Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘trà cụ’

 

Viết theo nhiều nguồn tư liệu sưu tập

Quyển ba: Trà phong. (Biên khảo)

Lời tựa 2

1.- Trà nghi Nhật Bản. (Nghi thức trà Nhật Bản)

2.- Trà pháp Trung Hoa. (Khuôn phép trà Trung Hoa)

3.- Trà phong Việt Nam. (Phong thái trà Việt Nam)

4.- Panyaro: Trà lễ Hàn Quốc. (Nghi lễ trà Hàn Quốc)

5.- Tập quán uống trà ở một số nước khác.

Phụ lục 4: Bản dịch Panyaro (dịch theo bản tiếng Pháp, có đối chiếu bản tiếng Anh)

Phụ lục 5: Tư liệu khoa học về trà

Tài liệu tham khảo.


 

Một hôm trong lúc trà dư tửu hậu có người hỏi: “Việt Nam mình có trà đạo không?”.

Thế là tranh cãi om xòm, đúng là “tản mạn chuyện trà, la cà chuyện rượu”. Bất chợt tôi nói: “Thế Đạo là gì? Hiểu được chữ này mới nói Việt Nam có trà đạo hay không chứ!”. Chủ đề chuyển sang định nghĩa thuần túy chữ “đạo” thay vì bàn “Trà đạo là gì?”.

Rồi lại ồn ào chẳng kết luận được gì!?

Vậy đạo là gì? Đành tìm định nghĩa trong sách vở thôi!. Rồi cũng tìm thấy trong cuốn “Từ Điển Tiếng Việt” do giáo sư Hoàng Phê chủ biên như sau: Đạo là có ba phạm trù:

–               Đường lối, nguyên tắc mà con người phải giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội như đạo làm người, đạo vợ chồng, ăn ở cho phải đạo …

–               Nội dung học thuật của một học thuyết được tôn sùng ngày xưa, như tầm sư học đạo, mến đạo thánh hiền …

–               Một tổ chức tôn giáo, như đạo Thiên chúa, đạo Phật, đạo Hồi, đi đạo …

Nghe qua thì thấy đủ, nhưng trường hợp như võ đạo, hoa đạo, … thì không có trong định nghĩa này. Càng không phù hợp với khái niệm ‘Đạo” của Lão Tử. Võ đạo và hoa đạo là một khái niệm hòa điệu của nghệ sĩ với nghệ thuật hay của người võ sĩ với võ học, mà xưa kia dùng cụm từ “tâm thân hợp nhất” để chỉ. Nên ở tầm cao nào đó, Trà đạo đòi hỏi một khái niệm như võ đạo hay hoa đạo mới chính xác; nếu không chỉ là kỹ năng nghệ thuật và phẩm cách văn hóa uống trà mà thôi. Nếu hiểu như vậy chẳng thể nào bàn về Trà đạo, chỉ có thể luận về trà mà thôi.

Trà theo định nghĩa thứ nhất của Hoàng Phê chỉ mới là văn hóa trà, ở đó có những đường lối và nguyên tắc chế biến và thưởng thức mà trà nhân tuân theo. Với định nghĩa thứ hai, trà không phải là thứ tự thân có học thuyết buộc thiên hạ tôn sùng. Còn định nghĩa thứ ba lại càng không phải, vì trà không phải là vật thiêng để người ta sùng bái như thờ cúng một thần linh. Vậy trà đạo là gì? Bản thân một mình trà chỉ là loài thảo mộc bình thường như muôn vàn cây cỏ khác, nó được trở thành cái gọi là “trà đạo” vì trong nghệ thuật chế biến và thưởng dụng trà người ta lồng vào một triết lý. Ví dụ 4 chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” của Lợi Hưu mà hồn nó đang mất dần.

Còn luận là xem xét, biện biệt một vấn đề để rút ra cái hay cái dở, cái đúng cái sai trên nền tảng lý thuyết cao hơn của vấn đề được đề cập. Do vậy luận không tránh khỏi va chạm những quan niệm đã biến thành thành kiến xã hội, nhất là khi quan niệm đó xuất ra từ một hay nhiều “đại thụ” trong cùng một lãnh vực. Điều này đã xảy ra rồi: khi Daisetz Teitaro Suzuki viết bộ Thiền Luận đã vấp phải sự chống đối của giới tăng lữ Nhật Bản đương thời. Nhưng khi tác phẩm được giới Phương Tây ca ngợi thì nó trở thành “cây đa, cây đề”. May mà Daisetz Teitaro Suzuki không là bản sao của Copernicus hay Galileo của thời Trung Cổ ở Phương Tây.

Điều đáng lo là khi viết luận mà run sợ trước những “cây đa, cây đề”; cứ nhắm mắt theo đó mà bàn, lúc đó nó trở thành bài tán thán chứ không còn là luận nữa. Nó giống như thắp thêm một cây nhang cho cây đa đã có thần ngự và trở thành linh thiêng từ lâu rồi.

Đức Chính

Mùa Xuân năm Canh Dần   -2010


I.- Trà nghi Nhật Bản

Trà khởi đầu du nhập vào Nhật qua đường Thiền tông như đã giới thiệu nhiều lần ở các chương trước. Lúc đó hẳn lối uống trà của Nhật khác với bây giờ chỉ mang tính chất thành kính tưởng niệm đến sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma theo tập quán Hoa Nam. Các thiền sư Hoa Nam thường uống trà trước tượng của vị sơ tổ này sau một lúc tưởng niệm .

Hai thiền sư du nhập trà-thiền vào Nhật đựơc ghi nhận sớm nhất là Tối Trừng (Saicho – 最澄) và Không Hải (Kukai – 空海). Cũng cần nhắc qua Tối Trừng là người du nhập Thiên Thai Tông qua Nhật, và quan niệm muốn đạt Phật quả hành giả phải sống một đời sống trong sạch và tu tập chỉ quán (chỉ là dừng tâm thức vào vô phân biệt tức bất nhị và quán là xem xét sự thật). Còn Không Hải du nhập Chân Ngôn Tông vào Nhật, cũng là người khởi xướng kết hợp Thần Đạo với Phật giáo. Hai dòng phái này chắc chắn có ảnh hưởng đến thời kỳ đầu của Trà đạo Nhật, nhưng nay bị phai mờ mất nhiều.

Đến thế kỷ 16, thiền sư Lợi Hưu (Rikyu – 利休) đề ra bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh, Tịch” (wa kei sei jaku – 和敬清寂) nghĩa là đòi hỏi bốn nguyên tắc: hòa điệu với môi trường, tôn kính muôn vật, tinh khiết sạch sẽ, và vắng lặng tịch mịch. Bốn chữ này mang dấu ấn của Thiền Nam Tông. Trong đó chữ tịch (sabi – 寂) được Daisetz Teitaro Suzuki bình: “Để kết luận: tinh thần Vĩnh Tịch (viviktadharma), tức tinh thần của Thiền tự bộc lộ dưới danh hiệu “Sabi” (Tịch) trong các bộ môn nghệ thuật khác nhau của đời sống, như thuật làm vườn cảnh, trà đạo, hội họa, cắm hoa, trang phục, trang trí, trong cách sống, trong vũ điệu nô, thi ca, vân vân. Tinh thần này bao gồm những yếu tố như: giản dị, tự nhiên, không câu nệ, tế nhị, tự do, thân thiện nhưng tỏ ra hững hờ kỳ lạ, và cái chung đụng thường nhật được bao phủ tuyệt diệu với làn sương mù hướng nội siêu việt.” (Thiền Luận – 19).

