Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘đồ sứ ký kiểu’

Chuyên mục cộng đồng: Trao đổi ý kiến về đồ gốm sứ bạn đọc của blog sưu tầm

Tích “đạp tuyết tầm mai” trên đồ sứ ký kiểu:

Bạn đọc Lê Phước cần thông tin về đề tài “đạp tuyết tầm mai” trên đồ sứ ký kiểu nên đã gửi cho blog hình ảnh chiếc hủ đựng trà dưới đây:

DTTM1

DTTM2

DTTM3

Chúng tôi xin góp ý về đề tài này:

1/- Xuất xứ trên thơ văn chử Hán của thành ngữ “đạp tuyết tầm mai” :

踏雪尋梅

數九寒天雪花飄,

大雪紛飛似鵝毛。

浩然不辭風霜苦,

踏雪尋梅樂逍遙。

Đạp tuyết tầm mai

Sổ cửu hàn thiên tuyết hoa phiêu ,

Đại tuyết phân phi tự nga mao .

HẠO NHIÊN bất từ phong sương khổ ,

Đạp tuyết tầm mai lạc tiêu diêu .

**********************************

踏雪尋梅

平生春興十分深,

長恐梅花負賞心。

偶有一枝斜照水,

前村踏雪也須尋。

張道洽

Đạp tuyết tầm mai

Bình sanh xuân hứng thập phân thâm ,

Trường khủng mai hoa phụ thưởng tâm .

Ngẫu hữu nhất chi tà chiếu thủy ,

Tiền thôn đạp tuyết dã tu tầm .

Trương Đạo Hiệp

*************************************

臨江仙

庭院深深深幾許,

雲窗霧閣常扃,

柳梢梅萼漸分明,

春歸秣陵樹,

人老建康城。

感月吟風多少事,

如今老去無成,

誰憐憔悴更雕零,

試燈無意思,

踏雪沒心情。

李清照

Lâm giang tiên

MAI

Đình viện thâm thâm thâm kỷ hử ,

Vân song vụ các thường quynh ,

Liễu sao mai ngạc tiệm phân minh ,

Xuân quy Mạt Lăng thụ ,

Nhân lão Kiến Khang thành .

Cảm nguyệt ngâm phong đa thiểu sự ,

Như kim lão khứ vô thành ,

Thùy liên tiều tụy cánh điêu linh ,

Thí đăng vô ý tứ ,

ĐẠP TUYẾT một tâm tình .

Lý Thanh Chiếu

(nguồn trích dẫn forum của website Viện Việt Học)

2/- tác giả Phí Ngọc Hùng dựa trên các các tác phẩm:

Khảo Về Gốm Cổ, Sành Xưa – Vương Hồng Sển

Thuật Uống Trà – Nguyễn Kỳ Hưng

Đồ Gốm Cổ Truyền – Bùi Ngọc Tuấn

Thư Tịch Gốm Cổ VN – Trần Anh Tuấn

Gốm Trà Việt Nam – Phan Quốc Sơn

Làng Gốm Cổ Truyền VN – Khuyết Danh

Gốm Bát Tràng – Nguyễn Đình Chiến

Trong một tiểu phẩm nói về ấm trà của mình, đã viết như sau:

Theo điển tích thì tất cả những bộ ấm trà của các cụ từ thời Trịnh Nguyễn được gọi chung là đồ “ký kiểu”, hiểu theo nghĩa là vẽ kiểu trước và ký là dấu ấn hay một bài thơ ngắn. Khởi đầu từ chúa Trịnh Sâm, người được coi là trà sư của nghệ thuật uống trà, tự nhận mình là “trà nô”, với chén bạch định hay bạch trản ký hiệu “Nội Phủ”. Sau đó, cụ Nguyễn Du mang về cho vua Gia Long bộ ấm “Giáp Tý 1804”, riêng cụ có bộ Mai Hạc với hai câu thơ “Nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen”. Tiếp đến vua Minh Mạng có bộ “Chữ Nhất”, vua Thiệu Trị với bộ “Mãn Hoa Tùng Đình” và vua Tự Đức cùng bộ “Ngọan Hảo”. Các bộ ấm đặt làm cho các quan, với “chữ đề” gọi là “chấm”. Quan võ thích chấm “Tam Cố thảo lư”, hoặc “Tây Sương ký”. Quan văn ưa “Trúc lâm thất hiền” hay “Đạp tuyết tầm mai” này nọ…

