Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘TÀI LIỆU VỀ DI SẢN NHÀ, KIẾN TRÚC CỔ’ Category

Được xây dựng từ thời chúa Nguyễn (thế kỷ XIX). Thành kèn thuộc thôn bàn Lân , huyện phước chánh , tỉnh Biên Hòa . Nay thuộc phường Quang Vinh , thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng nai .

Thành Kèn được xây dựng trên khu  đất có tổng diện tích 10.816 m vuông . Đây là công trình kiến trúc quân sự đặc sắc có niên đại sớm ở Đồng Nai và vùng phụ cận .

Theo tác giả Lương Văn Lựu ( trong Biên Hòa sử lược ) thì thành được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 ( tức 1816 ) , tại địa hạt thôn Bàn Lân (thôn Tân Lân) huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũng với tên gọi là “Thành Cựu” do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước ,  thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào“ ,  thành được xây theo hình cánh cung .

Đến năm Minh Mạng thứ 18 ( tức 1837 ) Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong và được đổi tên là thành Biên Hòa . Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn.Tháng 12 năm 1861 người Pháp chiếm đóng cho phá dỡ thành và xây dựng lại với quy mô chỉ bằng 1/8 thành cũ, và thành được gọi tên là thành Xăng Đa (Soldat –  “thành Lính”) . Vào Mỗi buổi sáng lính trong thành sử dụng  kèn  để báo thức ,  âm thanh vang cả một vùng nên người dân Biên Hòa đã gọi là Thành Kèn để đặt tên cho nơi này .

Sau khi chiếm đóng thành Biên Hòa , ngoài việc cho thu hẹp diện tích , người Pháp còn cho xây dựng thêm nhiều công trình bên trong thành  như các khu nhà biệt thự với một tòa phía Tây Bắc và một tòa phía Đông Nam. Những ngôi nhà này được xây dựng 3 tầng có sàn gạch, mái ngói, vòm cuốn, hệ thống cửa thông gió cho cả tòa nhà, trong đó đáng chú ý là sàn gạch được chia nhỏ bằng các thanh thép hình to dày, sau đó ghép gạch lại với nhau bằng vôi, vữa.

Theo các chuyên gia, thành Biên Hòa  được xem là di tích có giá trị về lịch sử và khoa học. Các công trình kiến trúc và những dấu tích còn lại ở thành Kèn là những tư liệu quý giá về kỹ thuật xây dựng vào thời kỳ đầu chế độ thực dân Pháp đô hộ. Đó là các công trình phòng thủ quân sự, nhà làm việc, nhà ở kiểu Pháp; các đoạn tường thành, móng thành và các vị trí chiến đấu. Tại đây người ta thấy được ảnh hưởng của “tính bản địa” khi các vật liệu tại chỗ như gỗ, đá tổ ong được sử dụng song song với các vật liệu thuần châu Âu như gạch chỉ, thép hình. Nhiều kỹ thuật xây cất cổ vẫn còn giá trị cho các nhà nghiên cứu về công nghệ xây dựng ngày nay như: sàn gạch bằng vôi vữa, kết cấu giàn mái bằng thép-gỗ, cấu tạo thông gió trong ngôi nhà, cách thức lợp mái hiện đại nhưng lại xuất hiện hơn một thế kỷ trước, kỹ thuật chống sét cũng như cả hệ thống kỹ thuật cuốn vòm bằng gạch…
Thời kỳ Mỹ – ngụy, thành Biên Hòa được sử dụng vào mục đích quân sự. Sau năm 1975, phòng Hậu cần Công an tỉnh Đồng Nai quản lý, sử dụng di tích và xây dựng thêm một số hạng mục làm công sở, nhà kho. Năm 2001, do nhu cầu mở đường nội ô ở thành phố, một số hạng mục như: Lô cốt, vòng thành bị đập bỏ. Mặc dù diện tích của thành Biên Hòa bị thu hẹp, một số hạng mục bị phá vỡ so với hình thể ban đầu, nhưng vẫn bảo lưu được yếu tố gốc cần thiết.

Hiện nay , thành Biên Hòa còn lại những đoạn tường thành bằng đá ong liên kết với nhau, cùng một số hạng mục, các công trình bên trong thành đều bị rễ cây cổ thụ ăn vào làm xuyên tường, làm nứt mạch xây và vữa trát, nhiều đoạn bị bong tróc nghiêm trọng, nhiều chỗ bị ẩm mốc. Sàn gạch của tòa nhà trong thành đã bị hư hại làm bong các lớp vữa trát, khiến khối gạch nằm giữa tụt khỏi khuôn, làm thủng sàn. Ngoài ra, giàn mái cũng như các cửa trên mái lấy gió, ống khói hầu như đã hư hỏng nặng , riêng hệ thống phòng thủ nhiều đoạn tường thành cũ đã bị sập đổ , hệ thống phòng thủ trong thành hiện cũng đã bị sập đổ.

Năm 2008 , UBND tỉnh đã ban quyết định công nhận Di tích lịch sử thành cổ Biên Hòa là di tích lịch sử cấp tỉnh . Và mới đây Bộ Văn hóa- thể thao và du lịch (VHTT-DL) vừa ban hành quyết định xếp hạng 9 di tích quốc gia đối với các di tích lịch sử, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc, danh lam thắng cảnh tại một số địa phương trong cả nước, trong đó có Di tích lịch sử Thành cổ Biên Hòa ( Thành Kèn )

Trải qua thời gian tồn tại và sự thăng trầm của lịch sử “Thành Kèn” đã trở thành minh chứng lịch sử cho tinh thần bất khuất, quật cường trong buổi đầu khai hoang mở cõi  , đồng thời ghi dấu lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày nay “Thành Kèn” không còn nguyên vẹn như xưa song những gì còn sót lại đã phản ánh được trình độ kỹ thuật, kiến trức quân sự của cha ông ta ngày xưa.

Khi tôi đến tham quan di tích lịch sử Thành Biên Hòa  , bác bảo vệ cho biết ngôi nhà đã mục nát  rất nguy hiểm chỉ có thể đứng ở phía ngoài chụp ảnh & tham quan  không được vào bên trong thành  vì có thể xảy ra tai nạn  . Khi chúng tôi đi sát vào phiá trong  thành  bác bảo vệ  cẩn thận lúc nào cũng đi kè kè bên cạnh để ngăn lại  nếu chúng tôi cố tình vào  bên trong .

Với một di tích quý mang dấu ấn  lịch sử , thiết nghĩ UBND  tỉnh  nên quan tâm  nhiều  đến  di tích thành cổ này cho trùng tu  , tu bổ  để bảo tồn một di tích quý tồn tại hàng trăm năm , phục vụ nhân dân tham quan.

This slideshow requires JavaScript.

* MỤC LỤC –  TÀI LIỆU VỀ DI SẢN NHÀ – KIẾN TRÚC CỔ

DANH MỤC TỔNG HỢP

Read Full Post »

Older Posts »