Nhưng các thiền sư Nhật Bản mang từ Trung Quốc về không chỉ chừng ấy. Các ngài mang cả tinh thần và phương pháp thiền của vùng Hoa Nam, đầy đủ những thâm trầm và tinh tế vốn có của dòng thiền này. Bản thể của Thiền Nam Tông và mối liên quan đến trà như thế nào đành để nói ở chương “Trà pháp Trung Hoa” có lẽ sẽ phù hợp hơn, ở đây chỉ muốn nhìn lại dòng tư tưởng đó như thế nào ở Thiền Nhật Bản.

Ví dụ cuốn Góp Nhặt Cát Đá trích trong Thiền truyện mẫu chuyện sau: Thiền sư Ikkyu từ lúc bé đã rất thông minh. Thầy của Ikkyu có một cái tách trà xưa rất quí và hiếm có. Ikkyu lỡ tay đánh vỡ tách trà, lòng rất xao xuyến. Nghe tiếng chân thầy đến gần, Ikkyu nhanh nhẹn giấu những mảnh vỡ ra đàng sau. Khi thầy đến, Ikkyu hỏi: “Thưa thầy, tại sao người ta phải chết?”. Ông thầy già cắt nghĩa: “Đó là lẽ tự nhiên. Mọi vật đều phải chết vì đã sống lâu rồi.” Ikkyu đưa cái tách vỡ ra nói: “Thế là đã đến lúc cái tách của thầy phải chết.”

Nếu thừa nhận chân lý trong câu chuyện này, thì câu chuyện người võ sĩ đạo hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ bức tranh quý vẽ Bồ Đề Đạt Ma là phi lý.

Cũng với nguồn viện dẫn như trên có câu chuyện sau: Nan-in, một Thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền. Nan-in mời trà. Ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kiềm mình được nữa: “Đầy quá rồi. Xin đừng rót nữa”. Nan-in nói: “Giống như cái tách này, ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông. Làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước?

Phải chăng Trà nghi Nhật bản vốn đã đầy ắp mà cứ vẫn rót thêm chăng?! Câu hỏi này lôi chúng ta ngược dòng lịch sử của văn hóa trà Nhật Bản.

*****


Theo tư liệu trà du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 9, do công của các thiền sư, nổi bật là thiền sư Tối Trừng (Saicho – 最澄) năm 805 và tiếp liền sau đó là thiền Không Hải (Kukai – 空海) năm 806.[1] Lúc đó cách thức dùng trà của Nhật chịu ảnh hưởng nặng của thiền phái Trung Hoa được các thiền sư Nhật tham học và cũng có một ít trà thư được viết ra trên nền tảng cuốn Trà Kinh của Lục Vũ (dấu vết lưu lại đến hiện nay là món mạt trà vẫn còn dùng). Lúc đó là thời kỳ Nại Lương (Nara), Phật giáo được sùng kính với nhiều danh lam được xây dựng như chùa Pháp Long Tự (Hôryuji) hiện vẫn còn. Giới tăng sĩ theo đó mà phát triển trào lưu uống trà. Nhưng thời đó trà chỉ phổ biến trong giới tăng lữ và hoàng tộc vì còn phải nhập từ Trung Hoa về và dùng như một thứ dược phẩm. Mãi đến cuối đời Đường mới chuyển thành thức uống, nhưng tiếp đó sóng gió trong quan hệ hai nước Nhật-Trung khiến trà trong suốt hai thời kỳ Phật giáo Nại Lương và Phật giáo Bình An (Heian – 794-1192) là thứ hàng quý hiếm, nên tập quán uống trà càng co hẹp. Có thể nói thời này chưa thể coi Nhật Bản có nền văn hóa trà.

– Thời kỳ Phật giáo Liêm Thương (Kamakura): Năm 1187, thiền sư Minh Am Vinh Tây (Myoan Eisai – 明菴榮西: 1141-1215) qua Trung Hoa nghiên cứu đạo học và mang về Nhật hạt giống trà. Ban đầu ông chỉ trồng với mục đích tôn giáo và tự dạy môn sinh chế thứ mạt trà theo truyền thống đang dùng bấy giờ ở Trung Hoa, dựa vào tác phẩm Đại Quan Trà Luận của hoàng đế Tống Huy Tông. Đến năm 1211 Minh Tây Vinh Am mới viết cuốn Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký (kissa yōjōki – 喫荼養生記) đề cao cây trà có lợi cho sức khỏe và trị được một số bệnh như kém ăn, phong thấp, bại sụi, … và nhiều chứng rối loạn khác. Trà từ đó nổi tiếng và lan truyền rộng trong nước, dĩ nhiên một phần nhờ đã trồng được ở nhiều nơi. Sau ông còn có Không Dã Thượng Nhân (Myoe Shonin – 空也上人) mang về giống trà khác trồng và phát triển thành trà Vũ Trì (Uji).

– Trà vào thế kỷ 13 và giai cấp võ sĩ đạo (Samurai): Bấy giờ trà rất phổ biến nên nhu cầu tiêu dùng thúc đẩy các vườn trà mọc lên khắp nước Nhật. Thời đó người Nhật rất tôn kính tầng lớp võ sĩ đạo (samurai), và tầng lớp này lại có thái độ sùng kính nền văn hóa Tống của Trung Hoa. Vậy nên, môn uống trà cũng rất yêu thích. Nghi thức trà Trung Hoa được truyền bá và phát triển thành một thứ nghi lễ trà.

Năm 1333, Liêm Thương thất thủ, chiến tranh loạn lạc khắp nước Nhật. Một giai cấp mới nổi lên gọi là giai cấp Gekokujou. Tầng lớp quý tộc mới này thường tổ chức các buổi tiệc trà (Toucha) chiêu đãi bè bạn, gây nhiều sự chú ý của công chúng. Thường trong các buổi tiệc trà này chủ và khách thường thách đố nhau về sự sành sõi các loại trà, người có tài nếm trà giỏi trở thành trọng tâm đầy vinh dự của buổi tiệc. Rồi người ta đua nhau xem ai uống nhiều và uống giỏi, trà trở thành một mốt thời thượng và đua đòi, mất đi nếp văn hóa cũ. Sau một thời thác loạn, người ta bắt đầu nhìn lại vấn đề và chấn chỉnh lại. Giai cấp chấn chỉnh và lưu lại tập quán Trà nghi đến ngày nay là giai cấp võ sĩ đạo (samurai).


– Trà nghi vào thời kỳ Thất Đinh (Muromachi – 室町时代): trong thời ký này kiến trúc Nhật chuyển từ phong cách đền đài đồ sộ của thời kỳ Bình An (Heian) qua phong cách giản đơn hơn dành cho các võ sĩ đạo (samurai), rồi lại chuyển từ phong cách võ sĩ đạo qua phong cách Shoin (Thần đạo) mang dáng dấp đền thờ. Trà nghi Nhật Bản kế thừa một số thành tố trong kiến trúc đền thờ, chẳng hạn sàng gian (Tokonoma – 凹間), đôi kệ (Chigaidana) ở một bên sàng gian, còn bên kia kê cái bàn (Tsuke-shoin). Dĩ nhiên trong phong cách Thần đạo đó có chiếu tatami trải sàn thuộc ảnh hưởng Thiền tông. Giới võ sĩ đạo quý tộc có sở thích riêng trong trang trí sàng gian: hai kệ ở một bên sàng gian, bàn Shoin đặt cố định và trên đó để những vật dụng nhỏ một cách có mỹ thuật.


– Thôn Điền Châu Quang (Murata Jukō – 村田珠光) 1423-1502: là người khai sinh ra trà thang Chanoyu. Đến thời kỳ này trà thang được các võ sĩ đạo (samurai) tổ chức trong gian phòng nhỏ và ít xa hoa hơn. Gian trà thất đó có tên là Kakoi do thiền sư Thôn Điền Châu Quang (Murata Jukō – 村田珠光) thiết kế ra. Thiền sư này sau được tôn xưng ông tổ trà nghi vì nghi thức và tinh thần thưởng trà do sư đề ra.

