Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘kim tự tháp Ai cập’

Kim Tự Tháp Ai Cập

 

Biên khảo: Đức Chính

Bài 5: Kim Tự Tháp Trung và Nam Mỹ

Kim Tự Tháp là một đặc trưng văn hóa cổ Ai Cập, thế nhưng nhiều nơi trên thế giới cũng có những công trình được người ta gọi là Kim Tự Tháp: nổi tiếng nhất là vùng Trung và Nam Mỹ kỳ bí của thổ dân xứ này. Có thực sự nền văn minh Ai Cập đã sớm truyền bá qua Nam Mỹ trước thời Colombo? Những kiến trúc này có nguồn gốc từ đâu? Vấn đề vẫn là câu hỏi lớn thách thức các nhà nghiên cứu.

Ở châu Mỹ Kim Tự Tháp xuất hiện nhiều ở vùng Trung Mỹ và một ít ở Nam Mỹ. Hai dân tộc vùng Trung Mỹ đã xây dựng nhiều Kim Tự Tháp nhất là dân tộc Mayas và dân tộc Artez. Cả hai dân tộc này có nền văn hóa rất phong phú, thiên về tín ngưỡng và thiên văn học. Sơ bộ có thể liệt kê các Kim Tự Tháp vùng Trung Mỹ: Kim Tự Tháp ở Altun Ha (người Mayas), Kim Tự Tháp Caana ở Caracol (người Mayas), Kim Tự Tháp Wooden Lintel ở Caracol (người Mayas), Kim Tự Tháp High Temple ở Lamanai (người Mayas), Kim Tự Tháp Temple of the Jaguar ở Lamanai (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Lubaantun (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Nim Li Punit (người Mayas), Kim Tự Tháp El Castillo ở Xunantunich (người Mayas), Kim Tự Tháp the Bell ở San Andrés (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Tazumal (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Aguateca (người Mayas), Kim Tự Tháp LD-49 ở Dos Pilas (người Mayas), Kim Tự Tháp El Duende ở Dos Pilas (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Kaminaljuyu (người Mayas), Kim Tự Tháp La Danta ở El Mirador (người Mayas), Kim Tự Tháp El Tigre ở El Mirador (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Mixco Viejo (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Tikal (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Copán (người Mayas), Kim Tự Tháp Temple of the Murals ở Bonampak (người Mayas), Kim Tự Tháp Lớn ở Calakmul (người Mayas), Kim Tự Tháp El Castillo ở Chichen Itza (người Mayas), Kim Tự Tháp Lớn ở Cholula (người Xelhua), Kim Tự Tháp The Nohoch Mul ở Coba (người Mayas), Kim Tự Tháp La Iglesia ở Coba (người Mayas), Kim Tự Tháp Crossroads Temple ở Coba (người Mayas), Kim Tự Tháp Niches ở El Tajín (người Veracruz), Kim Tự Tháp Lớn ở La Venta (người Olmec), Kim Tự Tháp Temple of the Cross ở Palenque (người Mayas), Kim Tự Tháp Temple of the Inscriptions ở Palenque (người Mayas), Kim Tự Tháp ở Santa Cecilia Acatitlan (người Aztec), Kim Tự Tháp ở Tenayuca (người Aztec), Kim Tự Tháp Templo Mayor ở Tenochtitlan (người Aztec), Kim Tự Tháp ở Tenochtitlan (người Aztec), Kim Tự Tháp Mặt trời ở Teotihuacan (người Teotihuacano), Kim Tự Tháp Mặt trăng ở Teotihuacan (người Teotihuacano), Kim Tự Tháp ở El Tepozteco (người Aztec), Kim Tự Tháp ở Tula, Hidalgo (người Toltec), Kim Tự Tháp Magicia ở Uxmal (người Mayas), Kim Tự Tháp Lớn ở Uxmal (người Mayas), …

Về cơ bản có thể thấy Kim Tự Tháp Nam Mỹ có những khác biệt:

– Kim Tự Tháp Ai Cập đa số hình chóp nhọn, còn Kim Tự Tháp Trung và Nam Mỹ phần nhiều là bậc thang;

– Mô típ trang trí trong Kim Tự Tháp Ai Cập thiên về “Tử Thư”, tức mô tả các hình ảnh thế giới của người chết và cách vãng sinh. Kim Tự Tháp Trung và Nam Mỹ sử dụng những mô típ có chủ đề thế giới thần linh và sáng thế.

