Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Năm 6th, 2009

Nhà cổ dân gian tại Bà Rịa, Vũng Tàu

Trên vùng đất Bà Rịa -Vũng Tàu ngày nay, vẫn còn tồn tại hàng trăm ngôi nhà cổ xưa . Mỗi một ngôi nhà không chỉ là một tác phẩm kiến trúc có giá trị mang đậm nét tài hoa của những nghệ nhân hàng mấy trăm năm trước mà còn  ẩn chứa sâu sắc những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể .

nhacobaria

Bà Rịa Vũng Tàu vốn nổi tiếng là một vùng đất trù phú, xuất hiện khá sớm trong lịch sử khai phá của người Việt.Từ thế kỷ XVII lớp cư dân đầu tiên ngoài vùng Ngũ Quảng đã tiến vào Nam lập nghiệp. Họ dừng chân nơi đây và cùng nhau khai khẩn đất hoang, khơi thông nguồn lạch, lập ấp dựng làng. Trên vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi, nên dân cư Bà Rịa Vũng Tàu xưa có đời sống ổn định, nề nếp, phong lưu, văn hóa phát triển. Ngày nay, dấu ấn về một cuộc sống phong lưu nhưng nề nếp ấy vẫn còn được lưu giữ trong nhiều ngôi nhà cổ kính với nét rêu phong phủ mờ bởi thời gian. Trải qua hàng thế kỷ,  dãi dầu cùng mưa nắng của xứ nhiệt đới gió mùa khắc nghiệt, nhưng những ngôi nhà cổ xưa vẫn giữ được nét đẹp bình dị . Mỗi ngôi nhà đều ghi dấu những kỷ niệm, những câu chuyện dài của cha ông trong hành trình đi mở cõi vùng đất phương Nam.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu hiện còn 177 kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống, có niên đại xây dựng cách nay gần 70 năm đến trên 100 năm, tập trung chủ yếu ở các huyện Long Điền, Đất Đỏ, thị xã Bà Rịa. Trong số đó có 46 nhà có niên đại xây dựng trước năm 1900. Qua bao biến cố lịch sử, biến cố cuộc đời nhưng nhiều ngôi nhà vẫn được các thế hệ con cháu nối tiếp nhau gìn giữ nguyên vẹn. Nhà ở dân gian truyền thống trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc từ loại nhà cột giữa và nhà rường của các tỉnh miền Trung.  Chúng được xây cất từ những kíp thợ từ xứ Ngũ Quảng, miền Trung vào Bà Rịa lập nghiệp, từ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18,  chứ không phải từ kinh nghiệm truyền thừa của những chủ nhân ở vùng đất Mô Xoài vốn sớm có mặt khoảng đầu thể kỷ XV. Vì thế, nhà cổ xưa ở  BRVT đđược  nhìn nhận như một phần quan trọng của kho tàng văn hóa kiến trúc quý giá của cư dân vùng đất Bà Rịa Vũng Tàu tạo dựng được trong quá trình mưu sinh và khai khẩn vùng đất phương Nam.

nhacobaria01

Theo kiến trúc sư Mai Quý – giám đốc trung tâm  kiến trúc sư miền Nam: Nhà cổ xưa ở Bà Rịa Vũng Tàu rất phong phú về kiểu dáng kiến trúc gồm kiểu chữ Nhất, chữ Nhị, chữ Tam, chữ Đinh, chữ Công…Hầu hết đều lợp ngói âm dương, ngói vẩy cá hay ngói mốc, nền nhà lót gạch tàu đỏ. Nhà có ba gian trên làm nơi thờ tự và tiếp khách, ba gian dưới dùng cho người nhà sinh họat, nghỉ ngơi và chứa lương thực dự trữ. Bề thế và sự am tường của gia chủ được thể hiện rõ trong cách bày trí trong ba gian thờ tự . Gian giữa đặt bàn thờ Phật, hai gian bên thờ tổ tiên, ông bà. Những gia đình giàu có thường mời những nhóm thợ mộc nổi tiếng về đặt làm khám thờ bằng gỗ quý, chạm trổ tinh xảo với các mô típ truyền thống như : lưỡng long chầu nguyệt, hổ phù, tùng, trúc, cúc, mai…sau đó sơn son thếp vàng . Các tủ thờ thường được cẩn xà cừ công phu, trên bàn thờ bài trí hai bên đặt bộ chân đèn bằng đồng, giữa là chiếc đỉnh dùng để đốt trầm, bát nhan sứ trắng men lam hoặc men đồng. Phía trước tủ thờ còn đặt thêm sập thờ, nơi bày trái cây, món ăn trong ngày tết, giỗ chạp.Phía ngoài cùng đặt thêm bộ bàn ghế dùng tiếp khách . Tại xà ngang của gian giữa còn treo thêm vài bức đại tự bằng chữ Hán cũng được sơn son thếp vàng. Hai bên cột cái và cột quân treo hai cặp câu đối .Nội dung đề cao lòng hiếu đễ với ông bà tổ tiên, nề nếp gia phong, việc kính trọng và phụng dưỡng cha me. Cách bài trí này không chỉ nói lên sự quyền quý của chủ nhân tại thời điểm tạo dựng mà chủ nhân của những ngôi nhà cổ này hẳn có ý muốn để lại dấu ấn của mình cho con cháu sau này