Sự kiện này có nguyên do kể sau thời gian tu học Phật và tiếp xúc trà-thiền Hoa Nam, sư bắt đầu bén mùi trà thiền và dành trọn cuộc đời còn lại cho trà: dựng trà thất ở Nại Lương (Nara) để hoàn thiện trà nghi và truyền dạy nghệ thuật này. Phong cách trà của sư là tìm sự thân tình trong gian phòng nhỏ và tự tay hầu trà cho khách, nơi đó chỉ chừng 5-6 người. Với lượng khách như thế trà thất chỉ có 4 tấm chiếu rưởi và tạo một không khí tĩnh lặng trong lễ trà thang. Triết lý của sư động ở sự giản lược tinh tế và ý nghĩa của màu trang nhã nơi bộ trà cụ. Nền tảng đó là tinh yếu cho các nghi thức trà sau này.

Từ đó về sau trà được nghi thức, như một “giới luật” cho một thứ tôn giáo; lâu dần khắt khe chẳng kém “Thanh quy của Bách Trượng[2] chốn Thiền môn. Có giới quy là tốt, nhưng cũng có mặt trái của nó. Cái gì cũng vậy, khi quá trọng hình thức thì phải hy sinh nhiều về mặt tinh thần. Các nghi thức trà của Nhật cũng vậy, khi quá cứng ngắt, nặng nề thì hình như tôn chỉ ban đầu của người đưa văn hóa trà vào Nhật Bản bị lợt lạt đi nhiều.

Một khi đã có tôn ti thì hình như cũng có sự biệt hóa. Từ tinh thần ban đầu, trà nghi Nhật Bản chia ra nhiều trường phái[3] mà dễ dàng thấy có hai trường phái lớn sau đây: OmotesenkeUrasenke; mỗi trường phái có nghi lễ riêng. Rồi trong mỗi trường phái vừa nói lại chia ra nhiều phái nhỏ có những biến thể riêng về thời điểm thực hiện lễ nghi, cách pha chế trà, đến cả những thứ trà cụ dùng trong nghi lễ.

Hiện nay các câu lạc bộ uống trà tại Nhật thường theo phái Trà nghi của địa phương mình. May sao các phái lớn phái nhỏ trong Trà đạo Nhật Bản vẫn còn giữ lại một số nét chung: chủ nhà dù đàn ông hay đàn bà đều phải mặc bộ kimono truyền thống trong buổi lễ nghi thức trà, buổi trà nghi được tổ chức trong trà thất (có thể là một căn nhà nhỏ trong vườn hay một gian phòng trong nhà), khách mời dự phải chờ ngoài vườn cho đến khi chủ nhà mời vào, tập quán vệ sinh đồ dùng và cơ thể khi uống trà, …

Trong phạm vi cuốn sách này chỉ có thể giới thiệu những nét chung nhất còn giữ lại của các trường phái trà Nhật Bản nhằm bổ sung những điểm Okakura Kakuzo chưa nói hay nói sơ lược. Qua đó chúng ta thấy rõ chủ đề chính của tác giả cuốn « The Book of the tea » muốn vươn đến là tinh thần Trà đạo hơn là hình thức của nó, và cũng là lý do cuốn sách đó được dịch làm thành quyển 2.


Trà thất: tiếng Nhật gọi là Chashitsu (茶室), có liên quan với chữ chasekinơi uống trà”, bao gồm bất kỳ nơi nào người ta ngồi uống trà được. (trà tịch – 茶席), nghĩa rộng là “

Xưa kia các thiền tăng Nhật có tập quán uống trà nơi thiền đường, trước tượng Bồ Đề Đạt Ma. Thiền đường là nơi thanh tịnh tu tập không giống như bái đường của chùa chiền ; thiền đường là nơi bài trí đơn sơ vừa làm chỗ tu tập vừa làm chỗ nghỉ ngơi cho thiền sinh. Daisetz Teitaro Suzuki mô tả thiền đường trong cuốn Thiền Luận như sau: “Chẳng hạn như ở Chùa Viên Giác[4], tại Liêm Thương, Thiền đường dài độ 65 bộ Anh và ngang 36. Hai dãy sàn, ngang độ 8 bộ, và cơi cao lên 3 bộ, chạy dài suốt hai bên, còn ở giữa thì để trống trơn. Đó là khoảng trống dành cho khóa lễ gọi là kinh hành. Giới han dành cho mỗi tăng sĩ trên sàn nhà không quá diện tích của một chiếc chiếu 3 bộ trên 6,[5] trong khoảng ấy họ nằm ngồi, tham thiền, và ngủ luôn ban đêm.” (Luận 7 – Thiền đường và Thanh quy). Mặt bằng của trà thất cũng chiếu theo quy cách một thiền đường. Do vậy trà thất là dấu ấn rõ nhất của Thiền tông trong văn hóa trà Nhật Bản. Một gian trà  thất có số tatami[6] (Hán Việt: điệp tịch – 疊蓆) tùy theo lớn nhỏ, nhỏ thì 1,5 tatami, lớn thì 10 hay hơn nũa; nhưng thường một trà thất lý tưởng rộng 4,5  tatami. Trà thất có thể đơn giản là một gian phòng trong nhà dành để trà thang; nếu có điều kiện trà thất nên là một căn nhà nhỏ trong vườn. Nhưng nếu là nhà nhỏ trong vườn thì phải có lối đi gọi là roji (lộ địa – 露地; lối đi có sương). Tùy theo ý thích của chủ nhân trà thất có nhiều tên riêng như : Mugai-an (Vô Ngoại Am 無外庵, có nghĩa am nhỏ không cho người lạ vào), Mokurai-an (Ngữ Lôi Am 黙雷庵, am nhỏ ở nơi sấm dậy im lìm), Tokyū-dō ( Đông Cầu Đình 東求堂, có nghĩa cái đình tạ hướng tìm về phương đông), Shō-an (Tùng Am 松庵, có nghĩa am nhỏ ở nơi có cây tùng), Ichimoku-anRokusō-an (Lục Song Am 六窓庵, có nghĩa am nhỏ có 6 cửa sổ), Bōji-tei (Nhất Mộc Am 一木庵, có nghĩa am nhỏ nơi chỉ có một cây mọc), (Vong Lộ Đình 忘路停, có nghĩa đình tạ làm người ta quên mất đường về), …

Còn theo cuốn “Phố Thị Sơn Trú Cư”, sử gia Nhật Moriya Takeshi cho rằng trà thất xuất hiện vào Thời Đại Thất Đinh (Muromachi – 室町时代), lúc đó có dạng một túp lều tranh sơn dã. Còn trước thời đó lễ trà thang Chanoyu tổ chức trong những căn phòng kiến trúc theo phong cách shoin-zukur.  Trà thất dạng căn nhà xuất hiện lần đầu tiên vào thời Sengoku (giữa thế kỷ 15 đến trước thế kỷ 17), thời kỳ chính quyền trung ương chẳng có quyền hành thực tế nào, đất nước xáo trộn, chiến tranh loạn lạc triền miên. Trước tình hình đó, giai cấp võ sĩ đạo rất bận rộn nào lo bảo vệ lãnh thổ, khuếch trương mậu dịch, giám sát nông trang, nhà máy và hầm mỏ, … còn những người nghèo chỉ mong muốn tìm sự cứu độ nơi Phật giáo. Vì thế các trà thất được các thiền sư lập ra giúp các giới này thực hành nghi thức trà thang, tìm sự yên bình tạm thời nơi thiền học. Về sau truyền thống này duy trì và phát triển đến ngày nay.