– Kim Tự Tháp Ai Cập là một lăng mộ của một vị Pharaoh, Kim Tự Tháp Nam Mỹ là nơi tiến hành lễ nghi tôn giáo hay phục vụ mục đích thiên văn. Dù rằng quanh chúng cũng tìm thấy một số mộ táng nhưng không có dấu vết chứng tỏ là lăng tẩm vương hầu[1], ngược lại có dấu hiệu nghi vấn đó là những người bị đem tế thần.

Thoáng nhìn, cả hai loại Kim Tự Tháp gần như giống nhau. Nhưng thực sự chúng có những cốt lõi khá cách biệt nếu nghiên cứu sâu. Một vài ví dụ về sự khác biệt về kiến trúc này. Người Mayas và người Artez có nhiều Kim Tự Tháp, nhưng nổi tiếng lại là Kim Tự Tháp Mặt trời và Kim Tự Tháp Mặt trăng Teotihuacan của người Teotihuacano.

Kim Tự Tháp Mặt trời ở Teotihuacan là Kim Tự Tháp có hai bậc thang lớn nhất vùng Trung Mỹ, cao 71,2 m và chu vi đáy 893,9 m. Nó được xây dựng vào khoảng năm 100 sau Công nguyên dùng để thờ Thần Rắn Lông Vũ (Feathered Serpent), nhưng đã bỏ hoang phế nhiều thế kỷ.

Thần Rắn Lông Vũ được nhiều dân tộc vùng Trung Mỹ tôn thờ. Không rõ người Teotihuacano gọi là gì, còn người Artez gọi là Quetzalcoatl, người Mayas gọi là Kukulcan, người Quiche là Gukumatz, … Nhưng văn hóa tín ngưỡng mỗi dân tộc về vị thần này có khác nhau. Người Teotihuacano coi là thần Mặt trời cai quản Trái đất và cuộc sống; người Artez tin Thần chủ về sự sống, gió và sự mọc lên của tinh tú (thần Mặt trời là Tonatiuh). Người Olmec (không rõ gọi là gì và chủ về việc gì) xếp vào hạng thần thứ 7 xuất hiện trên bức bia chạm ở Kim Tự Tháp La Venta (bên dưới có hình một người được hình dung là phi công vũ trụ); người Mayas cho rằng Thần Sáng tạo dạy họ luật lệ, làm ruộng, săn bắn và đánh cá (thần Mặt trời tên là Kinich Ahau);  …

Kim Tự Tháp Mặt trăng ở Teotihuacan là Kim Tự Tháp lớn hàng thứ 2, sau Kim Tự Tháp Mặt trời và có sau khoảng 200 năm. Nó cũng là Kim Tự Tháp bậc thang, được xây dựng để thờ đại nữ thần Teotihuacan; vị thần chủ về nước, sự phì nhiêu, đất đai và sự sinh sản (nói chung chủ về nông nghiệp).

Kim Tự Tháp Tazumal ở El Salvador, Trung Mỹ, là Kim Tự Tháp cụt ngọn nấc thang nằm ở vùng ngoại ô thành phố Chalchuapa, cách thủ đô San Salvador 78 km. Kim Tự Tháp này còn nhiều bí ẩn và vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

 

Kim Tự Tháp Tikal ở Guatemala, Trung Mỹ. Đây cũng là Kim Tự Tháp bậc thang chóp bằng, gồm hai kiến trúc: kiến trúc phía Bắc nằm ở vị trí Mặt trời mọc vào ngày xuân phân, phía Nam ở vị trí của ngày Đông Chí. Phát hiện cho thấy đây là một đài quan sát thiên văn, không loại trừ hoạt động này phục vụ cho một nhu cầu tín ngưỡng.

Kim Tự Tháp Pachacamac ở Peru, Nam Mỹ. Kiến trúc này xây bằng gạch phơi (không nung) của người Ichimay. Nó được xây dựng phục vụ một tôn giáo thần bí của dân tộc này.

*****

Nhiều nhà nghiên cứu cho đó là biến thể của Kim Tự Tháp Ai Cập khi truyền bá qua Nam Mỹ, lập luận của họ cho rằng: khi Kim Tự Tháp truyền bá đi xứ khác, nó không còn là lăng mộ nữa, mà là đền đài tưởng niệm đất tổ. Trên một góc độ nào đó quả Kim Tự Tháp ở ngoài Ai Cập là những đền đài tôn giáo dành cho thứ tín ngưỡng thần bí mật truyền. Hiện tượng này giống như hình thái tín ngưỡng thờ vọng của người Việt.

