, các món này có lớp men dầy hơn, mềm mại và có hình dáng mô phỏng theo kiểu gốm sứ Trung Hoa đời nhà Nguyên. Chúng tôi kể ra đây: chiếc bát có chân cao và vách loe MA 5474/438 (hình 24), tính chất này có thể so sánh với gốm Longquan (Long Toàn hay Long Tuyền); chiếc cốc có chân cao khắc vành mã số MA 5303 (hình 25) gần gủi với gốm sứ Guangdong (Quảng Đông); lư hương ba chân, thân tròn và chân màu nâu chocolat MA 5474/525 (hình 26).

Gốm sứ có màu lục gỉ đồng. Đôi khi còn được gọi là “màu xanh lục táo” để phân biệt với màu lục men ngọc bích. Gốm sứ này được sản xuất gia tăng khi gốm sứ men ngọc bích biến mất. Song bộ tặng phẩm có đến khoảng 15 mẫu vậy: mấy cái dĩa mã số MA 5474/232 (hình 27) và mấy cái bát trong đó có vài cái kích cở nhỏ tráng men trắng bên trong[20].

Gốm sứ men trắng

Loại này nhiều, hình dáng và trang trí đa dạng. Việc sản xuất chúng kéo sang đến đời nhà Lê. Ảnh hưởng của gốm sứ Nam Bắc Tống thấy rõ ở nhiều món thuộc loại này. Đó là trường hợp khoảng 15 món có trang trí chạm và vân lược hoa cách điệu, được bao bọc nét tròn đi ra từ cuống hoa (MA 5474/465, hình 28). Cùng mô-típ này thấy có ở nắp một cái bình tại Bảo Tàng Guimet có niên đại Bắc Tống MA 561, do Cảnh Đức Trấn (Jingdezhen) sản xuất và còn có hai cái dĩa thuộc týp thanh bạch (qingbai) trong bộ tặng phẩm của Maspero MA 5475/185 và MA 5475/438. Trình bày các món đồ Trung Hoa thời Bắc Nam Tống bên cạnh gốm sứ Việt Nam vào cuối thế kỷ 12 hay đúng hơn thế kỷ 13 cho thấy có sự mô phỏng Trung Hoa.

Việc chế tác các món đồ gốm này thường rất chăm chút và phản ảnh sự cải tiến kỹ thuật như ở cái bát mã số MA 5474/456 (hình 29). Chất lượng vật liệu và men thấy có ở nhóm 8 món đồ, dĩa hay bát, tiếc rằng rất lụn vụn, có trang trí viền mây theo kiểu Trung Hoa.

Một chiếc cốc mã số MA 5474/596 (hình 30), có chất lượng cao, bằng sành sứ, đặt thành vấn đề tính đồng nhất do tính xốp nhẹ và mịn của đất nặn, không thường thấy ở Việt Nam. Nhưng đáy có hình dáng và lối trang trí rất gần với chiếc cốc có mã số MA 5474/278 (hình 23) cho thấy dường như gắn với việc sản xuất tại Đại Việt.

Không nhiều so với toàn bộ các món đồ khác, bộ sưu tập còn có những món đồ dùng. Đó là những món vật đựng cao nhưng mất phần trên, điều này cho phép đoán ra nơi đến của chúng. Hai cái ấm pha Lý dạng hình cầu, một chục cái chậu có kích thước khác nhau nhưng cùng cấu trúc: bụng tròn thân rộng loe ra ở miệng và đôi khi có trang trí màu đen gỉ sắt MA 5474/447, (hình 31). Lò Chu Đậu sản xuất những loại đồ dùng này.

Cuối cùng, một món kỳ lạ mã số MA 5474/457 (hình 32), một loại cốc đứng trên cái chân có đáy loe rộng ra, có lẽ dùng để đựng nhang, và một cái chậu bầu ở phần bụng màu xám lục MA 5474/185 (hình 33) có thể vẫn còn thuộc thế kỷ 14 nhưng không có chỉ thị nào để gán nó vào lò sản xuất ở tỉnh Hải Hưng.