Như vậy, Muromachi nghĩ ra trà thất nhằm mục đích tìm nơi cho tâm hồn thanh thản. Với ý nghĩa đó mà về sau Lợi Hưu đề ra chữ “thanh”, chữ này không đơn thuần chỉ có nghĩa sạch sẽ nơi uống trà mà thôi.

Hiện nay người ta coi một trà thất lý tưởng nằm trong một khu vườn nhỏ gọi là lộ địa (roji – 露地), có con đường dẫn đến gian trà thất. Dọc theo con đường này có những băng ghế cho khách ngồi chờ. Trong vườn còn có một hồ nước gần trà thất, nơi đây khách sẽ rửa tay và xúc miệng trước khi vào trà thất thông qua một cái cửa nhỏ gọi là nijiriguchi (có nghĩa cúi người bước vào). Gian trà thất có trần thấp và chẳng có đồ đạc chi cả : khách và chủ nhân phải ngồi đúng chỗ của mình trên sàn nhà (gọi là chính tọa – seiza). Mọi vật dụng có trong này đều đơn sơ và quê mùa một cách có chủ ý. Ngoài cửa vào của khách có thể có nhiều cửa khác (các cửa đều là cửa lùa), ít nhất phải có một cửa khác dành cho chủ nhân gọi là sadōguchi và cửa này dẫn đến mizuya (Thủy ốc – 水屋). Các cửa sổ đều nhỏ và dán giấy shoji nên ánh sáng tự nhiên chiếu được vào gian trà thất, nhưng không thể nhìn từ trong ra ngoài; nhờ vậy khách dự không mất tập trung khi uống trà. Trong gian trà thất có một bếp lò (tiếng Nhật gọi là ro, 炉)[7] đặt trên tatami sát bên tatami của chủ nhân, chủ yếu dùng sưởi vào tháng lạnh hay dùng thay cho bếp lò chính (furo – 風炉). Một nơi trong gian trà thất gọi là tokonoma (sàng gian – 凹間) treo những bức thư pháp hay thư họa, cũng có thể có một lọ hoa hoa nhỏ giản đơn cắm theo lối gọi là chabana (Trà hoa – 茶花), ngoài ra không trang trí gì thêm.

Gian trà thất – Chashitsu rộng hay hẹp tùy theo diện tích mặt bằng lớn hay nhỏ hơn 4,5 tatami, sai biệt về diện tích này có ảnh hưởng đến nghi thức hành lễ trà thang, dụng cụ dùng trong đó và cách trang trí, số lượng khách, … Nếu chashitsu rộng hơn 4,5 tatami gọi là hiroma (nghĩa là phòng lớn), nhỏ hơn gọi là koma (nghĩa là phòng nhỏ); còn Hiroma thường là phòng theo phong cách shoin, không làm giới hạn lễ trà thang chanoyu. Các yếu tố khác có ảnh hưởng đến gian trà thất là những ràng buộc về mặt kiến trúc như vị trí cửa sổ, các lối vào, bếp lò sưởi và tokonoma (sàng gian – 凹間), đặc biệt khi gian trà thất không nằm tách biệt nhà ở. Do vậy không phải gian trà thất nào cũng giống như sơ đồ mặt bằng ở hình vẽ.


Trà đạo cụ: tiếng Nhật đọc là chadōgu (茶道具) hay còn gọi là trà khí (khác với nghĩa trà khí ở dưới)

Nếu người «ngoại đạo» vốn đã choáng váng trước những trà cụ đầy công phu và cầu kỳ của người Trung Hoa rồi, ắt hẳn khó tránh khỏi kinh ngạc trước trà cụ của người Nhật. Mỗi món khi dùng đều có một quy định chặt chẽ không được phép sai sót và không đem dùng việc khác. Sơ lược thấy một số món chủ yếu sau đây:

Trà sương: tiếng nhật gọi là Chabako (茶箱), có hai loại natsume (táo – 棗) và Cha-ire (Trà nhập – 茶入). Chẳng qua tên gọi khác nhau vì hình dáng bên ngoài của chúng mà thôi. Hộp natsum có hình quả táo và tiếng Nhật từ này có nghĩa là “quả táo”; hộp trà này thấp và có nắp bằng, đáy tròn, thường làm bằng sơn mài. Còn hộp cha-ire thường ốm và cao, bằng sứ, nắp bằng ngà và bên trong lót một lá vàng. Tùy loại lễ Chanoyo mà người ta đem natsume hay Cha-ire ra dùng. Tuy nhiên có một giỏ đồ pha trà gọi là trà lộng (chakago – 茶籠), trong đó đã có sẵn ngăn đựng trà, không cần đến trà sương.

Tetsubin (鉄瓶), là ấm đun nước, thường làm bằng sắt, có quai xách ở trên và vòi rót đằng trước. Còn phủ, tiếng Nhật đọc là Kama (釜) là ấm sắt chứa nước nóng để giữ cho trà không nguội.

Bính tiêu: tiếng nhật đọc là Hishaku (柄杓), có nghĩa là gáo múc nước, dùng múc nước nóng từ trong ấm đun vào trà oản và múc nước lạnh cho vào ấm đun. Bính tiêu có cán dài bằng tre, nhưng hình dáng của nó tùy vào từng loại chanoyu có khác nahu;

Trà oản : tiếng nhật đọc là chawan (茶碗), là loại chén dùng trà lớn như chén sành uống nước vối của Việt Nam. Đây là nét khác biệt so với  văn hóa trà Trung Hoa. Dùng cho trà đậm koicha (nồng trà – 濃茶) và cho trà lạt usucha (bạc trà – 薄茶). Rồi cũng tùy mùa mà kiểu trà oản có đổi khác: trà oản nông làm trà mau nguội thì dùng vào mùa hạ, trà oản sâu giữ nóng được thì dùng vào mùa đông;


Trà khí: tiếng Nhật đọc là chaki (茶器) là một chiếc hộp có nắp dùng để  đựng trà bột;

– Bếp lò dùng trong Chanoyu có bốn loại: Furo (風炉), là bếp nấu nước, thường làm bằng kim loại hay gốm sứ; Binkake (瓶掛) dùng đun loại ấm đun có tên tetsubin; Ro (炉) là từ ròng Nhật có nghĩa là bếp lò xây ngay trong gian trà thất và dùng vào mùa đông để sưởi, nó được dùng để đun nuớc với ấm đun kama, và loại bếp tiếng Nhật gọi là Okiro là loại bếp Ro di chuyển được, dùng để thay thế khi bếp Ro bận sử dụng.

Trà tiêu: tiếng Nhật đọc là chashaku (茶杓) là cái môi nhỏ dùng xúc trà từ trong hộp ra pha (Việt Nam gọi là cóng xúc trà). Trà tiêu thường làm bằng tre, nhưng cũng thấy làm bằng gỗ hay ngà;

Trà tiễn: tiếng Nhật đọc là chasen (茶筅) là cây quậy trà khi pha: trà bột được cho vào chén và châm nước nóng, rồi lấy trà tiễn khuấy cho tan trà. Thường trà tiễn dài khoảng 18 cm. Các trà sư không thích sắm trà tiễm mà thích tự tay mình vót tre làm.