Thế nhưng giả thuyết này cũng khó đứng vững, chí ít đối với một số Kim Tự Tháp ở Trung Mỹ. Chúng ta biết Kim Tự Tháp ở Nam Mỹ là nơi tổ chức các buổi lễ tôn giáo; nếu là di sản của Ai Cập cổ đại truyền sang thì yếu tố tâm linh và văn hóa phải in đậm trong các di chỉ này, nếu không nói là căn cơ cho tín ngưỡng thổ dân Nam Mỹ.

Như đã khái quát ở trên, các nét đặc thù và cơ bản của Ai Cập cổ đại không hề thấy. Đi sâu hơn, chúng ta khảo sát một vài khía cạnh về văn hóa tín ngưỡng của cả hai vùng.

5-1. – nghiên cứu về các hệ thần giữa Ai cập và các dân tộc bản địa Châu Mỹ

Về góc độ này, nét tổng quan rất giống nhau và cũng giống các nền văn minh cổ đạo khác: thờ đa thần theo tín ngưỡng saman. Người Ai Cập và người Mayas, người Artez đều tin vua của họ do Trời phái xuống. Đây không là điều đặc biệt, có thể nói là tính phổ quát của loài người thời xa xưa, Trung Hoa cổ đại cũng không ngoại lệ.

Một điểm rất chung trong hệ thần của các dân tộc này: cùng thờ thần Mặt trời. Người Ai Cập gọi vị thần này với nhiều tên (tùy theo thời khắc trong ngày) nhưng phổ biến nhất là “Thần Ra” (bán nhân thần mình người đầu chim) cỡi chiếc xe Mặt trời đi qua bầu trời; còn thần Mặt trời của các thổ dân Châu Mỹ có tên như đã trình bày ở trên. Nếu như thần Ra là một vị thần quan trọng theo quan niệm của Ai Cập cổ đại, Thần Mặt trời của thổ dân Châu Mỹ khiêm tốn hơn. Với các thổ dân Châu Mỹ, vị thần tối cao được cho có hình dáng con người và từ bên ngoài Trái đất đi đến. Thần Mặt trời chỉ là một trong những vị thần do Thần Tối Cao sáng tạo ra.

Đặc biệt hình tượng Nhân sư đặc thù của Ai Cập không hề thấy ở Trung và Nam Mỹ. Nếu là kế thừa nền văn minh Ai Cập, yếu tố này không thể thiếu sót. Chẳng hạn như những bức tượng sư tử ở Cam-bốt là thần vật không thể thiếu khi du nhập nền văn minh Nam Ấn; hay trường hợp bò thần Nandi ở người Chăm Bà-la-môn cũng vậy.

Yếu tố quan trọng khác: Nền tảng của các dòng tín ngưỡng luôn lấy sự khai thiên lập địa để xây dựng các vị thần. Chúng ta thấy khái niệm sáng thế của người Ai Cập mang nhiều tính triết lý.

Thuở hồng hoang, đất nước Ai Cập chìm trong tối tăm và phủ đầy nước, toàn bộ những thứ đó gọi là nun.  Từ nun một năng lực thoát ra tạo thành một quả trứng. Quả trứng đó nở ra thần Ra. Thần Ra có quyền lực bao trùm trời đất và hóa thân được thành nhiều thứ và ở mỗi trạng thái đó thần có một tên riêng.

Đầu tiên hóa thân ra gió, gọi là thần Shu; sau hóa thân ra mưa (thần Tefnut), ra đất đai (thần Geb),  ra bầu trời (thần Nut), ra sông ngòi (thần Hapi), … cuối cùng mới hóa thân ra con người, tạo ra nam và nữ để sinh sôi, và thần là Pharaih đầu tiên.

Truyền thuyết này khiến ta nhớ đến vũ trụ quan của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: thưở ban đầu là một mớ hỗn độ, ở đó sinh ra “đạo”, đạo sinh âm dương, âm dương sinh ra vạn vật trong đó có con người.

Truyền thuyết sáng thế của các dân tộc bản địa Châu Mỹ thì giống Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo một cách kỳ lạ.

Người Mayas: truyền thuyết sáng thế Popol Vuh của người Mayas cho rằng các vị thần từ cõi khác bên ngoài Trái đất đến xứ sở này để gieo mầm sống. Con người do các vị thần đó tạo ra theo hình hài của chư thần, được ban cho các năng lực của chư thần và cùng chung sống với chư thần một thời gian dài. Sau vì sợ con người chống lại, chư thần tiêu diệt đi và tái tạo lại với đẳng cấp thấp hơn.

