Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘tác giả Đức Chính’

Bài 4: Chuyện bên lề Kim Tự Tháp Ai Cập

Biên khảo : Đức Chính

3.- Kim Tự Tháp là công trình của người ngoài Trái đất?

Phần trước chúng ta có nêu một số giả thuyết cho rằng Kim Tự Tháp do người ngoài Trái đất dựng nên. Đó không phải là ý kiến lẻ loi đơn độc, mà có thời từng là một trào lưu gây chấn động nhiều bạn đọc.

Vào thập niên 60-70 thế kỷ trước, đi cùng với phong trào “dĩa bay” hay “vật thể bay không xác định” (UFO: unidentified flying object) là phong trào gán cho các kỳ quan yếu tố ngoài không gian. Nhiều cuốn sách về đề tài này được viết ra và thu hút một lượng lớn độc giả hiếu kỳ. Cuốn ăn khách nhất thời đó là “Chariots of the Gods” (Xe Của Các Vị Thần)[1] của tác giả người Đức Erich Von Daniken; trong đó dành hẳn một chương nhan đề “Ancient Marvels or Space Travel Centres?” (Các Kỳ quan Cổ đại hay Trung tâm Du hành Vũ trụ?) để nêu những mối tương quan kỳ lạ giữa các di chỉ khảo cổ với thuyết người ngoài Trái đất từng viếng thăm loài người trong quá khứ xa xăm.

Trong chương này tác giả nêu luận điểm Kim Tự Tháp là một cột mốc để các nhà du hành vũ trụ ngoài Trái đất theo đó mà cất/hạ cánh. L‎ý do Ai Cập được chọn là vì đây là trung tâm của Trái đất; tác giả đưa hình minh họa theo “phép chiếu phương vị cách đều” (azimuthal equidistant projection) dưới đây.

Nhưng thay vì chứng minh bằng sự kiện, tác giả phản chứng bằng cách nêu ra những điểm khoa học chưa giải thích được để biện luận cho giả thuyết của mình. Hầu có một cái nhìn chính xác về quan điểm của tác giả, xin mạn phép trích dịch đầy đủ một đoạn (dài nhiều trang) duy nhất trong sách nói riêng về Kim Tự Tháp.

“Có nhiều vấn đề gắn liền với công nghệ của những người xây dựng Kim Tự Tháp và không là giải pháp thiên tài nào cả.

“Người Ai Cập khoét vào đá làm lăng mộ như thế nào? Họ có trong tay nguồn lực gì mà có thể bố trí phòng ốc và các hành lang như mê cung? Những bức tường phẳng lì trang trí các bức họa phù điêu. Độ nghiêng trục chính cắm sâu vào nền đá; họ có những bước xây dựng theo truyền thống tinh xảo tuyệt vời, thứ truyền thống đưa phòng mai táng âm sâu xuống đất. Hàng đoàn du khách ngạc nhiên trầm trồ trước chúng, nhưng chẳng ai giảu thích nổi họ dùng thứ kỹ thuật huyền diệu gì mà đào được như thế. Vâng, phải khẳng định người Ai Cập là bậc thầy trong nghề khoan hầm từ thời nguyên sơ, các lăng mộ ăn sâu vào đá được thi công chính xác không thua kém gì thời nay. Giữa lăng mộ của vua Tety hồi triều đại thứ 6 và lăng mộ của Rameses I thời Vương Quốc Mới cách xa nhau chí ít 1.000 năm chẳng có gì khác biệt nhau về kỹ thuật xây dựng. Rõ ràng người Ai Cập chẳng học được thêm điều gì mới để bổ sung cho kỹ thuật xưa cũ. Thực ra mà nói các dinh thự càng gần thời đại chúng ta càng nhiều sự sao chép nghèo nàn từ mô thức thời xa xưa.