Gốm sứ đầu triều đại nhà Lê

Henri Maspero chỉ thu thập một ít mảnh vỡ sau đời Lý-Trần. Ngoài những vật đựng nhỏ dân dã bằng đất nung không tráng men, chúng ta thấy còn có một bình vôi có miệng bầu dục, xuất xứ không rõ, mã số MA 5474/281 (hình 34).

Nhưng một vài mảnh mẫu vật, thường là đáy dĩa hay bát, có thể gán cho gốm Chu Đậu mà không sợ sai lầm, dòng gốm này phát triền vào thế kỷ 15 và 16 và trở thành trung tâm “gốm hoa lam” (bleu et blanc) Việt Nam. So sánh hai mẫu vỡ mã số MA 5474/587 của thế kỷ 14 và mẫu MA 5474/530 của thế kỷ 15 cho thấy sự chuyển biến hình trang trí ở cuối thời Trần và thời Lê (hình 35).

Trên bình diện bảo tàng học cũng như nghiên cứu, tặng vật của apporte đóng góp cho bộ sưu tập Việt Nam ở Bảo Tàng Guimet rất nhiều. Trước hết, tặng vật này làm giàu thêm những tiêu bản quý hiếm và tuyệt đẹp. Sau nữa, số lượng và chủng loại các mảnh vỡ cho phép nghiên cứu so sánh đầy thú vị gốm sứ từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 15. Cuối cùng sự dồi dào chất liệu có nguồn gốc Trung Hoa thấy chen lẫn trong tặng vật và nghiên cứu của Marie-France Dupoizat tiếp theo bài viết này (Bài “Gốm Sứ Trung Hoa Trong tặng Phẩm Của MasperoCho Bảo Tàng Quốc Gia Mỹ Thuật Châu Á Guimet”, cùng sách này, trang 106) sẽ giúp tháo gỡ sự hỗn độn trong sản xuất gốm sứ của Việt Nam và Trung Hoa ở thời kỳ này.

 

Ảnh và thuyết minh:

 

hinh 1

 

Hình 1: Mã số MA 5474/315. Sạp nung (casette). Cao 8 cm. Đường kính miệng 16,8 cm. Đất chịu nhiệt màu đỏ hạt dẻ. Không nắp. Mặt ngoài thô nhám có khắc một hình trang trí kỷ hà. Tham khảo Gốm Chu Đậu, 1993, p. 28.

 

 hinh 2

 

Hình 2: Mã số MA 5474/219. Chồng 9 cái bát dính vào nhau khi nung và biến dạng. Sành có tráng men màu nâu hổ phách bên trong và ngoài. Trang trí vân sọc mặt đáy trong. Lò Chu Đậu. Thế kỷ 14. Món đối chiếu khác trong bộ tặng phẩm của Maspero mang mã số MA 5474/212. Tham khảo Vietnamese Ceramics, South-East Asian Ceramic Society, 1982, N° 40 et 41, p. 79.

hinh 3

 

 

Hình 3: a) Mã số MA 5474/601. Đáy bát. Kích thước chính 8 cm. Sành có trang trí cây lá màu lam và lục ở bên trong, nét màu lục tỏa tia quanh mặt ngoài đáy bát. Xuất xứ Ai Cập hay Syrie. Thế kỷ thứ 13-14. b) Mã số MA 547 4/602. Mảnh vỡ có trang trí màu nâu và trắng, có ánh kim loại (đồng). Kích thước chính 6,8 cm. Chắc chắn của Ai Cập, thế kỷ thứ 11-12.