Bồn: tiếng Nhât đọc là bon (盆) là khay đựng ấm và oản trà. Người Nhật có nhiều loại bồn như: Hakkebon (bát quái bồn – 八卦盆) là khay sơn mài tròn màu đen, Yamamichibon (sơn đạo bồn – 山道盆) là khay có rìa uốn lượn như đường trên núi, Yohōbon (tứ phương bồn – 四方盆) là loại khay vuông, …


– Về khăn túi dùng trong trà thang có: Chakin (trà cân – 茶巾) là  tấm vải lanh hay gai dầu hình vuông dùng lau trà oản; Fukusa (bạch sa – 帛紗) là miếng lụa vuông may hai lớp vuông vắn có cạnh chừng 30 cm, một góc may gấp lại, dùng lót tay tránh bị phỏng khi nhấc ấm đun nước hay mở nắp ấm trà (đàn ông thường dùng màu tím, phụ nữ thường dùng màu cam, đỏ); Kobukusa (cổ bạch sa – 古帛紗) là khăn vuông 15×15 cm, có thêu hình, được dùng tương tự như khăn Fukusa; Shifuku (sĩ phú – 仕覆) là túi đựng trà cụ,

– Dụng cụ để hút thuốc trong trà thất có: Tabakobon (yên thảo bồn – 煙草盆) là khay đựng thuốc lá thường đem mời khách khi đang đợi buổi trà thang hay khi uống trà lạt, Hiire (hỏa nhập – 火入) là lọ sành nhỏ có than hồng bên trong và được đặt trên Tabakobon, Haifuki (hôi xuy – 灰吹) là ống tre để gạt tàn thuốc, Kiseru (yên quản – 煙管) là cái dọc tẩu tẩu dài để sẳn trên Tabakobon.

– Đồ gỗ trong trà thất có thể kể: daisu (đài tử – 台子) là cái kệ xách tay dùng trong lễ trà thang, nagaita (trướng bản – 長板) là phiến gỗ sơn mài để bày trà cụ khi uống trà; Shikiita (phu bản – 敷板) miếng gỗ có nhiều hình dạng khác nhau để kê hỏa lò (furo); Tana (bằng – 棚) là gọi chung những kệ dùng pha trà (mỗi tana có một tên riêng như    shitsukedana, tsuridana, okidana, ōdana, kodana)


Ngoài ra còn rất nhiều vật dụng khác như: Gotoku (ngũ đức – 五徳) là cái kiềng ba chân để đỡ ấm đun khi nó không đun, Kensui (kiến thủy – 建水) là giá để ráo nước trà cụ sau khi rửa, mizusashi (thủy chỉ – 水指) và vại đựng nước lạnh trong trà thất dành cho chủ nhà châm thêm nước vào ấm đun, Sumitori (hôi đầu 炭斗 hay hôi thủ 炭取) dùng đựng than và vật dụng liên quan đến nó, Habōki (vũ trửu – 羽箒) là chổi quét bếp lò, Hibashi (hỏa trợ – 火箸) là cái gắp than, …

Rồi trong hoa đạo, trà thất, thư pháp, … lại có một số dụng cụ riêng nữa.

Nghi thức trà: Tiếng Nhật gọi buổi tiệc trà theo nghi thức là Chanoyu (trà thang), nguyên thủy ban đầu Chanoyu nhằm giúp tinh thần đi đến chỗ vắng lặng theo nghĩa chữ “tịch” của Lợi Hưu. Mọi hành động trong lễ trà nghi Chanoyu phải thật nhẹ nhàng, chuyện trò có qui định riêng, giữ tịch lặng khi uống trà như một thiền sư đang tham thiền.

Mỗi năm chia làm hai mùa Chanoyu: mùa ro là những tháng lạnh (tháng 11 đến tháng 4) và mùa furo là những tháng nóng (tháng 5 đến tháng 10). Trà pha có hai loại: trà đậm gọi là koicha (nồng trà – 濃茶) và trà lạt gọi là usucha (bạc trà – 薄茶).

Nghi thức Trà thang Chanoyu của Nhật không đơn thuần chỉ có một, mà ít ra có đến bốn loại nghi thức tùy theo ý của chủ nhà. Bốn nghi thức đó là : Chabako demae (trà sương (tương) điểm tiền 茶箱点前), Hakobi demae (Vận nhật điểm tiền 運び点前), Obon Temae (Vĩ bồn điểm tiền お盆点前) và Ryū-rei (Lập lễ – 立礼).

Chabako demae: trà cụ dùng trong lễ này được đựng trong một chiếc hộp đặc biệt gọi là chabako, do đó mới thành tên.

Hakobi demae: trà nghi này có liên quan đến trà nghi ryū-rei (xem bên dưới), nhưng chỉ dùng trong trà Chính tọa (seiza). Từ Hakobi thực ra là tên bộ trà cụ dùng bên trong và bên ngoài trà thất và theo đó mà gọi tên nghi thức trà này.

– Obon Temae: chủ nhân để trà oản, trà tiễn, bính tiêu (gáo múc nước nóng), chakinnatsume trên một cái khay đặc biệt gọi là obon, phía trên có phủ chiếc khăn fukusa. Trà lạt (bạc trà) được pha ngay trên khay này phục vụ khách mời ngồi quỳ theo kiểu nhật nơi chính tọa của mình ở quanh bàn.

Ryū-rei : trà được dọn trên một loại bàn đặc biệt, khách mời ngồi quanh bàn đó hay ở bàn khác để tách biệt chiếc bàn này. Trong nghi thức trà này sau lưng chủ nhân luôn có một người trà tá (phụ giúp việc pha trà) làm nhiệm vụ di dời chiếc ghế đẩu của chủ nhân khi đứng dậy hay ngồi xuống; người này cũng làm công việc phục vụ trà bánh cho khách dự.

Ngoài ra còn một số loại buổi trà thang Chanoyu khác nữa được phân loại theo thời thức thực hiện, như : Akatsuki-no-chaji – 暁の茶事 (Rạng nãi trà sự: dịch thoáng là trà thang lúc rạng sáng mùa đông), Yuuzari-no-chaji – 夕ざりの茶事 (Tịch tọa lợi dã nãi trà sự: dịch thoáng là trà thang buổi chiều vào tháng nóng), Asa-cha – 朝茶 (Triều trà: dịch thoáng là trà thang rạng sáng mùa hè), Shoburo – 初風炉 (Sơ phong lô: dịch thoáng là trà thang khai hỏa lò trong năm), Shougo-no-chaji – 正午の茶事 (Chính ngọ nãi trà sự: dịch thoáng là trà thang giữa ngày), Yobanashi – 夜咄 (Dạ đốt: dịch thoáng là trà thang chiều mùa đông), ….

Do lễ nghi nhiều như thế nên trong Trà nghi Nhật bản (Chanoyu) vai trò chủ khách và có những quy định bắt buộc. Xưa kia quy định người dự ChanoyuChanoyu, vị trí ngồi của từng người trong trà thất có qui định hẳn hoi, gọi là seiza (chính tọa; có nghĩa là chỗ ngồi đúng), ngôi vị của khách cũng phân thứ bậc mà đại diện là vị khách trưởng tôn;  lối vào của chủ trà thất và khách mời tách biệt nhau như sơ đồ chiếu khách chiếu chủ ở hình vẽ. phải mặc kimono, ngày nay có chế bớt chỉ bắt buộc điều này với chủ nhà. Trong


Khác với phong tục Việt Nam và Trung Hoa, khách dự Chanoyu không được tự tiện vào ngay trà thất nếu không có sự chào mời vào của chủ nhà, khi tiệc trà chưa khai mạc khách phải chờ ở roji (lộ địa – 露地; có nghĩa lối đi có sương). Khách làm nghi lễ tẩy trần bằng cách rửa tay và xúc miệng với nước trong một hồ đá nhỏ, rồi đi dọc từ lộ địa đến trà thất. Khách cởi bỏ giày dép và đi vào trà thất bằng một cái cửa nhỏ, rồi tiến về sàng gia (tokonoma), ngồi vào đúng vị trí chiếu tatami của mình (chính tọa – seiza), không được phép sai vị trí đã định theo tôn ti. Chủ nhân nổi lửa nấu nước pha trà khi  khách đã hiện diện trong trà thất.