Hai bên gian còn lại là nơi đặt hai bộ ván ngựa bằng gỗ, để cho đàn ông và khách nghỉ ngơi. Bộ ván ngựa thường được làm bằng gỗ tốt, dày 20 cm, kiểu chân quỳ. Nhiều bộ ván dùng lâu trở nên đen bóng rất đẹp. Ba gian nhà dành cho sinh họat đặt vài bộ ván ngựa, bàn ghế đơn sơ làm nơi sinh họat,ăn uống, nghỉ ngơi, khâu vá. Phía trước nhà là khỏang không thư giãn, được bố trí một hòn non bộ, trồng vài chậu mai vàng, mai chiếu thủy, thiên tuế hoặc nguyệt quế… tỏa hương thơm ngát bốn mùa.

Nhà chữ Đinh là một trong những kiểu nhà cổ phổ biến nhất tại Bà Rịa Vũng Tàu, thường có có kích thước trung bình, mái ngói cổ rêu phong, hiền hòa giữa những vườn cây xanh, tạo cho cảnh quan cư trú một vẻ đẹp yên bình và sung túc.

Kiểu nhà này có hai căn, căn nhà trên nằm ngang và căn dưới nằm xuôi, đòn dông của hai căn này thẳng góc với nhau, giống như chữ Đinh   trong Hán tự. Điển hình nhất là nhà của ông Lê Văn Còn, ở khu phố Phước Trung- thị trấn Đất Đỏ. Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, bao biến cố của lịch sử những thành viên trong gia đình không còn nhớ chính xác ngôi nhà đượcxây dựng từ năm nào, chỉ phỏng đoán được xây dựng từ những năm cuối thể kỷ 19 đầu thể kỷ 20.

Cửa cái của nhà trên trổ ở chiều dài của ngôi nhà, còn cửa cái của nhà dưới trổ ở chiều rộng, do đó cửa cái hai căn nhà trên và nhà dưới đều mở ra cùng một hướng, có chung mái hiên trước, tạo sự đồng nhất cho toàn bộ ngôi nhà. Kiến trúc nhà chữ Đinh thể hiện ý thức về trật tự phong kiến rất rõ. Nhà trên quan trọng vì là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường bề thế, cao hơn nhà dưới. Và đây cũng là nơi sinh hoạt chủ yếu của nam giới trong gia đình.Nhà dưới là nơi ở chung của gia đình, nơi sinh hoạt thường xuyên của phụ nữ.