 

hinh 4

Hình 4: mã số MA 5474/529. Mảnh vật liệu kiến trúc. Dài 8 cm. Đất nung màu hồng. Mỗi mặt có chạm hình đuôi rồng. Một lỗ rỗng chếch ở phần trên. Nghệ thuật Đại La, thế kỷ 11-12.

hinh 5

Hình 5: Mã số MA 5265. Mảnh vật liệu kiến trúc. Trang trí gờ hình chim thần thoại. Cao 25 cm. Dài 22 cm. Đất nung màu hồng. Mỹ thuật Đại La, thế kỷ 11-12. Tham khảo J.-P.  Desroches et H. Fromentin, Asie Extrême,  Editions  de  la  Réunion  des musées nationaux, p. 184.

hinh 6

Hình 6: Mã số MA 5474/401. Mảnh vật liệu kiến trúc. Nửa miếng ngói trang trí bờ mái. Rộng 18,5 cm. Đất nung, mặt trước tráng men lưu ly xanh lục tươi. Hình rồng rắn, chạm tinh tế, nằm trong khung viền tròn. Mỹ thuật Đại La, thế kỷ 11-12.

hinh 7

 

Hình 7: Mã số MA 5266. Mảnh vật liệu kiến trúc. Ngói trang trí gờ mái hình chim phụng. Cao 27,5 cm, dài 20 cm. Đất nung màu hồng sậm. Mặt trước chạm chim phụng đang xòe cánh. Mặt sau để trơn. Hình cuộn kép chim phụng đứng bên trên còn dính một mảnh ngói trang trí bờ mái. Mỹ thuật Đại La, thế kỷ thứ 11-12.

hinh 8

Hình 8: Mã số MA 5474/256. Chậu (sứt miệng và một phần bên thành). Sành tráng men trắng nhợt có chạm trang trí màu nâu gỉ sắt hình vá và tôm. Hai lỗ ở phần trên dành để buộc nắp. Thời Lý, thế kỷ 11-12.

hinh 9

Hình 9: Mã số MA 5672. (Chi tiết bản khắc màu, supra trang 82). Chậu. Cao 16 vm. Đường kính miệng 29 vm. Sành tráng men trắng xám. Chậu đặt trên một cái bệ làm bởi một vòng có trang trí những đường tròn màu nâu, có 13 hình nhân đỡ chịu bằng tay mặt. Đáy có trang trí cánh hoa sen chạy viền xung quanh. Thời Lý, thế kỷ 11-12.

 

hinh 10

Hình 10: Mã số MA 5426. Cốc dẹt. Đường kính 10,5 cm. Sành tráng men trắng xám nhạt. Vách ngoài có hai hàng các hoa sen chạy viền. Đáy bên trong có khắc hình người. Thời Lý, thế kỷ 11-12.

 hinh 11

 

Hình 11: Mã số MA 5474/290. Cốc có chân. Cao 7,5 cm. Đường kính miệng 10,5 cm. Sành trắng tráng men trắng có ánh lục nhạt. Cốc đặt trên một cái bệ hình bát giác có ba bậc, vách ngoài bệ trang trí cánh hoa sen chạy viền. Các cạnh không đều. Thời Lý, thế kỷ 11-12. Món đối chiếu mã số H. 1842, Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Và Lịch Sử Bỉ (Musées Royaux d’Art et d’Histoire, Bruxelles).

 hinh 12

Hình 12: Mã số MA 5474/293. Nửa chiếc cốc có chân. Cao 4,5 cm. Đường kính 9 cm. Sành màu be có tráng men vàng nhạt. Đáy có khắc hình hoa sen. Chân gồm một vành có chân đỡ mang hình sư tử và giữa các chân này tạo những cung tròn. Thời Lý, thế kỷ 11-12.

hinh 13

 

Hình 13: Mã số MA 5474/162. Bát dạng hình nón. Cao 3,6 cm. Đường kính miệng 11 cm. Sành rất trắng tráng men nâu có ánh lục nhạt. Lớp men ngoài có lấm chấm nâu. Thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12. Lớp áo nâu, lấm tấm dừng hẳn ở quanh đáy rất chăm chút là mô phỏng theo kiểu Phúc kiến, Trung Hoa. Vách loe miệng thắt lại để tạo nên một rãnh quanh miệng là dạng đặc trưng của đầu thời Trần.

hinh 14

Hình 14: Mã số MA 5474/194. Cốc. Cao 8,5 cm. Đường kính miệng 17,5 cm. Sành màu be sáng tráng màu hạt dẻ sậm, mặt trong có trang trí hoa thị, mặt ngoài có 4 mô-típ hình vẽ giống hệt nhau. Đáy có 5 vạch. Đáy có 5 vạch pernettes. Thế kỷ 12-13.

