Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘CÁC BÀI SƯU TẦM’ Category

Đồng Nai có gốm Biên Hòa

Đẹp, bền, duyên dáng ai mà lãng quyên

Đó là câu ca dao ngọt ngào, ngợi ca địa danh làm gốm nổi tiếng của mảnh đất Miền Đông Nam bộ. Thật tự hào với thương hiệu gốm Biên hòa đã đi vào lòng người. Điều đó chứng minh nghề gốm Biên Hòa đã có từ rất lâu, nó được đón nhận vào đời sống văn hóa của dân gian như nhiều nghề truyền thống khác. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển gốm Biên Hòa đã để lại nhiều giá trị tại kho tàng lịch sử gốm Việt Nam, trong đó giá trị nghệ thuật là yếu tố nổi bật và quan trọng để đưa sản phẩm gốm Biên Hòa trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước. Một trong những yếu tố quan trọng đó, chính là nghệ thuật trang trí được thể hiện qua đôi tay khéo léo và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân gốm Biên Hòa.

Hoa văn trang trí gốm Biên Hòa

Nói đến “Trang trí”, đầu tiên phải kể đến các họa tiết trang trí. Đó có thể là một hay nhiều mảng màu đơn giản đến các hoa văn phức tạp khác nhau. Một đặc trưng nổi bật của trang trí gốm Biên Hòa là sự đa dạng, phong phú của nội dung các hoa văn trang trí.Đối với các hoa văn, ngoài yếu tố trang trí, người ta rất quan tâm đến ý nghĩa của nó, đặc biệt là những hoa văn có tính ước lệ như rồng, phượng, được gắn đặt một ý nghĩa nào đó thông dụng trong nhân dân. Hoa văn miêu tả cuộc sống như cảnh sinh hoạt, hay minh họa cho một truyền thuyết của dân tộc, một kỳ tích của các anh hùng, một câu chuyện nào đó trong dân gian được mọi người yêu mến và có ý nghĩa giáo dục.

–  Hoa văn Rồng, Phượng

Hòa mình vào quan niệm truyền thống của người phương Đông, hình tượng con Rồng, Phượng, Kỳ lân là những hoa văn ước lệ xuất hiện khá nhiều trong các sản phẩm gốm truyền thống của Đồng Nai. Các bố cục như “lưỡng Long tranh châu” hay “lưỡng Long chầu Nguyệt” luôn là các đề tài cho việc trang trí sản phấm gốm thờ cúng.

Một đặc trưng của hình tượng Rồng trên gốm Biên Hòa là biến thể Rồng lá, đây là dạng hoa văn cổ rất hay được áp dụng trên các đố án trang trí bình đèn. Một sản phẩm gốm Biên Hòa được sáng tác từ thời Pháp thuộc là bình đèn lộng rồng lá đã áp dụng rất nhuần nhuyễn hoa văn trang trí này. Trong bình, rồng lá có bố cục mềm mại, uyển chuyển và liên tục chạy khắp một vòng của thân bình với nhiều con kết hợp lại. Các mảng lượn lờ đan xen với nhau sao cho bố cục của mảng được rải đều và nâng đỡ nhau để khi lộng thủng bớt phần nền, vẫn còn lại xương đủ cho sự chịu lực của bình. Nghệ nhân thường chạm thủng phần nền làm nổi bật thân Rồng lá để lộ rõ một lối trang trí có đường cong làm chủ đạo. Họa tiết trang trí và phần nền được hai màu men xanh đồng và trắng ta phối lại một cách hài hòa và trầm lặng.

 
 – Họa tiết hoa lá

Hoa lá trong trang trí gốm Biên Hòa thường hiện diện dưới hai hình thức, đó là hoa lá cổ được người nghệ nhân sưu tầm lại từ vốn cổ của cha ông để lại. Có nhiều dạng hoa lá cổ như hoa Mai, Lan, Cúc, Sen…hoặc chỉ là những chiếc lá được bố cục trong một dải đồ án nhất định. Việc đưa họa tiết cổ vào trang trí đã tạo cho sản phẩm trở nên gần gũi thấm đượm bản sắc dân tộc. Cách bố cục họa tiết hoa lá cổ cộng với sự phối màu hài hòa, trầm, đã tạo cho gốm Biên Hòa sự sâu lắng đến vô cùng, nghiêm trang và cao quý.