“Khách du lịch rong duỗi trên lưng lạc đà có tên Wellington hay Napoleon tùy theo quốc tịch của ông ta, đến Kim Tự Tháp Cheop, đến phía tây thành phố Cairo, sẽ có cảm giác kỳ lạ trong lòng khi thấy những di vật huyền bí của thời quá khứ cứ hiện ra. Hướng dẫn viên nói với ông ta: Một vị Pharaoh được an táng nơi đây. Và với mớ kiến thức được hâm nóng lại đó, ông ta chụp nhiều bức ảnh ấn tượng rồi cỡi lạc đà quay trở về. Đặc biệt Kim Tự Tháp Cheops đã gợi hứng hàng trăm thuyết điên rồ và khó đứng vững. Trong cuốn sách dài 600 trang nhan đề Our Inheritance in the Great Pyramid (Di sản của chúng ta trong Kim Tự Tháp Lớn) do Charles Piazzi Smith xuất bản năm 1864, chúng ta có thể đọc thấy nhiều mối liên hệ dựng tóc gáy giữa Kim Tự Tháp với quả Địa cầu của chúng ta.

“Vâng, sau chuyến khảo sát đầy tính phê phán như thế, vẫn chứa đựng nhiều sự việc kích thích chúng tôi phải suy tư. 

“Không thể chối cãi người Ai Cập thời xưa thờ thần Mặt trời. Thần Mặt trời của họ gọi là thần Ra, đi xuyên bầu trời trên một con thuyền. Kim Tự Tháp thư thời Vương Quốc Cổ còn mô tả vị vua chu du trên bầu trời, hẳn nhiên điều đó phải có sự giúp đỡ của các vụ thần và các con tàu của thần linh. Vậy thì các vị thần và các vì vua cùng nhắc đến chuyện bay đi …   

“Phải chăng chiều cao của Kim Tự Tháp Cheops nhân cho 1.000 gần bằng khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời chỉ là sự trùng hợp ư? Khoảng cách đó là 93 triệu dặm. Phải chăng kinh tuyến đi ngang qua Kim Tự Tháp chia đôi cách lục địa và đại dương làm hai phần bằng nhau cũng chỉ là sự trùng hợp? Phải chăng diện tích đáy Kim Tự Tháp chia cho hai lần chiều cao cho ra số (Pi) = 3.14159 do Ludolf khám phá ra lại là một sự trùng hợp nữa? Các phép toán tính trọng lượng Trái đất được tìm ra và sự chính xác và chu toàn sức chịu của nền đá cho công trình Kim Tự Tháp đơn thuần là trùng hợp ư?

“Không hề có chút manh mối nào cho thấy vì sao vị Pharaoh Khufu đứng ra xây dựng Kim Tự Tháp Cheop lại chọn địa điểm trên vùng đá giữa sa mạc làm nơi an nghỉ của mình. Có thể giểi ở đây sẳn một khe nứt tư nhiên ăn vào nền đá và ông tận dụng để xây dinh thụ đồ sộ của mình; cũng có lối giải thích khác: nơi đây cách cung điện mùa hè của ông ta không xa nên ông dễ dàng theo dõi tiến độ của công việc. Cả hai l‎ý do này đều trái với lẽ thường. Trường hợp thứ nhất không hợp lý vì địa điểm như thế ở xa mỏ đá và lẽ thường vị trí xây dựng cần gần mỏ đá để thu ngắn khoảng cách vận chuyển; trường hợp thứ hai khó hình dung nổi vị Pharaoh lại muốn những năm cuối đời của luôn bị xáo trộn hết năm này qua năm khác, cả ngày lẫn đêm, bởi tiếng ầm ỉ của công việc xây cất.    

“Từ đó quá đủ để nói ngược lại những lời giải thích trong sách về việc chọn địa điểm xây dựng, thứ nhất khá hợp l‎ý khi hỏi có phải ‘các vị thần’ không nói gì với họ cả; thứ hai không nói cả với giới giáo sĩ. Thế nhưng nếu lời giải thích đó được chấp nhận, lý thuyết của tôi về quá khứ Không tưởng của loài người lại một lần nữa có thêm chứng cứ quan trọng. Kim Tự Tháp không chỉ phân chia các lục địa và đại dương làm hai phần bằng nhau, mà nó còn là trọng tâm của các lục địa nữa. Nếu các sự kiện ghi nhận ở đây không phải là điều trùng hợp – và dường như khó tin là như vậy – thì địa điểm xây dựng bởi nhân vật có khả năng hiểu rõ tất cả các hình thể ngoại vi của Trái đất cùng với sự phân bố của các lục địa và đại dương.