hinh 15

Hình 15: Mã số MA 5474/166. Bát có vách tròn. Cao 6,5 cm. Đường kính miệng 16,2 cm. Sành tráng men nâu sậm bên ngoài, chấm dứt hẳn ở đáy và bên trong tráng men rạn trắng với trang trí mây và hình chim đang sãi cánh bay, một hình thanh nhã với ngọn bút thủy mạc chính xác và nhẹ nhàng. Đáy có 5 vạch pernettes. Cuối thế kỷ 12 đến thế kỷ 14.

 hinh 16

Hình 16: Mã số MA 5474/344. Dĩa. Cao 3,2 cm. Đường kính miệng 15,3 cm. Sành tráng men ngọc bích lục vàng nhạt, có lớp áo trắng, dừng lại trên phía đáy một chút xíu. Bên trong có trang trí rìa hình trứng (godron). Vạch pernettes. Thế kỷ 12-13.

hinh 17

 

Hình17: Mã số MA 5474/362. Chén dạng hình nón. Cao 6,5 cm. Đường kính miệng 17 cm. Sành tráng men ngọc bích màu lục vàng nhạt, có lớp áo trắng, dừng lại trên phía đáy một chút xíu. Vách trong trang trí hoa cúc. Đáy có 5 dấu pernettes tam giác. Thế kỷ 12-13.

hinh 18

 

Hình 18: Mã số MA 5474/337. Bát hình nón. Cao 6 cm. Đường kính miệng 18 cm. Sành tráng men ngọc bích màu lục vàng nhạt, có lớp áo trắng, dừng lại trên phía đáy một chút xíu. Phân cách dưới trang trí hoa mẫu đơn lớn và viền hoa ở đáy. 5 dấu pernettes. Thế kỷ 12-13. Món đồ đối chiếu trong tặng phẩm của Maspero: MA 5475/106.

hinh 19

Hình 19: Mã số MA 5474/359. Mảnh bát hình nón. Cao 7 cm. Đường kính miệng 17 cm. Sành tráng men ngọc bích dừng lại trên phía đáy một chút xíu. Vách trong vẽ hình đứa trẻ để tóc vá chơi đùa giữa hoa lá mẫu đơn đang nở. Gần rìa có các đám lá. Thế kỷ 12-13. Ấn tượng của món này có lẽ là đồ ký kiểu.

hinh 20

Hình 20: Mã số MA 5474/380. Bát hình nón. Sành tráng men ngọc bích trên lớp áo trắng xám nhạt, dừng lại không đều trên phía đáy một chút xíu. Trang trí chiều sâu một đám lá cuộn theo dạng dây quai ở cách trong. Có 5 dấu pernette ở đáy. Thế kỷ 12-13.

hinh 21

Hình 21: Mã số MA 5474/306. Cốc vách tròn. Cao 8 cm. Đường kính miệng 19 cm. Sành tráng men ngọc bích màu lục hạnh nhân, dừng hẳn ở quanh chân. Trang trí nhẹ hình hoa sen ở đáy và đám lá cuộn hình dây quai ở vách trong và ngoài. Không có dấu pernette. Thế kỷ 12-13. Mẫu tương tự trong tặng phẩm Maspero: MA 5474/379.

hinh 22

Hình 22: Mã số MA 5474/455. Chậu (một phần vách bị sứt). Cao 13,8 cm. Đường kính miệng 17,5 cm. Sành tráng men ngọc bích màu lục hạnh nhân dừng hẳn ở chân có khấc bậc. Vách ngoài có trang trí 3 đám lá cuộn thành hình dây quai. Vách trong có tráng men nhưng không trang trí. Có 5 dấu pernettes ở đáy. Thế kỷ 12-13.