DTTMpmb

Tương truyền khi đi sứ sang Tầu vào năm 1813, cụ Nguyễn Du đến thăm một xưởng chế tạo đồ sứ danh tiếng lấy hiệu đề Ngoạn Ngọc ở tỉnh Giang Tây. Lúc bấy giờ xưởng đang chuẩn bị chế tạo bộ trà Mai Hạc. Với nhã ý đáng ca ngợi, vị chủ hãng ngỏ lời xin quan chánh sứ phẩm đề một câu để quảng cáo cho kiểu đồ trà này.,. quan chánh sứ lại dùng chữ Nôm viết nên câu:

Ngao du vui thú yên hà Mai là bạn cũ, hạc là người quen

Cây mai ở bộ chén đĩa trà này vẽ theo kiểu chữ “Nữ”女 . Cây mai uốn cong rất nhiều hoa, một tảng đá và một con chim hạc đứng trên tảng đá. Câu thơ viết theo hai cách: 6/2/6 hoặc 6/8 theo dòng dọc kiểu chữ nho. Chén dĩa màu men xanh ngọc và ký hiệu hãng “Ngoạn Ngọc” chế tạo. Nói cho xác đáng thì cây mai ở bộ chén đĩa “Mai Hạc” không lấy gì làm mỹ thuật lắm, và nó cũng không diễn tả được cái cốt cách cương nghị của loài mai. Cũng hình vẻ này nhưng lại có loại chén dĩa có đề câu thơ chữ Hán “Hàn mai xuân tín tảo”” 寒 梅春信早”, tức là cành mai lạnh báo tin xuân về sớm. Loại chén đĩa chữ Hán này không nổi tiếng bằng bộ trên, có lẽ vì câu thơ Nôm quá có giá trị chứ không vì cây mai đẹp. Một bộ chén đĩa trà khác vẽ một cây mai rất đẹp, không có hoa nở chỉ có cành và búp, không có lá. Dưới gốc mai có mấy tảng đá lớn nhỏ khác nhau, có cỏ non và đầy rêu. Một cây cầu nhỏ vắt ngang con suối, một cao sĩ cưỡi lừa qua cầu đi trước, một tiểu đồng vác cành mai theo sau. Bên kia chén đối diện với tranh vẽ có câu thơ: “Độc thám mai hoa sấu”独“探 梅花瘦 viết thành hai dòng: “Độc thán mai” ở dòng thứ nhất, “Hoa sấu” ở dòng thứ hai, dưới hai chữ này có khuôn dấu vuông thành sáu vị trí đối nhau. Câu thơ này vốn là của Khổng Minh trong Tam Quốc: “Kỵ lô quá tiểu Kiều, độc thám mai hoa sấu”,騎驢過小橋 独探 梅花瘦 có nghĩa là: cưỡi lừa qua cầu nhỏ, để kiếm cành mai gầy. Đề tài này các trà hữu thường gọi là đạp tuyết tầm mai tức là dẫm lên tuyết lạnh để tìm hoa mai. Bộ chén đĩa có nhiều nước men: men màu vỏ trứng gà so do hãng có đề hiệu “Nhã Thâm Trân Tàng” chế tạo; và men màu xanh ngã trắng của đề hiệu “Nội Phủ”. Cây mai ở bộ chén đĩa này đẹp hơn cây mai ở bộ “Mai Hạc” rât nhiều. Tính chất vừa thanh nhã vừa cao khiết đều có ở cây mai của bộ đồ trà đạp tuyết tầm mai này

DTTMpmb2

3/- Mùa thu năm 1868, nhà văn Đặng Huy Trứ (1825-1874) đã đặt làm một loạt đồ sứ để cúng tế tại nhà thờ. Hiện nay còn tồn tại 7 loại dĩa, tô, chén, bình hoa vẽ cá, nai, lên, hoa, đặc biệt dĩa bàn trà vẽ tích “Đạp tuyết tầm mai” ghi câu thơ :

Tuyết trung vị vấn điều canh sự

Tiên cú bách hoa đầu thượng khai.