“Với sức mạnh nào, với “máy móc” nào, với nguồn kỹ thuật nào mà cả nền đá được đội lên? Các nhà xây dựng bậc thầy này làm thế nào đào các đường hầm sâu xuống đất? Ở đây không có những lăng mộ ăn sâu vào đá cũng không có nguồn cảm hứng hay thứ gì khác tương tự. Ở đây không có vách hay trần đen thui, thậm chí chẳng có dấu vết nhỏ nhoi mnào về điều đó. Vậy các khối đá được cắt như thế nào và với phương tiện gì ở các hầm mỏ đá? Với cạnh sắc bén và mặt nhẵn à? Làm thế nào họ vận chuyển và ghép nối chúng với nhau chính xác đến phần ngàn inch?Có biết bao lời giải thích để tha hồ lựa chọn: mặt nghiêng, và các vết ăn dọc các khối đá khi bị đẩy đi, giàn giáo và giàn trượt. Và dĩ nhiên có cả công sức lao động của hàng trăm ngàn nô lệ Ai cập nữa: nông dân, thợ xây, nghệ nhân.    

“Không có lời giải thích nào đứng vững trước sự khảo sát đầy phê phán. Kim Tự Tháp Lớn (và những di tích?) thể hiện một chúc thư kỹ thuật, thứ kỹ thuật không được lưu truyền đến ngày nay. Ngày nay, ở thế kỷ 20, không nhà kiến trúc nào có thể tái tạo được bản sao của Kim Tự Tháp Cheops, thậm chí cả khi mọi nguồn lực từ khắp các lục địa sẳn sàng cho ông ta sử dụng. 

“2.600.000 khối đá khổng lồ được cắt ở các mỏ đá, lấy ra và chuyển tải, rồi gắn khớp vào nhau nơi công trường xây dựng với độ chính xác phần ngàn inch. Và phía trong sâu, nơi các hành lang, các bức vách được vẽ bằng màu.

“Công trình Kim Tự Tháp là thú chơi ngông của Pharaoh?

“Kích thước kinh điển vô song của Kim Tự Tháp tình cờ đến với nhà xây dựng bậc thầy ư.

“Hàng trăm ngàn thợ thầy đẩy và kéo những khối trọng lượng nặng 12 tấn lên theo giàn trượt có (hay không có) dây và có (hay không có) trục lăn.

“Chủ nhân các người thợ ăn (hay không ăn) ngũ cốc để sống.

“Họ ngủ có (hay không có) lều qua đêm dựng bên cạnh cung điện mùa hè của Pharaoh.

“Có chăng chuyện người thợ nỗ lực làm việc theo tiếng ‘hò dô ta’ thôi thúc qua (hay không có) thiết bị tăng âm và cứ thế các khối nặng 12 tấn đấy ngược lên trời.

“Nếu những người thợ chuyên cần hoàn tất công việc diệu kỳ đặt những khối đá chồng lên nhau với tốc độ 10 khối mỗi ngày, muốn lắp rắp hai triệu rưỡi khối đá để tạo nên một Kim Tự Tháp kỳ vĩ họ phải mất khoảng 250.000 ngày = 664 năm. Vâng, và xin chớ quên rằng toàn bộ sự việc đã hoàn thành theo đúng thú ngông của vị vua quái gỡ, nhưng ngài chẳng kịp thấy sự hoàn tất dinh thự của riêng mình.

“Dĩ nhiên thuyết này không đủ thuyết phục, nghiêm túc mà nói còn lố bịch nữa là khác. Vậy ai có thể ngây thơ đến mức tin rằng Kim Tự Tháp được dựng lên không có mục đích nào khác ngoài việc làm ngôi mộ cho vua chúa. Từ nay ai có thể xem việc truyền các tín hiệu thiên văn và toán học chỉ là chuyện tình cờ?