 Hình 23

Hình 23: Mã số MA 5474/278. Cốc vách tròn. Cao 7,5 cm. Đường kính miệng 20 cm. Sành tráng một lớp mỏng men ngọc bích màu lục hạnh nhân dừng đều ở đáy chân. Vách trong và ngoài có vẽ hình vòm cung và lá lượn. Đáy có khắc hai chữ Hán dưới lớp men trong suốt. Thế kỷ 13. Thiên Trường thuộc tỉnh Nam Hả có lẽ là nơi sản xuất mẫu vật này.

hinh 24

Hình 24: Mã số MA 5474/438. Bát có thành cao và loe. Cao 8 cm. Đường kính miệng 12,4 cm. Sành tráng men ngọc bích màu lục olive trên nền lớp áo trắng. Nền màu chocolat. Lò Chu Đậu. Thế kỷ 14. Tham khảo: cuốn Gốm Chu Đậu.

hinh 25

Hình 25: Mã số MA 5303. Cốc có chân cao. Cao 10,2 cm. Đường kính miệng 13 cm. Sành tráng men ngọc bích màu lục biển, dầy và rạn. Chân có vòng khấc. Lò Chu Đậu. Thế kỷ 14. Nhiều bát chân cao có vành khấc được triển lãm ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995.

hinh 26

Hình 26: Mã số MA 5474/525. Mảnh lư hương ba chân. Cao 8 cm. Đường kính đáy 5,5 cm. Sành tráng men ngọc bích dừng hẳn ở đáy. Bên trong lớp men sáng hơn. Đáy màu nâu chocolat. Lò Chu Đậu. Thế kỷ 14. Tham khảo: Lê Thành Khôi, Lịch Sử Việt Nam; Gốm Chu Đậu, A39 và A40.

hinh 27

Hình 27: Mã số MA 5474/232. Dĩa vành tròn. Cao 4 cm. Đường kính 13 cm. Sành tráng men ngọc bích dừng không đều ở giữa vách ngoài, có vòng tròn rộng, không tráng men. Lò Chu Đậu. Thế kỷ 14-15. Lớp men không đều tráng trên lớp áo mày trắng, điều này làm bề mặt óng ánh nhiều màu. Vòng tròn rộng trơn ở đáy cho thấy phương pháp chồng đống lên nhau khi nung dường như được áp dụng rộng rãi ở Chu Đậu hồi thế kỷ 14.

hinh 28

Hình 28: Mã số MA 5474/465. Mảnh bát (trôn và một phần vách). Cao 8,1 cm. Dạng loe. Sành tráng men trắng xám nhạt dừng rất đều ở đáy chân. Trang trí hoa cách điệu chạm vào vách tring. 5 dấu pernettes ở đáy. Thế kỷ 12. Mẫu đối chiếu MG 18630, ở Bảo Tàng Guimet, Paris. Tham khảo Toyo Toji Oriental Ceramics, Society of Oriental Ceramic Studies, 1979-1983, Vol. 9, N°82.

hinh 29

Hình 29: Mã số MA 5474/456. Bát có vách tròn. Cao 7,2 cm. Đường kính miệng 17 cm. Sành trắng tráng men trắng mỏng màu lục nhạt. Vách trong chạy viền và sọc nổi. Có 5 dấu pernettes tam giác ở đáy. Thế kỷ 13. Trang trí và dáng tương tự mẫu vật mã số ở Bảo Tàng Princessehof, Leeuwarden. Đáy dẹt và để trơn lộ lớp cốt nhẵn vả rất trắng. Vách trong sinh động với đường chạy sọc nổi dọc tỏa ra từ đáy.

hinh 30

Hình 30: Mã số MA 5474/596. Cốc có vách tròn. Cao 7 cm. Đường kính miệng 18,2 cm. Sành rất mịn tráng men trắng dừng hẳn ở đáy chân. Mặt trong có trang trí lá lượn có in thêm hoa và chim, nổi lên là trang trí hình trứng. Miệng cốc bị bể thành nhiều chỗ. Thế kỷ 13. Dạng và trang trí gần giống hình 23.