Người Artez: thưở ban đầu chỉ có hai vị thần: thần ánh sáng Quetzalcoatl và thần bóng tối Tezcatlipoca cùng sống trên trời và bên dưới hai thần chỉ toàn là nước. Ở vùng nước đó có nữ thần khổng lồ rất nhiều miệng, ăn tất cả những gì nữ thần bắt gặp. Hai thần liền hóa thành con rắn hau đầu đi xuống nơi đó. Một thần nắm lấy tay, một thần nắm lấy chân, bẻ đôi nữ thần đó. Phần đầu và vai nữ thần hóa thành Trái đất, phần còn lại hóa thành bầu trời. Liền sau đó hai thần tạo ra sông ngòi, cây cỏ, chim thú và con người.

Thần thoại sáng thế của thổ dân Châu Mỹ chỉ có thần thoại của dân tộc Incas hơi giống với người Ai Cập về mặt có một vị thần tự sinh ra; nhưng có nhiều chi tiết giống với các dân tộc bản địa khác.

Người Incas: truyền thuyết kể tại hồ Collasuyu (nay gọi là hồ Titicaca), xuất hiện vị thần tên lả Con Tiqui Viracocha, đã sáng tạo ra con người giống như hình dáng của thần từ khối đá và tạo ra phụ nữ để sinh sản. Sau đó thần Con Tiqui mới tạo ra Mặt trời (Inti), Mặt trăng và các tinh tú để soi sáng thế gian; lại ban cho con người quyền năng như thần và muôn vật để sinh sống. Về sau người Inca quên công ơn của thần và nổi loạn. Thần Con Tiqui làm cho hạn hán, dân chúng điêu linh. Thương loài người thần hóa thân thành thần Pachacamac cứu giúp nhưng tước hết quyền phép khi xưa.

5-2.- Sự khác biệt về lịch pháp

Sự chuyển dịch văn minh qua khu vực khác có một đặc điểm rất thú vị: hệ lịch pháp thường được giữ nguyên, nếu có thay đổi thay đổi rất ít. Điều này có nhiều chứng cứ cụ thể: lịch Trung Hoa truyền sang Việt Nam gần như không có thay đổi dù vị trí quan sát đường hoàng đạo có khác. Tương tự, dân tộc Chăm  tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ cùng với hệ lịch của đất nước này. Bởi vậy, nếu nền văn minh Ai cập cổ truyền bá qua Nam Mỹ bằng con đường nào đó, hệ lịch của người Ai Cập ít nhất phải là nền cho hệ lịch pháp các dân tộc bản địa ở Trung và Nam Mỹ.

Thực tế hệ lịch pháp của Ai Cập và Trung Mỹ khác biệt nhau rất lớn. Tuy cùng theo hệ Mặt trời để tính lịch nhưng các hệ lịch này lấy sao chuẩn, cách chia tháng, … đều khác nhau. Đặc biệt lịch của các dân tộc bản địa Châu Mỹ đậm nét thiên văn học, còn của Ai Cập nặng về thời tiết lưu vực sông Nil. Lịch pháp Ai Cập tuy có dựa vào các thiên thể, nhưng đối chiếu và lấy thời vụ làm chuẩn; còn hệ lịch thổ dân Châu Mỹ dựa vào các chu kỳ xoay vần cỉa các thiên thể mà tính toán. Chính vì thế mà chúng ta sẽ chứng kiến một bộ lịch Dài của người Mayas.

5-2-1.- Lịch pháp Ai Cập cổ đại

Người Ai Cập cổ đại dùng hệ lịch theo Mặt trời (Dương lịch), lấy chuẩn là sao Thiên lang (sirius) để tính toán. Ngày bắt đầu một năm là ngày sao này mọc lên ở phương Tây lúc Mặt trời mọc sau nhiều tháng lặn mất. Vào thời Vương triều thứ 1 (3000 trước Công nguyên), người Ai Cập sử dụng âm dương lịch: dùng Mặt trăng xác định số ngày trong tháng tháng và lấy sự luân chuyển của sao Thiên lang (sirus) để tính số ngày trong năm. Tương tự như hệ âm lịch của Việt Nam, một thời gian sau lịch và mùa tiết bị chênh lệch, họ bổ sung vào tháng nhuận để cân bằng lại[1]. Đồng thời, cơn lũ hàng năm của sông Nil trùng hợp với sự xuất hiện của sao Sirius, nên mùa đầu năm được chọn là mùa akhet (lụt lội). Sự chênh lệch giữa lịch và thời tiết sẽ theo đó điều chỉnh mà thêm vào tháng nhuận.