(trong tuyết giá chưa hỏi đến việc nhà vua giao phó, câu đầu tiên để thưởng thức hoa mai nở trước trăm hoa) nói lên sự phấn khởi, hứng thú của thi nhân được thưởng thức hoa mai nở trước mọi hoa khác. Dĩa nầy hiện nằm trong bộ sưu tầm của nhà khảo cứu Trần Đình Sơn

Tác phẩm “ những nét đan thanh” của nhà khảo cứu Trần Đình Sơn được tác giả Hoài Hương giới thiệu như sau , xin trích dẫn :

Những nét đan thanh” , một sưu tập thơ văn trên dĩa trà ký kiểu men lam rất đặc trưng của Việt Nam vào thời Nguyễn, từ thế kỷ 18-19, lọai đồ sứ “Ngự dụng” trong cung Vua, do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn sưu tầm,Nhà xuất bản Văn Nghệ xuất bản, như một món quà xuân đến những người yêu thích cổ ngọan và cả những người có tâm hồn thi nhân luôn cảm khái cái đẹp ngôn ngữ xưa từ các câu thơ, điển tích được chép lại qua bàn tay nghệ nhân làm đồ sứ.

Có lẽ trước khi mở “Những nét đan thanh”, để thưởng ngọan,nên pha một ấm trà sen, độc ẩm hay đối ẩm hay… , và cầu kỳ hơn tí nữa, đốt một lư trầm, tạo một không gian xưa,một làn khói trầm phảng phất bãng lãng, một thóang hương thơm thanh thóat của sen, và ngòai trời kia là mùa xuân đang đâm chồi nảy lộc…134 chiếc dĩa sứ men lam với 134 điển tích, thơ, văn của những thi nhân, đặc biệt là những chiếc dĩa trà in danh lam thắng cảnh nước Việt với những câu thơ như họa cho cảnh vật hùng linh hư ảo, trầm tư như một khỏanh khắc thiền trong tâm.Và thú vị hơn là trong bộ sưu tầm dĩa trà ký kiểu này còn có những câu thơ, điển tích chúc phúc mùa xuân đầy ý nghĩa.

Mở mấy trang đầu “Những nét đan thanh”, thật ấn tượng với nét vẽ như tranh sơn thủy, in hình trên dĩa là danh thắng non nước miền Trung, xứ Thuận Hóa- Huế. Ấn tượng bởi đây là đồ sứ ký kiểu, đặt thợ nhà Thanh- Trung Quốc, nhưng cảnh vật in trên đĩa lại là non nước Việt, là những câu thơ Nôm- ngôn ngữ Việt.

Chiếc đĩa có hiệu đề”Thanh ngọan”, vẽ tòan cảnh cửa biển Tư Dung- Thuận Hóa, với lời đề thơ chữ Nôm của Đào Duy Từ(1572-1634):”…Một bầu riêng rẽ thú yên hà/ Nghi ngút hương bay cửa Đại La/Ngày vắng đỉnh đang chuông bát nhả/Đêm khuya dắng dõi kệ Di Đà/Nhặt khoan đàn suối ban mưa tạnh/Eo óc cầm ve thuở ác là…”. Một chiếc dĩa khác vẽ cảnh chùa Thái Bình ở núi Tam Thai- Quảng Nam ,với bài thơ Nôm tả cảnh rất đẹp:”Tạo hóa khéo đúc hình/ Non nước song thanh/Ai dặm đỉnh ngao giữa đáyNgát một thức xanh xanh”. Dĩa “Tùng quân”, vẽ đàn cá bơi đớp bóng trăng, đàn chim bay trên không giữa cảnh non nước,với 2 câu thơ của Hàn Than thời Trần”Hàn than ngư hấp nguyệt/Cổ lũy nhạn minh sương”.

Hai chiếc dĩa vẽ tòan cảnh núi Thúy Vân và chùa Thánh Duyên, hai thắng cảnh mang trong mình những sự tích từ thời Vua Gia Long. Trên đĩa vẽ chùa Thánh Duyên có chép thơ của Vua Thiệu Trị(1840-1847), thấm chất thiền:”Gió thiền chuông điểm rừng sâu dội/Cõi diệu hương đưa biển pháp nhuần/Cây vướng mây lành lên cảnh Bụt/Đường xuyên guốc sãi lấm hồng trần…”. Ngòai những chiếc dĩa vẽ cụ thể một danh thắng, còn nhiều dĩa khác vẽ phong cảnh với những bài thơ Nôm họa lại bằng ngôn ngữ, ngắm dĩa, đọc thơ, vẻ đẹp như được tăng thêm, không phải là cổ vật in trên giấy, mà hình như có hồn xác lay động thật sự.