Khi đó khách được mời dùng bữa ăn nhẹ gọi là “tenshin”, hay bữa ăn chính gọi là “kaiseki” (Hoài Thạch – 懷石) hay “chakaiseki” (Trà Hoài Thạch – 茶懷石); nếu dùng bữa ăn chính sẽ kèm theo thứ rượu nếp của Nhật gọi là rượu sake. Rồi ngồi chờ đến khi chủ nhân mời lại. Nếu không được phục vụ bữa ăn như vừa nói ở trên, khách sẽ dùng món ngọt đựng trên một loại giấy đặc biệt gọi là kaishi.

Mỗi món trà cụ – kể cả trà oản, trà tiễn và trà tiêu – đều được chủ nhân rửa theo nghi thức trà thang trước sự chứng kiến của khách. Sau đó dụng cụ được xếp ra theo một quy cách riêng của từng quy trình pha trình. Chuẩn bị trà cụ xong, chủ nhân múc cho vào mỗi trà oản một lượng trà bột và châm nước sôi vào, rồi dùng trà tiễn khuấy đều lên. Khi trà pha xong, người trà tá ngồi sau lưng chủ nhân trà thất sẽ bưng đến cho khách tận chỗ.

Khi nhận oản trà khách nâng cao lên kính cẩn chào chủ nhân. Khách xoay nhẹ oản, nhấp một ngụm rồi cho lời bình phẩm trà với chủ nhân. Nếu là trà lạt (bạc trà), khách uống một hơi cạn oản rồi trả oản về chủ nhân, chủ nhân sẽ pha tiếp oản khác vào cùng oản đó. Nếu là trà đậm (nồng trà), khách uống một hai ngụm và đưa ra lời bình phẩm. Còn dùng bạc trà, khách uống cạn oản và trả ngay oản lại cho chủ nhà, chủ nhà pha tiếp oản khác cho khách. Quy trình này cứ lặp đi lặp lại.

Trà đậm (koicha) dùng xong chủ nhân mới dọn lên món trà lạt hay bạc trà (usucha). Khay thuốc lá Tabakobon (yên thảo bồn – 煙草盆) và vài loại mứt quả gọi là higashi (Can quả tử – 干菓子) được dọn cùng với trà lạt. Cách mời bạc trà chẳng khác cách mời nồng trà, nhưng bầu không khí trà thất được xả bớt đi. Chẳng hạn khi uống trà đậm thì câu chuyện trao đổi chỉ là vài câu bình luận xã giao giữa chủ nhân và vị khách trưởng tôn, còn khi dùng trà lạt sau khi có vài câu xã giao khách dự tùy ý chuyện vãn mọi đề tài, dĩ nhiên vẫn còn khuôn phép giới hạn trong nghi thức trà thang.


Khi tiệc trà mãn, chủ nhân rửa trà cụ thật sạch. Vị khách trưởng tôn (khách đại diện các khách dự) xin phép chủ nhân cho giám xét trà cụ đã rửa sạch chưa. Các món đồ dùng trong tiệc trà đều được chủ nhân mang ra cho xem xét rồi mất, vị khách trưởng tôn có xác thực đã sạch sẽ mới được cất vào chỗ quy định của chúng.

Lúc đó tiệc trà Charoyu mới thật sự kết thúc, khách cúi người bước ra khỏi trà thất. Mỗi tiệc như vậy thường kéo dài vài giờ đồng hồ, tuy nhiên thời gian có thay đổi tùy theo số khách dự và tiệc trà có phục vụ những món ăn và loại trà gì.

Món ăn trong buổi trà thang Chanoyu: tiếng Nhật gọi chung các món ăn phục vụ trong tiệc trà là cha-kaiseki (Trà Hoài Thạch – 茶懷石)

Tên này lấy từ tục các thiền sư thường lấy gạch hơ ấm để dằn bụng lúc đói. Thường các thiền sư ở Nhật thời xưa, theo Thanh Qui Bách Trượng, chỉ điểm tâm qua loa với cháo vào buổi sáng, còn bữa ăn chính là bữa ngọ, chiều chỉ ăn tạm thức ăn gì còn sót lại ở buổi trưa. Do vậy nhiều buổi chiều thiền tăng thường hay đói bụng, không dám trái thanh quy họ lấy gạch hơ nóng dằn vào bụng cho đỡ đói. Nên cách gọi tên như thế này cũng là dấu ấn của thiền tông trong văn hóa trà Nhật Bản. Người đầu tiên dùng tên này để chỉ những món ăn đạm bạc trong buổi trà thang là thiền sư Lợi Hưu (1522-1591)

Xưa kia các món cha-kaiseki đều là món chay, ngày nay có thể dọn lên các món thịt cá nữa.

Món cha-kaiseki, chỉ dùng những thực liệu tươi theo từng mùa, được chế biến với mục đích làm tăng thêm hương vị của chúng. Thực liệu được lựa chọn rất cầu kỳ và món ăn được trang trí rất công phu nhằm tạo vẻ mỹ quan và phù hợp với chủ đề từng mùa nên bày biện rất phức tạp. Thường các loại hoa lá dùng làm rau củ được lựa chọn sao cho góp phần tăng thêm hương vị của món ăn.

Công thức chung của cha-kaisekiichijū sansai (nhất trấp tam thái – 一汁三菜), có nghĩa là “một chén canh, ba dĩa rau”, kèm theo có cơm và một vài món bổ sung thêm như: suimono, hassun, yutō, and kōnomono (các món ngọt khi dùng trà lạt không kể vào đây). Món canh thường là canh miso, còn ba món rau thực ra là ba món sau đây:

  • Mukōzuke (Hướng phó – 向付): món ăn bày trên chiếc dĩa để cách xa mâm thức ăn phục vụ khách, nên gọi mukōzuke (dịch sát nghĩa là “để ở xa”). Thường là món sashimi.
    • Nimono (Thái vật 煮物): món hấp, đựng riêng cho từng người trong một cái một chén có nắp đây.
    • Yakimono (….. vật – 焼物): món nướng (thường làm từ cá), dọn ra dĩa mời khách tự dùng;

Còn dưới đây là mấy món bổ sung thêm:

  • Suimono (hấp vật – 吸物): loại cháo loãng đựng trong cái chén có nắp đậy (chữ hấp này nghĩa là dễ tiêu, dễ hấp thụ) và đặt trong chiếc hộp sơn mài.
    • Yutō (sương dũng – 湯桶): bình đựng thứ cháo loãng màu nâu nhạt, món này khách tự phục vụ lấy.
    • Kōnomono (hương vật – 香物): dưa chưa để dùng kèm món yutō.

Và nhiều món khác nữa.

Trà và hoa đạo: tiếng Nhật là Chabana (Trà hoa – 茶花)

Trong tác phẩm The Book of the Tea, tác giả Okakura Kakuzo có nêu: Các vị Phật thấy các bông hoa bị gió bão làm rơi rụng, lòng từ bi thương xót của các Ngài đối với hoa, một loài chúng sinh, đã đem hoa đặt vào bình nước. Từ đó nghệ thuật cắm hoa ra đời. Và còn nhấn mạnh: Các hoa nhân trong trà đạo chẳng bao giờ hái dư thừa một bông hoa nào dùng trong nghệ thuật này. Dưới con mắt của một nghệ sĩ, Okakura Kakuzo nhìn vào hoa đạo bằng con mắt thưởng giám của Lão-Trang, hơn là thấy tinh thần chữ “kính” theo nghĩa Phật giáo.