Về sau họ chuyển qua hệ dương lịch[2]. Họ chia mỗi năm ra làm 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày và 5 ngày lẻ vào cuối năm (như vậy thiếu ¼ ngày theo lịch tự nhiên). Mỗi tháng lại chia làm 3 tuần, mỗi tuần có 10 ngày. Đến triều đại Ptolemy (vào năm 238 trước Công nguyên) mới có chỉ dụ đến năm thứ 4 cộng thêm 1 ngày (366 ngày). Và hệ lịch này truyền qua Phương Tây, thông qua Hy Lạp, cải biến dần thành hệ dương lịch ngày nay.

Dựa theo mùa tiết, mỗi năm chia làm ba mùa: akhet (lụt lội), peret (trồng tỉa) và shemu (thu hoạch); tức có 4 tháng mùa akhet (lụt lội), 4 tháng mùa peret (trồng tỉa) và 4 tháng mùa shemu (thu hoạch). Theo đó có tên gọi tháng giêng là tháng thứ nhất mùa akhet, … tháng 5 là tháng thứ nhất mùa peret, … tháng 9 là tháng thứ nhất mùa shemu.

5-2-2.- Lịch pháp của người Mayas và Incas

Người Mayas có ba hệ lịch pháp: Haab’, Tzolk’in và hệ Lịch Dài. Hệ lịch pháp Dài có chu kỳ lịch rất dài, chu kỳ hiện tại đến ngày 21 tháng 12 năm 2012 mới kết thúc. Hệ lịch Dài dùng theo nhị thập phân (cơ số 20), các nhà nghiên cứu dựa vào đó tính toán thì ngày khởi đầu của chu kỳ hệ lịch này là ngày 11 tháng 8 năm 3114 trước Công nguyên (dài khủng khiếp)[3]. Hai chu kỳ còn lại chia mỗi “vòng lịch” dài 52 năm.

Lịch pháp Tzolk’in (có nghĩa là “đếm ngày”) được người Mayas dùng phổ biến nhất, nên có thể coi là hệ lịch cơ bản của dân tộc này. Tzolk’in có hai chu kỳ lịch: chu kỳ lịch thường và chu kỳ lịch tôn giáo. Chu kỳ lịch thường  dùng trong đời sống xã hội; còn chu kỳ lịch tôn giáo dành cho các tu sĩ thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Chu kỳ lịch thường có 365 ngày, lịch tôn giáo có 260 ngày. Chính vì hai chu kỳ lịch có sai số ngày như thế nên cứ 52 năm trùng lặp với nhau 1 lần, tạo thành một vòng lịch (tạm gọi là “thế kỷ”).

Mỗi năm có 20 tháng, mỗi tháng có 18 ngày và 5 ngày lẻ không tính vào tháng nào cả. Các tháng có tên như sau:

 

Bộ lịch này có liên quan mật thiết với cuốn Kinh Thư Dresden của người Mayas. Cuốn kinh thư này ngoài giá trị văn hóa tín ngưỡng, còn là một thư tịch cổ về thiên văn đáng kinh ngạc. Dựa vào kiến thức trong cuốn sách này các tu sĩ người Mayas đã tiên đoán được lần nhật thực ngày 11 tháng 7 năm 1991 từ năm 755 sau Công nguyên rồi.

Lịch của người Incas cũng tương tự với “vòng lịch” 52 năm. Nhưng lịch của người Incas dựa trên sự quan sát Mặt trời và Mặt trăng cùng với những tương quan các vì tinh tú khác chia mỗi năm thành 12 tháng. Do thiếu ¼ ngày mỗi năm, lịch của người Incas thêm vào một tháng trăng vào năm thứ 3 (tức có 13 tháng trăng thay vì 12 tháng như bình thường) giống như hệ lịch của Việt Nam (nhưng cách tính tháng nhuận của Việt Nam có khác: dựa vào trung khí).

5-2-3.- Lịch pháp của người Aztec

Di chỉ quan trọng nhất dung để nghiện cứu hệ lịch pháp của người Aztec là Khối đá Mặt trời (Sun Stone) hiện đang bảo tồn ở Viện Bảo tàng Nhân chùng học và Lịch sử (National Museum of Anthropology and History), tại Công viên Chapultepec, thành phố Mexico. Nó được phát hiện trong cuộc khai quật “Zocalo”, thành phố Mexico, vào ngày 17 tháng 12 năm 1790, do công của Hầu tước Tây Ban Nha Cruillas.