“Ngày nay chẳng ai dám tranh cãi việc Pharaoh Khufu có phải là người có cảm hứng và là người xây dựng Kim Tự Tháp lớn hay không. Vì sao? Vì tất cả các thư tịch và bi ký‎ đều cho thấy đó là Khufu. Đối với riêng tôi, dường như Kim Tự Tháp không thể xây xong trong một kiếp người. Tôi cho rằng dường như Kim Tự Tháp không thể được dựng dựng xong trong khoảng một đời người. Thế thì sao Khufu lại cố dựng lên những bia k‎ và kinh văn nêu danh tiếng của mình? Chẳng qua đó là một thủ tục thời cổ xưa, nhiều công trình còn in dấu những chứng cứ như vậy. Bất cứ khi nào một lãnh tụ độc tài muốn vang danh mình lên, ông ta cứ việc ra lệnh và chuyện này phải diễn ra. Nếu quả là như vậy thì Kim Tự Tháp đã có trước Pharaoh rất lâu rồi, sau đó ông ta mới ghé đến tham quan.

“Trong thư viện Bodleian Library ở Oxford có tập bản thảo viết bằng chữ Copic, tác giả Mas-Udi khẳng định chính vua Ai Cập Surid đã xây dựng Kim Tự Tháp Lớn. Thật kỳ quặc, Surid là vị Pharaoh trị vì Ai Cập trước thời Đại Hồng Thủy. Vị minh quân Surid đã ra lệnh cho các tu sĩ của ông ta hạ bút viết về sự khôn ngoan của ông và niêm bản văn lại cất trong Kim Tự Tháp. Vậy theo truyền thuyết Copic, Kim Tự Tháp phải xây dựng lên trước thời Đại Hồng Thủy.

“Trong tập 2 cuốn History (Lịch sử), Herodotus có xác định một giả thuyết. Các giáo sĩ vùng Thebes có cho ông xem 341 pho tượng khổng lồ, mỗi tượng tượng trưng cho một đời Đại giáo sĩ vào thời đại cách nay 11.340. Hiện nay chúng ta biết rõ mỗi đời đại giáo sĩ đều có tạc tượng cho mình, và Herodotus cũng cho chúng ta biết rằng trong thời gian ông ta ở Thebes hết giáo sĩ này đến giáo sĩ khác cho ông ta xem bức tượng của mình coi như là bằng chứng giáo sĩ đó luôn theo đúng con đường của tổ sư. Và các giáo sĩ cam đoan với Herodotus chuyện này hoàn toàn chính xác, vì họ đã ghi chép lại mọi chuyện suốt nhiều thế hệ rồi họ giải thích mỗi bức tượng tượng trưng cho một thế hệ và trước 341 thế hệ này từng có những vị thần chung sống với loài người, nhưng sau đó các vị thần không còn trở lại thăm dưới dạng hình hài của loài người nữa.

“Thời kỳ lịch sử của Ai Cập thường được ước tính khoảng 6.500 năm. Vậy sao các tu sĩ không biết hổ thẹn khi nói dối với Herodotus đến khoảng 11.340 năm? Và tại sao họ dám nhấn mạnh các vị thần không còn ở với họ suốt 341 thế hệ? Các chi tiết cụ thể này hoàn toàn vô nghĩa nếu như ‘các vị thần’ không từng chung sống với họ thời quá khứ xa xôi.

“Rồi tiếp nữa chúng ta chẳng biết gì về chuyện làm thế nào, tại sao và khi nào Kim Tự Tháp được xây dựng. Đó là một ngọn núi nhân tạo, cao 490 bộ (feets), nặng 31.200.000 tấn, đứng sừng sửng nơi ấy như một thành tựu khó tin nổi và đền đài đó không dùng cho mục đích nào khác hơn là nơi an táng một vị vua gàn rỡ! Ai cũng có thề tin đó là lời giải thích đúng đắn …   