hinh 31

Hình 31: Mã số MA 5474/447. Chậu (mất một phần thân). Cao 8,5 cm. Đường kính miệng 5,5 cm. Sành tráng men trắng lục nhạy trên lớp áo trắng. Bên trong có tráng men. Một trang trí cây lá màu đen gỉ sắt ở phần trên thân. Chắc chắn xuất xứ Chu Đậu. Thế kỷ 14. Mẫu vật có dạng tương tự trong cuốn Gốm Chu Đậu, N°A48.

hinh 32

Hình 32: Mã số MA 5474/457. Cốc có chân cao (mắt một vạt vách). Cao 17,5 cm. Đường kính đáy 12,4 cm. Sành tráng men trắng xám nhạt phủ lên cả phần trên vách trong cốc. Chân loe rộng. Đáy lõm sâu. Thế kỷ 13-14.

 hinh 33

Hình 33: Mã số MA 5474/185. Chậu có nụng hình trứng. Cao 11,5 cm. Đường kính miệng 10 cm. Sành tarn1g men xám lục nhạt dừng ở phía trên đáy. Đáy dẹt bao quanh có một đường chỉ nâu. Một dường không đều các chấm nâu ở phần trên vai. Thế kỷ 14. Trang trí tương tự: chén mã số MA 1313ở Bảo Tàng Guimet và chậu mã số H1971 ở Bảo Tàng Mỹ Thuật Và Lịch Sử Hoàng Gia Bỉ.

 hinh 34

Hình 34: Mã số MA 5474/281. Bình vôi. Cao 14 cm. Đường kính đáy 8 cm. Sành tráng men màu be dừng không đều ở đáy. Thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12. Quai được xử lý như dải dây có ba vòng, trên quai có những hòn nhỏ như quả cau. Đáy có vành rộng chạm một hình biểu ý giả cở lớn.

Hình 35

Hình 35: a) Mã số MA 5474/587. Đáy một cái bát hay một chiếc cốc. Đường kính đáy 8 cm. sành trắng tráng men màu kem và trang trí màu đen gỉ sắt bên dưới lớp men. Lò Chu Đậu. Thế kỷ 14. Tham khảo: cuốn Gốm Chu Đậu N° A34. b) Mã số MA 5474/530. Đáy dĩa. Sành tráng men ngọc bích nên vách ngoài và mặt trong trang trí màu lam Hồi (xanh cobalt) trên lớp áo trắng dưới lớp men trong suốt (men ngọc gay men thủy tinh). Đáy màu nâu chocolat. Lò Chu Đậu. Thế kỷ 15. Tham khảo cuốn Gốm Chu Đậu, N° A44.

 

*********************************************************************************************************************************

 

[1] Bài này viết theo quan điểm riêng của tác giả nên dịch nguyên ý. Tuy nhiên nội dung có giá trị tham khảo cao, đặc biệt các mã số để người nghiên cứu dễ tiếp cận hiện vật ở Viện Bảo tàng Guimet nếu có điều kiện, nên dịch giới thiệu. Bạn đọc nên có chọn lọc khi sử dụng. [Người dịch]

[2] Biên Niên Trường Viễn Đông Bác Cổ (Chronique de l’Ecole française d’Extrême Orient), BEFEO. 1919, p. 100.

[3] Henri Parmentier tập hợp lại theo quan điểm của Henri Maspero (Henri  Parmentier: “Eléments anciens d’architecture au Nord Vietnam” (Các Thành Tố Cổ Trong Kiến Trúc Bắc Việt Nam), BEFEO, 1951,fasc.l.p. 343).

[4] Henri Parmentier, hướng dẫn viên Viện Bảo Tàng Trường Viễn Đông Bác Cổ, 1915.

[5] Tăng Bá Hoành phụ trách chương trình này (với sự tham gia của Đặng Đình Thế, Võ Danh Thắng, Nguyễn Duy Cường và Nguyễn Khắc minh). Tham khảo Gốm Chu Đậu, Bảo tàng tỉnh Hải Hưng, 1993.

[6] Tôi cảm tạ Loan de Fontbrune đã cung cấp hồ sơ ảnh toàn bộ cuộc triển lãm này.