Lợi Hưu đã dùng một thái độ mang tính phản luận (paradoxe) để chứng minh điều này; tác giả Okakura Kakuzo có kể : Vào thế kỷ 16, Lợi Hưu có cả một vườn hoa hiếm quý của thời đó: loài hoa Triệu Nhan. Thái Cáp (Taiko) muốn thưởng ngoạn loài hoa này nên Lợi Hưu đành mời đến viếng nhà mình. Khi dạo trong vườn, Thái Cáp chẳng thấy còn một bông hoa Triệu Nhan nào cà, chỉ thấy toàn đá cuội và cát. Khi vào trà thất bất ngờ Thái Cáp thấy có một bông hoa Triệu Nhan duy nhất cắm trong bình đồng đời Tống. Vì sao Lợi Hưu tàn phá hết vườn hoa quý của mình chỉ vì Thái Cáp muốn thưởng ngoạn hoa? Để trả lời được câu này khó chẳng khác gì hiểu được ý thâm trầm trong câu phản luận của Lão Tử : “Dứt bỏ thánh hiền và kẻ mưu trí, dân lợi gấp trăm; dứt bỏ nhân nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt bỏ tài trí và mưu lợi, không có trộm giặc” (Tuyệt thánh, khí trí, dân lợi bách bội. Tuyệt nhân khí nghĩa, dân phục hiếu từ. Tuyết xảo khí lợi, đao tặc vô hữu) [Đạo Đức Kinh 19].

Qua cách hành xử đó, Lợi Hưu muốn đánh thức sự phản hồi nhận thức của Thái Cáp về chữ “kính”. Kính không chỉ có nghĩa nâng niu trân trọng, mà còn là sự coi trọng sự tồn vong của đối tượng. Sinh mệnh của một sinh linh không là thú vui cho một sinh linh nào khác, đó là tư tưởng “như như bình đẳng”. Lối hành động tréo ngoe này là một trong những độc đáo của thiền tông. Như vậy, sâu xa trong chữ “kính” của Lợi Hưu có nghĩa là lòng trân trọng sinh mệnh của mọi sinh linh, trong đó hoa là một sinh linh dễ bị tổn thương nhất. Nếu không hiểu như thế này thì tư tưởng thiền trong Trà đạo biến mất. Vì kính theo sự ngộ nhận của chúng ta chính là một trong những lễ của Nho giáo (trong nghi thức Chanoyu lâu nay hiểu theo nghĩa này). Từ đó, hoa trà lâu dần biến thành thú thưởng ngoạn và biểu diễn nghệ thuật trong Trà nghi Nhật Bản, gọi là Chabana.

Chabana (Trà hoa – 茶花) là lối cắm hoa giản dị dùng trong trà thang Chanoyu. Chabana có nguồn gốc từ môn cắm hoa ikebana, môn này lại có nguồn gốc từ Thần Đạo và Phật giáo. Chabana gợi lại một kiểu cắm hoa tự do trong nghệ thuật ikebana có tên là nageire (có nghĩa là phương pháp “ném vào”) mà các trà sư thuở ban đầu hay áp dụng. Nguồn cung cấp hoa cũng tự nhiên, bất kỳ loài hoa nào trong vườn mọc vào mùa của buổi trà thang cũng được dùng chứ không cầu kỳ tìm kiếm nơi xa xôi. Như vậy không phải nghệ thuật cắm hoa nào trà đạo cũng dung nạp, nhưng nay tinh thần này hầu như không còn nữa.

Hoa nhân trà đạo chẳng bao giờ dùng hoa trái tự nhiên và trái mùa. Cũng chẳng cần thứ gì làm giá đỡ hay bình hoa cả. Vật dụng trong chabana (trà hoa) thường gọi là hanaire (trà nhập – 花入). Nghệ thuật tiêu biểu của Chabana (trà hoa) ít chủ đề, và cũng ít vật liệu cần dùng đến. Chỉ vào mùa thu ở Nhật hoa nở nhiều mới thấy cắm thành giỏ gọi là lộng hoa nhập (籠花入; kago-hanaire).


Không như hoa đạo ikebana cắm trên dĩa cạn và rộng vành, trà nhập hanaire có dáng thon ốm hanaire thường thấy trong nghệ thuật habana (trà hoa). Hoa nhập dùng trong các trà thất thường lấy từ vật liệu tự nhiên như tre trúc, có khi dùng kim loại hay gốm sứ, nhưng hiếm khi thấy dùng thủy tinh.

Chabana (trà hoa) được cắm đơn giản đến mức chỉ độc một nụ hoa, nụ hoa này phải hướng về các khách mời.

Trà và thư họa

Thư họa đến với thiền và trà bắt nguồn từ dòng nghệ thuật “mặc hội” (sumiye – 墨會) hồi thế kỷ 12-13. Mặc hội là phép vẽ dùng mực tàu vẽ trên giấy mỏng, vì thế nét bút đòi hỏi phải nhẹ nhàng, thanh thoát, không tẩy xóa hay đồ nét vì làm như thế sẽ thủng giấy. Mặc hội không là sự sao chép lại sự vật như hội họa, mà là sự phóng xuất cảm xúc ngoại giới của tâm hồn ra ngoài, thứ cảm xúc đã tích tụ trong tiềm thức chứ không phải trong ý thức. Khi phóng bút tác giả và ngọn bút hòa nhau làm một, thân ý hợp nhất. Mặc hội chính là chữ “hòa” của Lợi Hưu.

Trong cuốn Góp Nhặt Cát Đá có kẻ câu chuyện về tấm biển đề “Đệ Nhất Đế” ở đền Obaku, Kyoto. Người phóng bút viết ba chữ đó là nhà thư họa trứ danh Kosen, sau đó người ta mới chạm. Khi viết ba chữ này, người học trò của ông mài mực hầu thầy luôn lên tiếng khen chê. Kosen kiên nhẫn viết từ tấm này sang tấm khác đến tám mươi bốn tấm “Đệ Nhất Đế” chồng chất lên nhau thành đống vẫn không thấy chú học trò mình có lời khen. Một lúc sau cậu ta bước ra ngoài, Kosen nghĩ: “Bây giờ là lúc ta tránh được con mắt sắc bén của nó”, và Kosen viết nhanh với cái tâm không lo lắng: Đệ Nhất Đế. Cậu học trò từ ngoài bấy giờ bước vào, đột nhiên thốt to: “Một kiệt tác, quả xuất thần

Văn hóa trà của Nhật Bản thuở ban đầu muốn tìm trạng thái xuất thần như thế! Thế mới là thiền.

Mặc hội sau phát triển thành thư pháp rồi thư họa. Môn này nhằm khi dùng trà xong trà nhân thị hiện sự hòa điệu nghệ thuật của mình qua sự phóng xuất tâm hồn. Ngày nay thư họa trong trà thất trở thành môn nghệ thuật sưu tập các bức hoành, bức liễn để cùng nhau thưởng ngoạn. Không biết tôi có nhầm lẫn gì không, tôi cho rằng văn hóa trà của Nhật ban đầu là phương tiện thị hiện thiền tâm chứ không phải thưởng giám nghệ thuật. Nhưng dù sao thưởng giám theo phong vị thiền cũng xóa đi bớt nhiều áp lực trong cuộc sống, giới võ sĩ đạo Nhật là người hưởng lợi lớn ở khía cạnh này. Lịch sử cho thấy họ thực sự đã hưởng lợi. Và có lẽ cũng chính vì thế thư họa dần dần trở nên thành tố thưởng giám hơn là sáng tạo trong văn hóa trà Nhật bản.