“Xác ướp của quá khứ xa xôi hiện hiện trước mắt chúng ta như là một bí mật thần bí chất chứa trong đó, cũng là chuyện khó hiểu và chưa có lời giải thích thuyết phục, Nhiều dân tọc khác nhau biết kỹ thuật ướp xác, và các phát kiến khảo cổ cho thấy rõ giả thuyết thời tiền sử con người tin có chuyện quay trở về sống một cuộc đời thứ hai, nghĩa là linh hồn quay trở về với thân xác. Kiến giải này có thể được chấp nhận nếu có chứng cứ trong quá khứ xa xôi nhất cho thấy có thứ triết học tín ngưỡng thời thượng cổ về đức tin có sự quay về lại với thân xác! Nếu tổ tiên thời ăn lông ở lỗ của chúng ta chỉ tin vào sự quay lại của linh hồn, họ sẽ chẳng hoảng sợ đối với cái chết. Thế nhưng các phát hiện trong những lăng mộ Ai Cập hết ví dụ này đến ví dụ khác về chuyện ướp xác để chuẩn bị cho sự quay về với thân xác.

“Vết tích đó nói lên điều gì, bằng chứng đó nói lên điều gì, phải đâu chúng chỉ là những điều phi lý! Các bức họa và các truyền thuyết dân gian vạch ra rằng ‘các vị thần’ sẽ từ các vì tinh tú quay trở lại để đánh thức các thân xác được bảo quản tốt, sẽ sống một cuộc đời mới. Đó là l‎ý do vì sao phải ướp xác và đặt trong phòng quàn như là một dạng nghi thức. Mặt khác, tiền bạc, vàng vòng và những đồ yêu thích tùy táng theo gồm những gì? Có chôn theo những người hầu, hẳn nhiên là chôn sống, như là sự chuẩn bị để tiếp nối cuộc đời cũ qua cuộc đời mới? Các lăng mộ hết sức bền chắc, như là hầm trú bom nguyên tử; có thể tránh được sự tàn phá của thời gian. Đồ qu‎ý giá mang theo họ, tức vàng và ngọc, là những thứ không thể phá hủy ảo. Ở đây tôi không quan tâm tranh luận về việc lạm dụng ướp xác.

“Tôi chỉ quan tâm đến câu hỏi: ai đã đưa ý niệm hồi sinh thân xác vào trong đầu các pharaoh? Và do đâu ý tưởng ban đầu cho rằng các tế bào trong cơ thể phải được bảo quản ở một nơi chắc chắn, sao cho thân xác được đánh thức dậy mấy ngàn năm sau đó và tiếp nới một kiếp sống mới?

“Quan điểm tín ngưỡng về một sự đánh thức huyền bí là như vậy. Liệu khi biết chắc bản chất và thói quan của ‘thần linh’ hơn cả chính mình, các pharaoh có còn bị coi là có ‎ý tưởng điên rồ nữa hay không khi nói: ‘Ta phải được an táng ở một nơi của riêng ta, nơi không bị phá hủy suốt hàng ngàn năm và các vị thần sẽ trở lại và đánh thức ta dậy (hay một thầy thuốc trong tương lai sẽ khám phá ra cách làm ta sống lại)’.”

Cách đặt vấn đề của tác giả nghe qua hữu l‎ý, dễ được những tâm hồn thích chuyện ly kỳ tán thưởng. Nhưng xét cho kỹ có nhiều điểm cần suy nghĩ lại, xin dẫn một vài ví dụ:

Thứ nhất, khi đang nói về Kim Tự Tháp, tác giả quay qua lăng mộ: “Giữa lăng mộ của vua Tety hồi triều đại thứ 6 và lăng mộ của Rameses I thời Vương Quốc Mới cách xa nhau chí ít 1.000 năm chẳng có gì khác biệt nhau về kỹ thuật xây dựng. Rõ ràng người Ai Cập chẳng học được thêm điều gì mới để bổ sung cho kỹ thuật xưa cũ. Thực ra mà nói các dinh thự càng gần thời đại chúng ta càng nhiều sự sao chép nghèo nàn từ mô thức thời xa xưa[1]. Tác giả bỏ qua khoảng giữa là thời kỳ Kim Tự Tháp, nghĩa là thủ tiêu giai đoạn tiến hóa từ lăng mộ đất phơi qua Kim Tự Tháp tháp đá, rồi từ Kim Tự Tháp đá thoái lùi về hang mộ khoét trong núi đá do sự bất ổn xã hội và sự suy yếu của triều đình Pharaoh. Chưa kể Kim Tự Tháp có sự tiến hóa từ Kim Tự Tháp nấc thang qua Kim Tự Tháp mặt cong rồi mới đến Kim Tự Tháp đúng nghĩa hình chóp;