Những chiếc dĩa mang các bức vẽ sự tích, điển tích rất nhiều, nhưng có lẽ “gần” với dân gian người Việt là những điển tích “Ngưu Lang Chức Nữ”,”Từ Thức gặp Giáng Hương”, “Lưu Nguyễn nhập thiên thai”,”Như chim liền cánh, như cây liền cành”, “Long Hổ tranh hùng”, “Cá chép hóa rồng”, “Ngư ông đắc lợi”… Với những ai có một chút kiến thức về Nho học, có thể tìm thấy trên nét vẽ và những câu thơ chép ở bộ sưu tập dĩa trà ký kiểu này nhiều bài học về “đạo” làm người, đối nhân xử thế, như dĩa “Đạp tuyết tầm mai”, “Tam cố thảo lư”,… Những bậc thi nhân yêu cái đẹp của Đường thi, cũng có thể tìm được tri âm từ các hình ảnh họa lại thơ của các thi nhân nổi tiếng thời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Vương Xương Linh, Giả Đảo, Bạch Cư Dị…

DTTM4

DTTM5

Bạn Lê Phước nên tìm hiểu cuốn sách này, chúng tôi không có cuốn này!

4/- Một trích đoạn tư liệu đáng lưu ý khi bàn về đồ ký kiểu có các bài thơ Hán Nôm:

Dù đồ sứ của Huế dưới thời Nguyễn phần lớn được đặt hàng từ nước ngoài, cuốn sách của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho thấy những đồ cổ này không phải là đồ Tàu, đồ Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Chúng chính là những sản phẩm của người Việt. Bởi người Việt đã thiết kế chi tiết từng mẫu mã, kiểu dáng gửi sang đặt hàng thợ nước ngoài chế tác. Điều đặc biệt, trên những loại đồ cổ này hầu hết đều được khắc thơ, văn chữ Hán Nôm.

Đoàn Phước Thuận là người đam mê những món đồ vẽ mai hạc đề thơ Nôm. Trong sưu tập của anh có hơn hai chục món mai hạc, nhưng đặc sắc nhất là chiếc dĩa trà có hai câu thơ Nôm viết theo thể “bát – lục”. Đây là món đồ mai hạc độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Trong 10 tác phẩm thơ văn chữ Nôm có trên đồ sứ ký kiểu, hai câu thơ “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ hạc là người quen” viết kèm trên đồ mai hạc có tần suất xuất hiện nhiều nhất, cũng là những câu thơ chiếm kỷ lục về viết sai và viết xấu: sai cả tự dạng lẫn bố cục xếp đặt câu thơ. Nguyên do là vì đây là hai câu thơ viết bằng chữ Nôm, thứ chữ do người Việt “sáng chế” và vay mượn từ chữ Hán mà thành. Chữ Nôm thì mỗi vùng, mỗi thời lại có những kiểu thức “sáng chế” và vay mượn khác nhau, nên đôi khi cùng một nét nghĩa và một âm Nôm, nhưng lại có nhiều tự dạng khác nhau. Việc này gây bối rối cho người thợ Tàu, khi họ phải viết chữ Nôm lên những món đồ sứ vẽ mai hạc. Do không hiểu nghĩa chữ Nôm, lại thấy tự dạng chữ Nôm giống với chữ Hán nên thợ Tàu cứ tùy tâm phóng bút nên viết sai chữ rất nhiều. Ngoài ra, vì thơ lục bát là thể thơ riêng của người Việt, thợ Tàu không biết nên cứ tùy nghi phân đoạn thơ Nôm theo “kiểu Tàu”: họ cắt hai câu lục bát thành ba câu (6 chữ – 2 chữ – 6 chữ), hay bốn câu (5 chữ – 2 chữ – 5 chữ – 2 chữ ; 4 chữ – 3 chữ – 4 chữ – 3 chữ). Đoàn Phước Thuận là người duy nhất có chiếc dĩa mai hạc có hai câu thơ Nôm được viết theo thể “bát – lục”: “Nghêu ngao vui thú yên hà mai là / bạn cũ hạc là người quen”. Ngoài ra, anh còn có một chiếc dĩa mai hạc khác, cũng ghi hai câu thơ trên nhưng viết thành bốn dòng và… sai trật lấc: “là bạn cũ hạc là / người quen / nghêu ngao vui thú yên / hà mai”.