Ngoài hoa lá cổ, gốm Biên Hòa còn sử dụng họa tiết hoa lá do người sáng tác nghiên cứu. Họa tiết thường được chú ý nhiều nhất là hoa Sen, hoa Mai. Trong chiếc liễn hoa Sen một sự tự do, thoải mái cho người sáng tác, những mảng hoa và lá nâng đỡ cái nọ làm nền cho cái kia trên một diện tích hợp lý, tạo ra một bố cục hoàn chỉnh với màu sắc nhẹ nhàng, quyến rũ. Ở một số bố cục khác, lại có sự kết hợp rất khéo giữa Sen và cỏ, những bông Sen trong nhiều hình dáng từ khi mới nở đến lúc đã xòe ra hết cỡ, điều này chứng tỏ người sáng tác đã có nghiên cứu kỹ. Màu sắc của lá sen thường là men xanh đồng, bông sen màu trắng có điểm chút màu hồng để tạo ra sự tinh khiết.

Có một dạng trang trí rất đặc sắc của gốm Biên Hòa, đó là đồ án bá hoa. Trong đồ án trang trí này, nghệ nhân sử dụng rất nhiều các loại hoa, hoa Mai, hoa Cúc, hoa Hướng dương, hoa Dâm bụt…tất cả các hoa này, cái to, cái nhỏ chồng lấn nâng đỡ nhau tạo thành một rừng hoa trước mắt người xem. Đây là lối trang trí được sắp xếp rất nhiều màu cho các loài hoa, tuy nhiên, nhờ có mảng lớn nhỏ khác nhau, sự diễn tả tốt của không gian nhờ các mảng chồng lên nhau nên sự phối màu trở nên hài hòa, vui mắt.

Họa tiết động vât

Động vật trong trang trí gốm Biên Hòa rất phong phú, ngoài những con vật tưởng tượng như Rồng, Phượng, kỳ Lân, còn có rất nhiều loài vật khác trong tất cả các loại hình của gốm.

Trong gốm tượng tròn, hình tượng nhiều nhất là Voi với sự đa dạng ở các tư thế khác nhau, có con cụp vòi xuống, có con lại đưa vòi lên như đang vẫy gọi bạn. Một loại sản phẩm dùng voi làm hình tượng là đôn voi, đây là sản phẩm đặc trưng của gốm Biên Hòa. Nhìn chung, hình tượng voi trong gốm Biên Hòa có thân hình khỏe và sinh động trong các tư thế động. Trong một số loại hình, voi còn được trang trí những hoa văn, điều đó đã đưa gốm Biên Hòa có những sản phẩm tiêu biểu, khác biệt với các dòng gốm khác.

Trong nhiều đồ án trang trí trên gốm Biên Hòa, hình ảnh Ngựa được thể hiện rất đẹp với dáng vẻ sinh động và thật mềm mại. Dưới nét khắc tài hoa của nghệ nhân, hình ảnh ngựa hiện lên hùng dũng trên đường chạy song cũng thật uyển chuyển, lãng mạn với nhịp điệu của đường nét và mảng khối.

Họa tiết Tôm và Cá được diễn tả rất sinh động trên các sản phẩm gốm Biên Hòa. Một chú Tôm đang dùng hai chiếc càng để gắp bông hoa, cho thấy sự quan sát thật tinh tế của người sáng tác. Chỉ bằng những nét khắc đơn giản, con Tôm đã được tả thực một cách vô cùng chính xác. Cách bố cục của Tôm cùng với những thực vật trong lòng tròn đĩa cho người xem cảm nhận một sự chặt chẽ nhưng thật nhẹ nhàng của môi trường dưới nước. Trong sản phẩm này màu men xanh đậm của đĩa đã làm nổi bật mình Tôm màu trắng ta bên cạnh những mảng hoa màu nâu nhạt đóng vai trò trung gian.