Thứ hai: Các khối đá tác giả đưa vào tính toán nặng tới 12 tấn, trong khi thực tế bình quân chỉ 4-5 tấn và càng lên cao khối đá càng giảm trọng lượng đi. Ngoài trọng lượng sai lệch trên, để chứng minh nếu không có sự trợ giúp của người ngoài Trái đất, ông cho rằng một đời người của Pharaoh Khufu không thể hoàn tất công trình này. Ông viết: “Nếu

những người thợ chuyên cần hoàn tất công việc diệu kỳ đặt những khối đá chồng lên nhau với tốc độ 10 khối mỗi ngày, muốn lắp rắp hai triệu rưỡi khối đá để tạo nên một Kim Tự Tháp kỳ vĩ họ phải mất khoảng 250.000 ngày = 664 năm.[1] Vâng, tính toán này sẽ đúng nếu đội thợ thực hiện Kim Tự Tháp chỉ khoảng trăm người. Tác giả cố tình bỏ qua khả năng có thể huy động nhân lực của các Pharaoh và quên xét đến di chỉ nghĩa trang của các công nhân xây dựng Kim Tự Tháp còn lưu lại quanh Kim Tự Tháp Cheop. Đặc biệt mâu thuẫn với một câu tác giả đã viết: “Hàng trăm ngàn thợ thầy đẩy và kéo những khối trọng lượng nặng 12 tấn lên theo giàn trượt có (hay không có) dây và có (hay không có) trục lăn [2]. Có lý đâu hàng trăm ngàn người mỗi ngày chỉ hoàn thành 10 khối đá, để kéo dài công trình 664 năm.

Thứ ba, tác giả dẫn các thư tịch cổ, truyền thuyết dân gian, như là bằng chứng “không thể chối cãi”. Thật ra, ngoài những sai lạc do tư tưởng thần bí thời xưa, các bản văn cổ luôn có cú pháp mập mờ có thể giải thích theo nhiều chiều hướng khác nhau. Thường khi sử dụng thư tịch cổ phải so sánh và đối chiếu chúng với nhau rất nhiều lần mới có thể tạm xác tín điều gì đó. Kỹ thuật viết của tác giả chỉ trích dẫn tủn mũn một vài đoạn thích hợp với điều tác giả muốn. Ví dụ việc ướp xác như đã trình bày xuất phát từ tín ngưỡng có sự phán xét ở dưới âm phủ, và cuộc sống thứ hai chính là cuộc sống trên thiên đường như đã nói ở phần đầu. Vì tin cuộc sống thứ 2 ở trên trời nên các Kim Tự Tháp đều có trục Bắc-Nam. Điều này được tác giả giải thích sẽ có người ngoài Trái đất đến làm sống lại.

Cách chứng minh như thế này là kiểu chứng minh “cho phù hợp với mục đích mình cần thuyết phục”. Tất nhiên như vậy thiếu tính khách quan cần thiết, vì sự “cắt khúc” và “bỏ sót” làm vấn đề nhiều khi quay ngược 1800. Đặc biệt kỹ thuật viết theo thể tài này được tác giả khai thác rất tốt: lối văn nửa hoài nghi nửa châm biếm, pha chút ‘khoa học’ có tính huyền hoặc. Nó có tác dụng lôi cuốn người đọc đi theo dòng lập luận của tác giả và cách nêu luận cứ có tính rời rạc nhưng rối nùi đến khó hiểu làm cho người đọc mất đi sức phán đoán. Tất cả cộng hưởng trở thành “rất thuyết phục”.