5/- Cũng xin lưu ý phân biệt khi bàn về biểu tượng hoa mai trong thi ca TQ; và thể hiện trên gốm sứ với ý nghĩa “tứ quân tử” hoặc “ tuế hàn tam hữu” đó là loài hoa Mai mơ của xứ lạnh, chứ không phải giống hoa mai vàng ngày tết ở miền nam:

Hoa của mai mơ được yêu quý và tôn vinh ở cả Trung Quốc và Nhật Bản. Tại Trung Quốc, nó được sử dụng rộng rãi trong trang trí nhân các ngày Tết. Hoa mai mơ là chủ đề phổ biến trong nghệ thuật Trung Hoa và nó nằm trong số các loài hoa được ưa chuộng nhất của người Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như người Nhật, người Trung Quốc nhìn nhận ở hoa mai mơ như là biểu tượng của mùa đông nhiều hơn là vật báo hiệu mùa xuân. Chính xác là vì nguyên nhân này mà hoa của nó được yêu quý, do nó nở hoa với sức sống mãnh liệt giữa tuyết trắng của mùa đông trong khi các loài cây khác đang khô héo vì giá lạnh. Vì thế, nó được nhìn nhận như là ví dụ của sự kiên cường, kiên nhẫn trước nghịch cảnh, do vậy nó được sử dụng như là phép ẩn dụ để hình tượng hóa cuộc đấu tranh. Do nó nở hoa vào mùa đông, nên mai mơ, cùng với tùng, và trúc được gọi là 岁寒三友 (tuế hàn tam hữu, nghĩa là ba người bạn của giá lạnh).

Bên cạnh đó, hoa mai mơ là một trong “tứ quân tử” (四君子) tại Trung Quốc (cùng lan, cúc, và trúc) và chúng là biểu tượng của sự cao quý, hào hiệp. Bốn loại hoa này cũng xuất hiện trên bộ quân bài của trò chơi mạc chược – ma tước (麻雀). Ngoài ra, nó còn xuất hiện trong bộ tùng, cúc, trúc, mai với ý nghĩa tương tự như của bộ lan, trúc, cúc, mai.

Hoa mai mơ là loại hoa biểu tượng của thành phố Nam Kinh. Năm 1964, Hành chính viện của Trung Hoa dân quốc đã phê chuẩn hoa mai mơ 5 cánh làm quốc hoa của quốc gia này.[5]. Nó cũng là biểu tượng của China Airlines, hãng hàng không quốc gia của Trung Hoa dân quốc. Hoa mai mơ cũng xuất hiện trên Tân Đài tệ và các biểu tượng quốc gia khác. Ở Trung Hoa đại lục loài hoa này có trên nhân dân tệ và một số biểu tượng quan trọng khác.”

(trích từ  Wikipedia VN mục ý nghĩa văn hóa của hoa mai mơ)

Ở trên là một số thông tin có liên quan đến đề tài “đạp tuyết tầm mai” trên đồ sứ ký kiểu mà chúng tôi có được. Các bạn đọc của blog có quan tâm và có ý kiến gì mới, xin mời đóng góp thêm ( tại mục phãn hồi). Bạn Lê Phước với kiến thức riêng của mình cũng có thể trình bày bổ xung thêm cho đầy đủ.

Đây là bài đầu tiên trong chuyên mục cộng đồng, xin mời độc giả đóng góp thêm bằng ý kiến phãn hồi hoặc tự đặt vấn đề khảo cứu, tìm hiểu thông tin cho món đồ mình sưu tập băng cách liên hệ với blog để đăng bài lên cho mọi người cùng nghiên cứu và học hỏi.

KhanhHoaThuyNga

MỤC LUC – SƯU TẦM GỐM SỨ TRUNG HOA – KIẾN THỨC

Read Full Post »

Older Posts »