Đề tài Cá được khai thác nhiều tập trung ở hình ảnh cá ba đuôi, cá tai tượng. Đĩa trang trí cá trong gốm Biên Hòa cho thấy một thân thể cá mềm mại với những cái đuôi lượn lờ trong nước. Ở đây tác giả đã cố ý miêu tả chi tiết vẻ đẹp đặc trưng của cá ba đuôi, những mảng đuôi được phụ họa bằng những nét khắc đã tạo nên sự uyển chuyển, mềm mại làm sao.

Bình hoa trang trí “Cò Tùng” là một bức tranh thật sinh động về cảnh sinh hoạt của cả một bầy cò. Tác giả đã nghiên cứu và thể hiện ở đây nhiều dáng cò, có con đang bay, con đang đậu nhìn lên, con đang xỉa lông… thật là một tập thể náo động quanh những cành, lá Tùng cùng một vài giải Mây lượn lờ bên trên. Bố cục trang trí của đồ án trang trí này là hết sức tự do, mọi họa tiết cứ phát triển tự nhiên và chạy giáp vòng, phủ kín hết diện tích bề mặt của bình. Điều này gây cho người xem sự chú ý toàn diện trên tất cả các mặt của sản phẩm, nó cũng cho cảm giác như đang được chiêm ngưỡng cả một rừng“Cò Tùng” vậy. Hình ảnh những cánh cò trắng hòa cùng màu xanh lãm của nền, trông như một bức tranh sống động trong thiên nhiên.

                                                                                                   

–  Hình ảnh con người trên gốm Biên Hòa:

Trong trang trí gốm Biên Hòa ngoài những tượng đài và phù điêu hoành tráng, hình tượng con người còn được thể hiện rất phong phú qua những đề tài có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, mỗi đề tài đều gắn với một điển tích, một cảnh sinh hoạt hay một cốt truyện cụ thể trong dân gian. Nó là những lời ngợi ca các anh hùng, ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong lịch sử đấu tranh và lao động của mình.

Đề tài về con người được quan tâm sâu rộng là những cảnh sinh hoạt trong dân gian. Qua tranh gốm diễn tả đám cưới, hình ảnh con người và phong tục xưa hiện lên rõ nét. Sự rộn ràng, hồ hởi của ngày quan trọng nhất trong cuộc đời đã được tác giả thể hiện trên những gương mặt của các nhân vật cùng nhịp điệu vui tươi được tạo ra bởi các tư thế của những người đi rước dâu. Những trang phục cộng với ô và nón đã đem lại một cảm giác hết sức thân thương về một quê hương Việt Nam thanh bình, đầm ấm tình người. Tranh lấy màu xanh và trắng làm màu chủ đạo và được điểm một số họa tiết màu nâu vàng đã đem lại hiệu quả nhẹ nhàng, nền nã.

Phù điêu “Mùa gặt” đã mang đến một hình ảnh khác của người Việt, một lao động hăng say trên cánh đồng lúa nước. Những người nông dân trong động tác làm việc khác nhau, song họ đều hồ hởi trước một vụ mùa bội thu. Bố cục của ba người gom thành một nhóm chặt chẽ và tạo thành nhịp điệu rõ qua đường nét của mảng. Những cánh cò bay ngược với hướng của nhân vật ở phía trên có tác dụng cân bằng và mở rộng thêm không gian cho phù điêu.

              

Cảnh nhảy múa có rất nhiều đồ án trong trang trí gốm Biên Hòa, đó là sự thể hiện những nhịp điệu thật nên thơ của các điệu múa trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Các nghệ nhân đã chọn lọc và bố cục nhịp nhàng giữa sự uyển chuyển của người múa cùng những dải lụa hoặc trang phục truyền thống duyên dáng, dịu dàng…tất cả tạo thành một tổng hợp của đường cong thật nhẹ nhàng, đẹp đẽ.