Theo nghiên cứu khối đá này gọi là “Cuauhxicalli”, có nghĩa là “cái chén chim ưng”, do vị quân vương Artez thứ 6 tạo tác vào khoảng năm 1479 để kính thờ thần Mặt trời. Nó nặng 25 tấn, đường kính 12 feet và dày 3 feet, vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng vừa có ý nghĩa thiên văn.

Tương tự như của người Mayas, hệ lịch pháp này có hai chu kỳ: chu kỳ lịch thường 365 ngày và chu kỳ lịch tôn giáo 260 ngày. Chu kỳ lịch thường, gọi là “Xiuhmolpilli”,  dùng trong đời sống xã hội; còn chu kỳ lịch tôn giáo gọi là “Tonalpohualli”, dành cho các tu sĩ thực hiện các lễ nghi tôn giáo.

Cả hai chu kỳ này hợp thành một “vòng lịch”, đơn giản tạm gọi là “thế kỷ”, với 52 năm. Năm bắt đầu vào ngày chòm sao Bắc đầu (Pleiades) xuất hiện ở hướng Đông trước khi trời rạng sáng. Mỗi năm có 18 tháng, mỗi tháng có một tên gọi riêng và 5 ngày lẻ không nằm trong tháng nào.

Số

 Tên tháng

Thần bảo hộ và nghi lễ

  I.  Atlacacauallo (cạn nước)   Thần: Tlaloc, ChachihutlicueTrẻ em cúng Thần nước
 II.  Tlacaxipehualiztli (lột da)  Thần: Xipe-TotecLễ đấu sĩ; các thầy phù thủy đội da đầu người nhảy múa.
 III.  Tozoztontli (lễ vọng nhỏ)  Thần: Coatlicue, TlalocTrẻ em khoác da lột làm lễ
 IV.  Hueytozoztli (Lễ vọng lớn)  Thần: Centeotl, ChicomecacoatlThiếu nữ làm lễ cầu mùa màng bội thu
 V.  Toxcatl (Khô hạn)  Thần: Tezcatlipoca, HuitzilopochtliNgười đóng vai thần làm lễ
 VI.  Etzalcualiztli (món bắp đậu)  Thần: TlaloquesNgười đóng vai thần Nước làm lễ; nghi lễ tắm và nhảy múa
 VII.  Tecuilhuitontli (bữa tiệc nhỏ của Thượng đế)  Thần: Huixtocihuatl, XochipilliNgười đóng vai thần làm lễ; theo nghi thức người làm ruộng muối
 VIII.  Hueytecuihutli (bữa tiệc lớn của Thượng đế)  Thần: XilonenTiệc cho nữ thần bắp, thần mang tài vật cho mọi người
 IX.  Tlaxochimaco (ra hoa)  Thần: HuizilopochtliDâng các vòng hoa cho chư thần; ăn mừng với bánh bắp và gà tây
 X.  Xocotlhuetzin (rụng quả)Hueymiccaihuitl (tiệc lớn cho người chết: cúng cô hồn)  Thần: XiuhtecuhtliCeremonial pole climbing competition

Cúng thần lửa bằng cách thiêu sống một người

 XI.  Ochpaniztli (quét dọn)  Thần: TlazolteotlQuét nhà quét đường; đánh trận giả
 XII.  Teoleco (rước thần)  Thần: TezcatlipocaLễ mừng chu thần xuống trái đất; uống rượu và đốt lửa cúng
 XIII.  Tepeihuitl (tiệc núi rừng)  Thần: TlalocLễ thần mưa trên núi; đàn ông làm lễ và ăn thịt người
 XIV.  Quecholli (mùa săn)  Thần: Mixcoatl-CamaxtliDiễn nghi thức đi săn; làm lễ săn bắn và mở tiệc
 XV.  Panquetzaliztli (dựng cờ)  Thần: HuitzilopochtliDán giấy vào người và cây ăn quả; thi rước lễ; cúng tế lớn
 XVI.  Atemoztli (mưa xuống)  Thần: TlalocHội mừng thần Nước; hy tế trẻ con và nô lệ
 XVII.  Tititl (đảo vũ)  Thần: LlamatecuhtliLàm phù thuật cầu mưa xuống; phụ nữ bị đánh bằng những chiếc túi nhồi đầy rơm cho đến khi bật khóc
 XVIII.  Izcalli (resuscitation)  Thần: XiuhtecuhtliHình tượng thần làm bằng bột nhão cây dền; mở tiệc bánh ngô tamal nhồi rau củ
 Nemontemi (ngày xấu)  Có 5 ngày xấu không tính vào tháng nào, không có nghi lễ tín ngưỡng vào những ngày này.