[7] Tham khảo cuốn Gốm Chu Đậu., opus cit., fig. 100 et A90 à A93.

[8] Sản phẩm nung hư [Người dịch]

[9] Bà Marthe Bernus-Taylor, tổng quản thủ di sản, Phòng Cổ Vật Hồi Giáo thuộc Bảo Tàng Louvre đã tận tình giúp chúng tôi xác định các mảnh vỡ này.

[10] Chỉ quan lại cai trị người Trung Hoa [Người dịch]

[11] Ở di tích chùa Vạn Phúc núi Phật Tích được xây dựng đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) ở chân cột (nay không còn nữa) có trang trí những hình nhân nhỏ mặt trái xoan và các thành phần uyển chuyển, có thể so sánh với chiếc cốc MA 5426 (hình 10). Xem Louis Bezacier, L’Art Vietnamien (Mỹ Thuật Việt Nam), Edition de l’Union  Française, Paris, 1955, p. 183.

[12] Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam (Buddhist Temples in Vietnam), Nhà xuất bản khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993, p. 48.

[13] Olov R.T. Janse, Archaeological Research in Indochina (Nghiên Cứu Khảo Cổ ở Đông Dương),  Bruges, 1958, vol. III, pi. 82-3. Roxana Brown. The Ceramics of South-East Asia: Their Dating and Identification (Gốm Sứ Đông Nam Á: Niên Đại và Cách Xác Định),  Kuala Lumpur, Oxford University Press, 1977, pp. 3-12.

[14] Mảnh này chắc chắn thuộc hình trang trí nóc mái. Do được chạm khắc ở cả hai mặt, nó không thể là món để phủ trên mặt đá cũng không làm ngói trang trí diềm mái.

[15] Henri Parmentier, trong “Eléments anciens d’architecture…  “, opus cit.

[16] Tôi cảm tạ ông Musculus, cán bộ Khoa Gốm Sứ của Trường Bách Nghệ đã góp nhiều ý kiến cho chúng tôi về kỹ thuật và các sản xuất.

[17] Chủ đề “Đứa trẻ giữa đám hoa” là biểu tượng ý cầu mong đông con nhiều cháu, có lẽ nguồn gốc ở Ấn Độ. Biểu tượng này dùng đầu tiên ở Yaozhou sau đó lan rộng ra khắp Trung Hoa. Xem Jan Wirgin, “Sung Ceramics Designs” (Tạo Mẫu Gốm Sứ Đời Tống), Bulletin for the Eastern Antiquities, Stockholm, 1970, vol, 42, p. 179 à 184.

Người dịch: chữ Yaozhou là phiên âm của Giao Châu, chẳng biết tác giả có nhầm lẫn gì chăng? Xuất xứ là Ấn Độ?

[18] II 1891. Musées Royaux d’Art et d’Histoire, Bruxelles (Bảo Tàng Hoàng Gia Mỹ Thuật Và Lịch Sử). Xem:  Tsugio Mikami, Ceramic Art of the World (Nghệ Thuật Gốm Thế Giới), Tokyo, 1984, vol. 16, fig.  106.

[19] Hà Thúc Căn và Nguyễn Bích, “Discovery of the Chu Dâu kilns” (Phát Hiện Lò Gốm Chu Đậu), Arts of Asia, vol. 3, 1989.

[20] Quan niệm chung là thừa nhận màu này gọi là “xanh lục táo”. Men này có được nhờ phụ gia thêm oxide đồng. Dường như quy trình chế rất phức tạp và sắc màu thay đổi do phụ gia của nhiều chất. So sánh nhiều mảnh vỡ về sau sẽ cho phép chúng tôi nghiên cứu vấn đề này rút ra phân tích cuối cùng. Toàn bộ các bức ảnh chụp do Thierry Ollivier thực hiện ở Viện Bảo Tàng Quốc Gia Mỹ Thuật Châu Á Guimet.

 

MỤC LỤC  –  GỐM SỨ CỔ TRUYỀN VN

Read Full Post »

Older Posts »