Các phương pháp trang trí trên gốm Biên Hòa:

–  Kỹ thuật chạm khắc trong trang trí gốm:

Kỹ thuật khắc chìm là một đặc trưng rõ nét nhất của nghệ thuật trang trí trên gốm Biên Hòa. Việc gốm Biên Hòa chọn phương pháp khắc chìm và phối màu men trên sản phẩm so với gốm vẽ oxit men Lam rất phổ biến ở Miền Bắc và Huế có thể cho chúng ta hình dung sự độc lập trong sáng tạo và xu hướng riêng biệt.

Khác  với  các  phương  pháp  vẽ  oxit  như gốm Hoa lam, người thợ khắc dùng một dụng cụ như bút viết nhưng đầu bằng sắt nhọn để khắc nét chìm vào sản phẩm. Muốn cho dễ thao tác và không bị bể nét, người thợ thường khắc khi đất còn chưa khô trắng. Họa tiết được phác chì hoặc in bằng một mộc cao su,  người  thợ sẽ khắc lại theo nét chì, mực in. Độ sâu của nét khắc vừa đủ để làm rãnh ngăn cách không cho hai màu men chảy lem vào nhau.

–  Kỹ thuật chạm lộng của gốm Biên Hòa:

Chạm lộng (chạm thủng) là kỹ thuật trang trí được áp dụng cho một số chủng loại sản phẩm như: Bình đèn, voi, đôn, chân đèn…Trong kỹ thuật này người thợ dùng dao cắt xương đất thành những lỗ hổng, tạo ra một phần nền (âm), phần họa tiết được giữ lại. Các họa tiết phải liên lạc với nhau sao cho  khi lộng thủng xong mà xương vẫn vững chắc cho công đoạn tiếp theo và trong sử dụng. Đối với bình đèn, bóng đèn được lắp bên trong, ánh sáng sẽ rọi qua các lỗ thủng tạo ra một hiệu quả vô cùng thú vị tùy vào sự tính toán của người thiết kế trang trí.

Kỹ thuật trang trí men trên gốm Biên Hòa:

Kỹ thuật trang trí men ở Biên Hòa có nhiều phương pháp khác nhau  nhưng hay sử dụng nhất là kỹ thuật chấm men. Khi đã có mảng trang trí được phân chia theo các đường khắc, người thợ sẽ dùng cọ chấm men lên sản phẩm  theo một sự phối màu đã có sẵn.Độ dày của lớp men phải luôn đảm bảo vừa, bởi nếu mỏng quá sẽ lộ cốt đất còn dày quá thì men sẽ bị tuôn, lem qua các mảng màu khác khi nung. Ưu điểm của phương pháp này là nó cho phép người thợ chủ động phối được nhiều màu men trên một sản phẩm, các mảng màu rõ ràng, thể hiện tính trang trí cao.

Men trên đồ gốm không chỉ là một bước tiến về mặt khoa học kỹ thuật mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo của sản phẩm. Một đồ gốm khi được phủ men trên bề mặt và trong lòng sẽ có tác dụng như một lớp thủy tinh làm cho gốm không bị thẩm thấu, tăng độ bền cơ, bền hóa, bền điện và nhiệt.

Quan hệ của men và hình là mối quan hệ hỗ trợ, tôn vẻ đẹp cho nhau. Men làm cho hình dáng của sản phẩm trở nên lưu loát, hài hòa hơn. Men còn làm cho hoa văn trang trí mềm mại hơn, hòa nhịp với dáng của sản phẩm. Khi được phủ men, hoa văn trở nên ẩn hiện và có hồn hơn trong một tổng thể hài hòa. Men màu luôn được sử dụng hợp lý với màu sắc của hoa văn. Men giúp cho bề mặt của sản phẩm tăng thêm độ láng bóng, che bớt đi những nét thô ráp của những đoạn nối giữa thể chính và phụ, nó làm nhẹ đi góc cạnh của sản phẩm.