Mỗi tháng có 20 ngày được đánh số theo thứ tự và có từng tên riêng.

 

Ngày thứ 1 gọi là “Coatl” (con rắn), thứ 2 gọi là “Cuetzpallin” (thằn lằn), thứ 3 gọi là “Calli” (căn nhà), thứ 4 gọi là “Ehecatl” (gió), thứ 5 gọi là “Cipactli” (cá sấu), thứ 6 gọi là “Xochitl” (hoa), thứ 7 gọi là “Quiahuitl” (mưa), thứ 8 gọi là “Tecpatl” (đá lửa), thứ 9 gọi là “Ollin” (chuyển động), thứ 10 gọi là “Cozcacuauhtli” (kên kên), thứ 11 gọi là “Cuauhtle” (chim ó), thứ 12 gọi là “Ocelotl” (báo đốm), thứ 13 gọi là “Acatl” (dây mây), thứ 14 gọi là “Malinalli” (cỏ), thứ 15 gọi là “Ozomatli” (con khỉ), thứ 16 gọi là “Itzquintli” (chó trụi lông), thứ 17 gọi là “Atl” (nước), thứ 18 gọi là “Tochtli” (thỏ rừng), thứ 19 gọi là “Mazatl” (hươu nai), và thứ 20 gọi là “Miquiztli” (đầu lâu),

5-3.- Vấn đề ướp xác và các yếu tố văn hóa khác

Kim Tự Tháp Ai Cập gắn liền với nghệ thuật ướp xác của họ. Nếu như Kim Tự Tháp ở Trung và Nam Mỹ kế thừa từ nền văn minh Ai Cập cổ đại, kỹ thuật ướp xác phải có mang tính “đại đồng tiểu dị” (cơ bản giống nhau, chỉ khác ở chi tiết nhỏ). Thế nhưng vấn đề ướp xác của hai vùng đất này rất khác xa nhau.

Người Ai Cập cổ đại rất ưa ướp xác. Ngoài những xác ướp con người, họ còn ướp xác cả thú vật như mèo, cá sấu, …

Trườc tiên, người Ai Cập mổ banh bụng lấy hết ngũ tạng ra, não cũng lấy ra khỏi đầu. Sau đó họ ướp tẩm thi hài với một vài loại muối natri và diêm tiêu (natron). Rồi dùng vải liệm quấn vào thi hài đem hong khô cho tới khi chất dịch thoát ra bám vào vải liệm. Lớp vải đó được tháo ra, rửa sạch thi hàu và phét vào đó một vài loại nhựa cây như nhựa thông chẳng hạn. Các hố bụng được nhét thêm vải xé xơ để bảo vệ hình dạng, rồi quấn vải lại, phết thêm bên ngoài một vài loại nhựa thơm chiết từ cây cỏ.

Các dân tộc bản địa vùng trung Mỹ không phổ biến ướp xác như người Ai Cập cổ đại và các Kim Tự Tháp của họ không có dấu vết chứng tỏ từng là nơi yên nghỉ của xác ướp. Tuy thế, người ta cũng tìm thấy một số xác ướp vùng này, nổi tiếng là xác ướp Chinchorro.

Xác ướp Chinchorro được cắt lìa tay chân và đầu khỏi thân mình, cũng moi hết nội tạng ra và nhồi vào đó là các xơ thực vật hay lông thú. Sau cùng mới ráp lại thành xác ướp. Bên ngoài không quấn vải như xác ướp Ai Cập, mà tùy theo trường hợp họ phủ lên một chất bảo vệ rồi hong khô. Có hai trường hợp: xác ướp đen và xác ướp đỏ. Xác ướp đen là xác ướp sau khi xử lý sẽ được phết một lớp bột tro nhão, còn xác ướp đỏ được phết bằng đất hoàng thổ đỏ. Sau đó là quá trình hong khô để xác ướp không bị phân hủy.

Theo National Geographic, ngày 16 tháng 4 năm 2010, người ta tìm thấy một xác ướp ở vùng sa mạc phía bắc của Chi-lê theo hình dưới đây:

Xác ướp này thuộc nền văn hóa Chinchorro, được đánh giá cách nay 5000-3000 năm trước Công nguyên (theo phương pháp carbon phóng xạ).

*****

Ngoài chuyện này, thổ dân Châu Mỹ còn có tục lệ săn và thờ đầu người (sọ thật hay được chế tác bằng vật liệu) hoàn toàn xa lạ với nền văn minh Ai Cập cổ đại. Tập tục này không những mang yếu tố tính ngưỡng mà còn hàm chứa một bí thuật hết sức kỳ lạ,

Thứ nhất là chuyện những chiếc sọ dài của người Inca.

