Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Năm 1st, 2009

Loạt phóng sự 5 bài về gốm cổ tàu đắm

Dưới đây là loạt bài phóng sự về gốm cổ trên các con tàu buôn đắm trong vùng biển Việt Nam đăng trên báo Thanh Niên vào tháng 2 năm 2005, bây giờ không còn lưu trong Archieve. Thời điểm đó lượng thông tin của ngành khảo cổ VN công bố về vấn đề này cũng chưa nhiều lắm và lai lịch của những con tàu đắm này vẫn còn mơ hồ, lẫn lộn. Thực ra hoạt động mua bán gốm cổ loại “vớt” này đã được mua bán sôi động nhiều năm, trước khi các bài này được đăng.

Tìm kiếm báu vật dưới đáy biển Việt Nam: Đằng sau những tin đồn ven biển B

Sau ngày phát hiện mảnh sành của đồ cổ nằm trong bụng cá mú được 4 năm, dư luận vùng ven biển tỉnh Bình Thuận lại một lần nữa “nổi sóng gió” trước những tin đồn loan đi sau Tết Tân Tỵ 2001 về “một con tàu nằm lù lù” dưới đáy biển, áng chừng thuộc huyện Tân Phong, dài tới hơn 20 sải tay, vừa tìm thấy. Những xầm xì ban đầu dĩ nhiên chỉ thu gọn trong nhóm chủ tàu có quan hệ họ hàng xa gần với người thợ lặn đầu tiên đã chạm tay vào kho tàng. Về sau nhanh chóng lan ra giới ngư phủ vốn rất dày dạn và nhạy cảm với việc lặn vớt cũng như dò la tin tức tàu đắm dưới đáy biển.

Họ chuẩn bị ra đi. Một nhóm chủ chốt đã tập hợp nhau lại và cử người có kinh nghiệm giao tiếp rộng đến gõ cửa một ông thầy bói người Hoa. Ông thầy tìm ngày tốt, hợp với chuyến xuất phát ra khơi lặn vớt đồ cổ của họ, mà theo ông phải nằm trong tháng Tỵ, năm Tỵ. Tức tốt nhất vào đầu tháng tư âm lịch như ông nói: “Đầu tháng rắn, ra biển yên ổn. Tháng này có sao Liễu chiếu, mặt thủy sáng hơn tháng con Rồng, tức tháng Thìn trước đó, nếu đi xa ra khơi có phần thuận lợi. Như để qua tháng 5, tức tháng Ngọ, con ngựa, đi biển không được cát tường lắm. Hậy…”.

Theo lời đó, những con tàu đầu tiên rời đất liền tiến về phía tọa độ đã dự tính, chỗ có tàu cổ đắm, mà sau này người ta biết đúng là thuộc vùng biển Tân Phong, tỉnh Bình Thuận, nằm cách Phan Thiết gần 40 dặm về phía đông nam. Độ dài cũng suýt soát với lời đồn: 23,4m bề dài và gần 8m bề rộng. Không ngờ trên đường đi, và khi tới nơi, không chỉ độc quyền “một Ali Baba” “sấn” tới kho báu, trái lại cả chục con tàu nổ máy rẽ sóng, quần thảo trên mặt di tích. Để tránh “đụng” nhau trong cuộc săn lùng sắp diễn ra dưới nước, một quy ước bằng miệng giữa họ được thỏa thuận với sự chứng minh của thủy thần. Theo đó, không độc chiếm mặt biển, nhảy xuống để rà tìm đồ cổ một mình và tùy ý; mà phải thay nhau từng nhóm một. Cuộc trục vớt bắt đầu. Tuy đông đúc, vội vàng, nhưng mọi việc diễn tiến theo một trật tự bất thành văn. Hễ thợ lặn lành nghề của tàu này lặn hụp vớt đĩa bát cổ lên xong, tới người của tàu khác “ùm xuống”… Họ lấy lên từ độ sâu gần 40 mét nước hàng lô hàng lốc cổ vật để lổn ngổn dưới nắng.

Tất cả xếp lại sơ sài theo từng loại một. Đĩa thì tạm úp riêng thành chồng trong sọt tre. Bát để trong các giỏ cần xé. Những cổ vật lớn hơn để trong góc khoang, hoặc chuyển xuống hầm, xuống thùng tôn lớn vốn dùng để ướp lạnh tôm cá trước đây. Bấy giờ, khi một số tàu đã “no” chuẩn bị quay vào bờ, bỗng xuất hiện các tàu của lực lượng bảo vệ an ninh biên phòng Việt Nam. Một “cuộc tháo chạy tán loạn” cố thoát khỏi rượt bắt đã bỏ lại một số thợ lặn mới ngoi lên khỏi con tàu đắm, tay còn cầm mớ đĩa Chương Châu men hoa lam và giơ lên cầu cứu.