Men của Biên Hòa được chia ra hai xu hướng khác nhau về nhiệt độ chảy và hệ màu sắc. Đó là dòng men cao độ cho ra những màu sắc trầm và quý, dòng men trung độ chuyên sử dụng những sắc màu tươi sáng hơn, rực rỡ hơn với các màu nóng như màu vàng, hồng, cam, đỏ…

Nghệ thuật phối màu trên gốm Biên Hòa:

Trên gốm Biên Hòa, các màu men được phối hợp với nhau rất hài hòa trên một tổng thể đã được đính sẵn. Với tính đặc trưng là trang trí bằng các nét khắc, nên các mảng màu được phân định sẵn, rõ ràng không có sự lem qua lại giữa các màu. Vì vậy, đặc điểm trang trí của gốm Biên Hòa đã thể hiện sự kế thừa và phát triển tính trang trí trên gốm hoa nâu thời nhà Trần.

Qua các sản phẩm gốm Biên Hòa, cho thấy rõ hai trường phái phối màu khác nhau theo hai dòng men nặng và trung lửa. Trường phái thứ nhất là trang trí bằng các màu men nặng lửa của trường Mỹ Nghệ Biên Hòa. Xuất phát từ cái gốc của mỹ thuật học, sự phối màu của Thầy và Trò đều dựa trên cơ sở khoa học. Các màu được sắp xếp sao cho vừa nêu rõ được cái đẹp, cái nổi bật của mảng chính, lại vừa có tính chuyển tiếp, hài hòa trong tổng thể của một sản phẩm. Trên mỗi chiếc bình, hũ hay chén dĩa…số lượng màu rất hạn chế, chỉ từ 2 đến 5 màu nhưng vẫn cho thấy đủ màu chính và màu trung gian, vẫn gợi mở được cái sâu thẳm của không gian. Chính sắc độ và cách phối màu đã đưa gốm Biên Hòa đến cái đẹp không rực rỡ nhưng có hồn, nó cuốn hút người xem càng nhìn càng cảm nhận được tính sang trọng và cao quý, cảm nhận được chiều sâu của vẻ đẹp qua một tác phẩm.

Trường phái thứ hai là trang trí những màu men sáng. Với sự phong phú về số lượng màu sắc, nên người thợ thường phối màu có tính vui vẻ và rực rỡ trên nhiều sản phẩm. Đó là những bông hoa khoe sắc, những hình tượng Rồng, Phượng rực rỡ trên không trung. Là những mảng màu có tính tương phản trên cùng một sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều bình, chậu có sự phối màu dịu dàng, song nhìn chung, trường phái này có hơi lạm dụng tính tương phản của màu. Nó cho ra nhiều sản phẩm mới nhìn rất rực rỡ, bắt mắt nhưng nhìn lâu sẽ có sự nhàm chán và hời hợt.

Như vậy, giá trị nghệ thuật trang trí của gốm Biên Hòa thể hiện thật phong phú và đầy tính sáng tạo. Bằng những đặc trưng và kỹ thuật sản xuất riêng, nghệ nhân Biên Hòa đã sản sinh ra dòng sản phẩm gốm có giá trị thẩm mỹ cao, được đón nhận và tôn vinh tại các cuộc triển lãm của trong nước cũng như quốc tế.

Trang trí là một giá trị nghệ thuật rất đặc trưng của gốm Biên Hòa. Đi theo lối khắc chìm, lộng vào thân sản phẩm, hoa văn trên gốm Biên Hòa trở nên rõ ràng, khỏe mạnh và dứt khoát. Sự phân mảng màu sắc riêng biệt cùng với kỹ năng phối màu men mang tính sáng tạo trên cơ sở những màu men truyền thống nổi tiếng đã nâng nghệ thuật trang trí gốm Biên Hòa vươn tới cái đẹp của sự hoàn thiện./.

Thạc Sĩ : Trần Đình Quả

This slideshow requires JavaScript.

MỤC LỤC – HỘI HỌA & ĐIÊU KHẮC

MỤC LỤC  CÁC BÀI SƯU TẦM

*Mục Lục – Gốm Sản xuất Ở Miền Đông Nam Bộ

Read Full Post »

Older Posts »