Hẳn tác giả cũng không nêu được hình ảnh nào khả dĩ thuyết phục cho thấy có người ngoài Trái đất tham gia xây dựng Kim Tự Tháp, nhưng tác giả viện dẫn ngoại suy hình ảnh nơi khác để liên tưởng có những cuộc đổ bộ xuống trái đất thời kỳ nhân loại còn mông muội. Nơi khác có hình ảnh của người ngoài Trái đất ghé thăm thì Ai Cập có lý‎ đâu là ngoại lệ với một công trình vĩ đại Kim Tự Tháp vào thời kỳ con người còn sơ khai. Phương pháp ngoại suy của tác giả trưng ra một số bằng cớ.

a.- Bức chạm trong ngôi đền Kim Tự Tháp của người Mayas ở Palenque, Mê-hi-cô

Tác giả chú: “Bức vẽ này thể hiện trong ngôi đền. Có thể nào trí tưởng tượng của người thời nguyên thủy thể hiện lại hình ảnh giống một cách kỳ lạ người phi hành gia đang ở trong con tàu sắp phóng? Ở cuối hình vẽ lại ngọn lửa và khí phụt ra từ động cơ đẩy. ” Và so sánh bới hình dưới đây kèm lời chú:

Phi hành gia Mỹ ngày nay cũng có tư thế giống hệt, tay điều khiển thiết bị còn mắt theo dõi kiểm tra.”

b.- Bức hình tìm thấy ở Ý

Tác giả chú: “Bức hình này xuất xứ từ Val Camonica, miền Bắc nước Ý, thể hiện hình ảnh người thời tiền sử lại có vành bánh răng đội trên đầu một cách dị thường.

c.- Hình vẽ ở sa mạc Sahara: hình này khá giống phi hành gia mặc đầy đủ trang phục khi ra khỏi phi thuyền:

Và ông đi đến kết luận đó chỉ có thể là người ngoài Trái đất đã từng đến viếng thăm Trái đất thời xa xưa.

*****

Trở ngược lại áp dụng phương pháp phản chứng hỏi tác giả: “Những nơi khác còn lưu lại dấu vết người ngoài Trái đất, có l‎ý đâu suốt mấy ngàn năm xây dựng Kim Tự Tháp, lại là Trung tâm Du hành, mà người AI CẬP không lưu lại vết tích gì của người khách đến từ không gian?” Rõ là Erich Von Daniken khó trả lời xuôi?

Dù sao nhiều câu hỏi của tác giả đã nêu nhiều bí ẩn về Kim Tự Tháp mà các nhà khoa học còn phải làm việc nhiều mới giải đáp nổi. Câu chuyện về Kim Tự Tháp vẫn còn dài. Thú thật vấn đề này vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi, xin chờ bậc cao minh chỉ giáo.

**************************************************

[1] Cuốn sách này xuất bản bằng tiếng Đức năm 1968 và dịch qua tiếng Anh năm 1969. Vào đầu thập niên 1970 một số tạp chí ở Sài Gòn có trích dịch lại.

[2] There is no difference between the tomb of Tety from the sixth dynasty and the tomb of Rameses I from the New Kingdom, although there is a minimum of 1,000 years between the building of the two tombs. Obviously the Egyptians had not learnt anything new to add to their old technique. In fact the more recent edifices tend increasingly to be poor copies of their ancient models.

[3] If the industrious workers had achieved the extraordinary daily piece rate of ten blocks piled on top of each other, they would have assembled the two and a half million stone blocks into the magnificent stone pyramid in about 250,000 days = 664 years.

[4] Several hundred thousand workers pushed and pulled blocks weighing 12 tons up a ramp with (non-existent) ropes on (non-existent) rollers.

Còn tiếp

Xin vui lòng liên hệ với tác giả Đức Chính :

<ducchinhfriends@yahoo.com.vn>

trước khi sao chép các tư liệu trên .

 

MỤC LỤC – KIM TỰ THÁP

Read Full Post »

Older Posts »