nhacobaria02

Nói đến nhà cổ ở Bà Rịa Vũng Tàu, không thể không nhắc đến nhà của ông Nguyễn Văn Hồng , ở khu phố Thanh Long _ thị Trấn Đất Đỏ. Ngôi nhà này đã từng được mượn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim Việt Nam. Tổng thể căn nhà theo hình chữ Nhất với lối kiến trúc thuần Việt cổ. Mặt tiền nhà về hướng Nam – theo thuật phong thủy – “Lấy vợ hiền hòa, xây nhà hướng Nam”. Hệ thống cột kèo toàn bằng danh mộc quý hiếm. Trên các đầu kèo, đầu đòn,  kể cả những chi tiết nhỏ trong các ngóc ngách đều chạm khắc kỳ công theo kiểu tứ linh,  mai – điểu, liễu – phụng .  Hai bên cột cái và cột quân treo hai cặp câu đối. Nội thất trong nhà được trang trí theo mô thức thống nhất, gồm bộ trường kỷ gỗ đen ở gian giữa phía trước bàn thờ, hai gian nhà hai bên bày hai bộ ván ngựa.  Phía trước hiên nhà bố trí hòn non bộ và vài chậu cây cảnh tạo nên không gian tươi xanh. Anh Hồng cho biết : căn nhà này được ông sơ của anh- vốn là Đại hương cổ cả đình làng, một người có học thức và có uy tín trong làng, xây cất từ năm 1922. Để tạo dựng được căn nhà này, ông sơ của anh phải mời cánh thợ khéo tay nhất của miền Trung vào nuôi ăn, nuôi ở để làm nhà  suốt hơn một năm ròng.

Nhà chữ Đinh và nhà chữ Nhất là những ngôi nhà có tuổi khá xưa, phần lớn được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, chủ nhân thường là người giàu có. Tuy đã trải qua trùng tu nhiều lần nhưng nhờ xây dựng bằng các loại gỗ quý, thợ dựng khéo léo và kỹ lưỡng, con cháu  có sự lưu tâm giữ gìn nên đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn.

Nhà cổ tại Bà Rịa Vũng Tàu không phải chỉ được thi công xây dựng và trang trí chạm trổ bởi các nhóm thợ mộc nổi tiếng khéo tay từ miền Trung vào như thợ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Bình Định mà còn có một số căn được  nhóm mộc của “trường phái thợ Thủ” (ở Thủ Dầu Một – Bình Dương) với tay nghề giỏi nức tiếng  đảm trách vai trò chính yếu trong xây cất nhà và trang trí nội thất. Điển hình như căn nhà anh Phạm Văn Võ, ở ấp An Trung- Xã An Nhất- Long Điền . Năm Nhâm Tý 1902, ông nội của anh đã  khởi công xây cất và rước nhóm “thợ Thủ” về xây nhà và nuôi nhóm thợ trong nhà để họ chạm khắc trang trí cho ngôi nhà. Không thua gì thợ mộc xứ Ngũ Quãng, những nghệ nhân “thợ Thủ” khéo léo tài hoa đã chạm khắc, chạm trổ kỳ công trên những thân cột, rường, kèo, mái nhà những hình long lân quy phụng, song long chầu nguyệt hay những câu chuyện về nhân -lễ- nghĩa- trí -tín …mang những ý tưởng về một cuộc sống thanh bình, nhàn hạ, đậm đà tình quê hương, nghĩa đồng bào.

Nhà cổ ở Bà Rịa Vũng Tàu gắn liền với giai đọan lịch sử quan trọng, nơi dừng chân đầu tiên của cha ông ta đến khai phá mảnh đất này. Nó còn là nhân chứng trong suốt quá trình con người  đấu tranh với những biến cố thiên nhiên và lịch sử để tồn tại . Người Việt xưa vốn coi ngôi nhà là tổ ấm tâm linh nên nhà cổ cũng mang đậm nét văn hóa đặc thù của nhiều thế hệ, gắn liền với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn ti trật tự, mối quan hệ gắn bó trong gia đình, họ hàng, dòng tộc. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngôi nhà cổ đang có nguy cơ biến mất . Nhiều gia đình do kinh tế khó khăn, thiếu thốn chưa có điều kiện để trùng tu, nên xuống cấp trầm trọng hoặc chủ nhà sửa chữa theo ý muốn của họ, nên đã làm biến dạng. Vì vậy “cái cổ” trong một ngôi nhà cổ đã mất đi sự đồng bộ.

Ông Phạm Chí Thân- giám đốc bảo tàng tổng hợp tỉnh cho biết: Nhà cổ là nét duyên xưa,nét đẹp văn hóa mà người xưa để lại cho bao đời sau – thông qua việc tạo nên những ngôi nhà cổ vô giá.Giữ gìn, bảo tồn và phục dựng đúng cách những ngôi nhà cổ cũng là một nét đẹp – một sự kế thừa truyền thống văn hóa của cha ông để lại.

theo BRT

* MỤC LỤC –  TÀI LIỆU VỀ DI SẢN NHÀ – KIẾN TRÚC CỔ 

Read Full Post »

Older Posts »