Bây giờ quay về thực tại. Thư họa trong trà thất hiện nay là những bức liễn và là trọng tâm của trà thất. Những bức liễn đó được chủ nhà sưu tập từ các tay thư họa nổi tiếng và của các trà sư, rồi treo ở tokonoma (sàng gian – 凹間) vị trí trung tâm của trà thất. Liễn thư họa được tuyển chọn theo mùa, ngày giờ hay chủ đề của trà thang mới được treo. Câu chữ trong các liễn thư pháp gắn với ý nghĩa của Phật giáo, Thi ca, Thắng cảnh hay có liên quan đến Trà nghi; ví dụ như bốn chữ wa kei sei jaku (hòa kính thanh tịch – 和敬清寂). Có những bức thư pháp chỉ có một chữ duy nhất như chữ kaze (phong – 風; nghĩa là gió) và nó thích hợp cho trà thang mùa hè. Cũng có khi liễn thư pháp có kèm theo hình vẽ, gọi là thư họa nhưng hình vẽ đó phải thích hợp với câu chủ đề thư pháp và buổi trà thang. Chằng hạn hình con thỏ (lấy từ tích thỏ ngọc trên cung Hằng) phù hợp cho buổi trà thang về đêm.  Người ta còn thấy có trường hợp liễn thư pháp không treo ở tokonoma (sàng gian- 凹間) mà treo áp vách trà thất.

*****

Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong sự câu nệ và phiền trược của nghi thức Chanoyu, tâm người dùng trà khó đạt được bốn chữ “Hòa, Kính, Thanh,Tịch” đúng với tinh thần ban đầu do Lợi Hưu đề ra. Lợi Hưu là nhân vật của thế kỷ 16, ông đề ra quy luật đó vì có sự dung tục trong văn hóa trà vào thời đại Thất Đinh. Giống như một ẩn dụ của Phật Thích-ca, bốn chữ đó như chiếc xuồng chở chúng ta qua bên kia bờ, qua được bờ bên kia rồi thì chớ cõng chiếc xuồng trên vai mà đi. Trà nghi Nhật Bản đang cõng chiếc xuồng tứ bản “Hòa, Kính, Thanh,Tịch” (chứ không phải xuồng tam bản) ư!?

Rõ ràng, khách mời khó đạt được chữ “hòa” khi còn ở lộ địa roji, chủ nhà khó đạt được chữ “thanh” (với nghĩa thanh tịnh trong lòng) trước nỗi lo thiếu sót nghi lễ. Chữ “kính” và chữ “tịch” có thể thấy rõ ở biểu lộ hình thức bên ngoài giữa chủ và khách. Nhưng với chữ “kính” thật sự như Bá Nha kính cây đàn Long Môn, chữ “tịch” thật sự như Lợi Hưu bình thản đón nhận cái chết với bài thơ “Bảo Kiếm” thì có lẽ còn xa lắm mới đạt được, nếu không muốn nói có quá nhiều rào cản chắn lối đi đến hai chữ này.

Triền phược đến mức ngày nay ở Nhật trong trường học người ta phải dạy trà nghi cho học sinh. Nếu không học không biết cách hay không được vào trà thất. Sự tự tại hướng nội của Lợi Hưu được nghi thức thay bằng phiền triệt ngoại giới. Hình thức trà Lợi Hưu còn đó (thậm chí rườm rà hơn) nhưng hồn trà Lợi Hưu đã mất tự bao giờ rồi.

Chắc hẳn với nghi thức uống trà như thế này trà nhân Nhật Bản khó hưởng được cái thú uống trà như Phạm Đình Hổ: “Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn uống rượu làm thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè Tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, sửa được lòng tục.” (Vũ Trung Tùy Bút). Phạm Đình Hổ là một danh nho chứ không phải một thiền sư hay đạo sĩ, nhưng lúc uống trà tâm hồn ông có lẽ đã đạt được chữ “tự tại” của ông Lão và chữ “chân như” của ông Thích. Mới hay, dù ai và dù bất cứ giáo thuyết nào, khi đạt được cái “thần” của nó đều như nhau cả.

Đề ra nghi thức là chấp ngã hay chấp pháp!? Mượn một câu chuyện ngộ nghĩnh trong Thiền học để thấy bốn chữ này không phải chỉ áp dụng cho có hình thức bên ngoài:

Hòa thượng Triệu Châu đang quét sân chùa thì một ông tăng hỏi: Cớ sao chốn thanh tịnh già lamlại có bụi? Sư đáp: Lại một hột bụi nữa kia kìa. Lần khác, Triệu Châu cũng đang quét chùa một ông tăng khác hỏi: Hòa thượng là bậc thiện tri thức, cớ sao còn bụi?. Sư đáp: Ở ngoài đến.

Lợi Hưu cần quét bụi vì đời vốn là bụi và biết rằng khó quét hết nên đề ra bốn chữ trên. Đời sau không biết giữ tinh thần đó để tư tưởng hình thức bên ngoài len vào chẳng khác nào để bụi bay thêm vào. Câu chuyện Lợi Hưu sai con quét sân là một ẩn dụ.

Nhưng dù gì cũng phải thừa nhận tinh thần trà Thiền-Lão bị trà pháp Khổng Mặc lấn át ở Trung Hoa được người Nhật bảo tồn phần nào ở xứ Phù Tang.


[1] Trà do hai vị này đưa vào Nhật đã là văn hóa trà chưa còn cần xem xét nhiều, lúc ấy trà chỉ dùng trong một số rất ít thiền sư và giới quý tộc. Có lẽ sang thế kỷ 14 hay 15 mới thực sự có văn hóa riêng vì đến đời Minh Tây Vinh Am (cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13) cũng chỉ coi là một vị thuốc.

[2] Thanh qui (清規): có nghĩa ‘giới luật rõ ràng’. Trong Thiền tông mỗi chùa đều có thanh quy, nhưng thanh quy của Bách trượng Hoài Hải nổi tiếng khắt khe. Câu nói của thiền sư  này là: “một ngày không làm, một ngày không ăn” (一日不作一日不食; nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực).

[3] Hiện nay ít nhất người ta đếm được các trường phái như sau: Enshū-ryū (Viễn Châu Lưu – 遠州流), Fujibayashi-ryū (Đằng Mộc Lưu -藤林流), Fuhaku-ryū (Phi Bạch Lưu – 不白流), Fumai-ryū (Phi Muội Lưu – 不昧流), Hayami-ryū (Tốc Thủy Lưu – 速水流), Higo-koryū (Phì Hậu Cổ Lưu – 肥後古流), Hisada-ryū (Lưu – 久田流), Hosokawasansai-ryū (Lưu – 細川三斎流), Horinouchi-ryū (Lưu – 堀内流), Kogetsuenshū-ryū (Cửu Điền Lưu – 壺月遠州流), Matsuo-ryū (Tùng Vĩ Lưu – 松尾流), Mitani-ryū (Tam Cốc Lưu – 三谷流), Nara-ryū (Nại Lương Lưu – 奈良流), Rikyū-ryū (Lợi Hưu Lưu – 利休流), Sōwa-ryū (Tông Hòa Lưu – 宗和流), …

[4] Chùa Viên Giác 圓覺寺: là một ngôi chùa danh tiếng ở Nhật (tiếng Nhật gọi là Engaku-ji;)  nhưng lại do một vị Thiền sư Trung Quốc là Vô Học Tổ Nguyên khai sáng. Ngôi chùa lịch sử này bị tiêu hủy trong cuộc động đất năm 1923.

[5] Tiếng Nhật gọi chiếu này là tatami.

[6] Tatami (Hán Việt gọi là điệp tịch – 疊蓆): là một tấm sàn của nhà Nhật Bản, có kích thước theo quy định là 910mm×1820mm, dày 55mm, làm bằng rơm ép chặt. Khi dùng để tính diện tích gianphòng gọi là jo.

[7] Ro (炉) là từ thuần Nhật có nghĩa bếp lò

Các bài đã đăng :

 

*MỤC LỤC – TRÀ ĐẠO & TRÀ CỤ GỐM SỨ

 


Read Full Post »

Older Posts »