Thông tin về những chiếc sọ dài không nhiều. Có điều về mặt nhân chủng học cho thấy không thuộc giống người hay vượn người nào cả; có giả thuyết đặt ra là do tác động cố ý của con người làm biến dạng. Nhưng với kỹ thuật “kéo dài vòm sọ” nào thì hiện chưa có câu trả lời. Câu hỏi thứ hai: chiếc sọ có vai trò thế nào đối với người Inca thời xưa cũng còn là một bí ẩn.

Chuyện thứ hai là những chiếc sọ tinh thể. Đây không phải là chiếc sọ thật, mà là chiếc sọ do người Mayas chế tác từ tinh thể thạch anh. Kích thước của chúng cũng không đều nhau: có chiếc chỉ đường kính non 1 tấc, nhưng có những chiếc to như thật hay to hơn. Các nghiên cứu cho thấy chúng có liên quan đến bộ Lịch Dài của dân tộc này.

Họ sắp xếp các chiếc sọ này theo “nguyên tắc 12 quanh 1” (12 chiếc sọ trên một vòng tròn và ở giữa có một chiếc sọ khác). Chiếc sọ chính giữa tượng trưng cho Trái đất và 12 chiếc sọ xung quanh cho 12 vị trí thời tiết. Có điểm lạ là người Mayas chia năm làm 18 tháng nhưng cách bố trí này có hình tượng như 12 tháng.

 

Vị trí 12 chiếc sọ ở vòng ngoài này nằm trên đường Hoàng đạo và biểu trưng cho 12 tiết khí trong năm; trong đó có 4 tiết khí chính: xuân phân, thu phân, hạ chí, và đông chí. Việc này hoàn toàn đáng tin cậy vì một số Kim Tự Tháp của người Mayas được bố trí để quan sát và xác định ngày của 4 tiết khí này. Trong thiên văn học của Au Cập cổ đại út quan tâm đến điều này, vì thế họ mới chia năm ra làm 3 mùa.

*****

Cả hai vùng (Ai Cập và Trung Mỹ) đều có tạo tác ra mặt nạ tín ngưỡng. Với người Ai Cập đó là thứ bùa hộ mạng cho người chết đi về cõi vĩnh hằng (đeo cho xác ướp, chủ yếu dành cho các Pharaoh), thì với thổ dân Châu Mỹ là thần vật giúp giao tiếp thần linh (họ dùng khi có lễ tế thần, và chỉ vị phù thủy mới đeo).

Loại mặt nạ thần vật của người bản địa Châu Mỹ còn được phát triển thành các trụ Totem dựng ở các nơi nhằm bảo hộ cho họ trước các thế lực huyền bí đen tối. Các trụ này hay chon ở ven làng hay những nơi họ cảm giác sợ hãi vì tin có ma quỷ.

Những yếu tố trên chưa đủ để khẳng định hoàn toàn thuyết phục bản chất phi Ai Cập của Kim Tự Tháp ở Trung và Nam Mỹ. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó cũng thấy có nhiều điểm không tương đồng mang tính nền tảng. Tôi không dám kết luận vấn đề, chỉ nêu lên một thiển kiến: Kim Tự Tháp Trung và Nam Mỹ là những đền miếu mang dáng dấp Kim Tự Tháp chứ không phải là phoe6n bản đúng nghĩa như của Kim Tự Tháp Ai Cập.

(Hết)

*****************************************************************************

[1] Trừ một số ít vua Mayas thời kỳ đầu chôn dưới Kim Tự Tháp (chứ không ướp xac. Nhưng về sau người Mayas theo tục hỏa táng. Chứng tỏ Kim Tự Tháp lăng mộ không là tín ngưỡng của họ.

[1] Với lịch sử trước Công nguyên 3000, có thể liên tưởng lịch cổ của người Trung Hoa kế thừa từ nền văn minh Ai Cập.

[2] . Các nhà nghiên cứu cho rằng hệ lịch pháp này có thể có từ trước năm 2400 trước Công nguyên.

[3] Dựa vào điều này nhiều tin đồn cho rằng vào ngày này sẽ tận thế vì hết lịch. Thực ra đó là sự kết thúc một chu kỳ lịch và nối tiếp chu kỳ lịch mới theo tính toân của người Mayas.

 

 

MỤC LỤC – KIM TỰ THÁP

Read Full Post »

Older Posts »