Độ vài ngày sau, một người đàn ông trạc tứ tuần bận quần jeans và áo polo màu đỏ tạt vào một quán nhỏ ở thị trấn Lagi, huyện Hàm Tân. Ông ta gỡ chiếc kính mát sau khi ngồi xuống bàn và gọi ly cà phê sữa, nhìn ra trời. Dường như quen mặt trước, hai người đàn ông khác tựa dân đi biển ngồi bàn bên cạnh đi lại phía ông. Ông khách cười, hỏi: “Thời tiết tốt đấy, khởi hành được chớ?”. Hai người kia trả lời: “Được”. Sau đó, không thấy mặt người lạ ở thị trấn Lagi nữa.

Chẳng biết ông là ai: người của an ninh bận thường phục hay dân mua bán đồ cổ Sài Gòn ra? Chỉ biết khi ông đi rồi, vài giờ sau, cách quán uống nước không xa, nơi một ngôi nhà dân, hơn 10 giỏ cần xé đồ cổ các loại bị cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ. Đêm trước đó, số cổ vật này nêu giá cao gần nửa tỉ đồng…

(Thanhnien)

Tìm kiếm báu vật dưới dáy biển Việt Nam – Kỳ 1: Từ một mẻ lưới mảnh sành

Kho tàng di sản văn hóa Việt Nam gần đây đã tiếp nhận thêm nguồn cổ vật phong phú từ đáy biển vớt lên. Số lượng trục vớt trong vòng 10 năm qua (1995-2005) đạt tới con số hàng trăm nghìn, bao gồm các loại bát, đĩa, ấm, chén, bình, hũ, chậu, chóe, lư hương, tượng thờ, tiền xưa, những con dấu và cả bùa hộ mệnh nữa.

Chúng nằm im lìm nhiều thế kỷ dưới những con tàu đắm ngoài khơi nước ta và bị đánh thức tình cờ bởi các ngư dân đánh cá, hoặc một cách cố ý bởi những người săn lùng đồ cổ dưới nước…

Không hiểu bằng cách nào một số đĩa gốm và bát ăn cơm từ một con tàu bị đắm ngoài vùng biển của phố cổ Hội An lại “chắp cánh” bay về hiện diện trong một tiệm bán đồ lưu niệm cho khách du lịch trên đường Trần Phú – cách chùa Quảng Triệu khoảng vài trăm thước về phía “ngã tư quốc tế”. Hỏi ra thì chủ tiệm cho hay đã mua của một thanh niên lạ mặt, ăn bận xuềnh xoàng, mang đến tận tiệm để bán với giá không đắt mấy so với đồ bát đĩa mới sản xuất thời nay. Cụ thể một cái đĩa tròn có đường kính khoảng hơn gang tay, quanh miệng lỗ chỗ những vết hàu ốc bám chặt, những vết hàu này không quá nhiều, mà chỉ điểm trăng trắng, tròn tròn “hạt ngọc”, như chừng để ấn chứng “dấu xưa” cho món đồ, hòm hòm 100.000 đồng mỗi cái. Bát ăn cơm, hoặc đựng canh cũng có giá tương tự.

Lạ là sau khi mua vài hôm, chủ tiệm lên chơi ở một quán bán tranh của bạn mình nằm sát chùa Cầu thì thấy anh bạn – là Đỗ Văn Hưng – cũng có một số bát đĩa giông giống với loại đã mua. Liền tìm hiểu nguồn gốc, được Hưng cho biết có một người đàn bà tới chào bán đĩa cổ với giá 700.000 đồng mỗi chục (12 cái), nghĩa là mỗi cái giá chưa đầy 60.000 đồng, rẻ hơn chỗ mua trước tới 40.000 đồng một cái. Chưa hết, Hưng nói rằng giá đó còn mắc, trả thử chơi chơi 500.000 đồng mỗi chục được

Theo tài liệu của các nhà chuyên môn, quả thực có một tàu cổ bị chìm cách đây 500 năm tại vùng biển Hội An, cách Cù lao Chàm 14 hải lý về phía đông bắc. Tàu này đang trên đường chở hàng do Việt Nam chế tác đưa ra nước ngoài. Cuộc khai quật đem lên khỏi đáy biển 150.000 đồ gốm hoa lam Việt Nam. Đây là một khối lượng khổng lồ về loại hàng này tới nỗi nó khiến các nhà khoa học, giới khảo cổ có uy tín ở châu Á và trên toàn thế giới phải choáng váng, kinh ngạc.

không, người đàn bà cũng không tỏ ra ngần ngừ lâu lắm, đã nhanh nhẩu gật đầu cái rẹt, đòi lấy tiền rồi đi. Khoan đã, giá rẻ rồi đó, mà tiền thì đợi mai tới lấy, được không ? Xem chừng tới đây không ưng bụng lắm, nên người bán quảy thúng đi mất. Bữa sau, chừng chạng vạng quay lại, Hưng mua 250.000 đồng nửa chục (6 cái), để chưng ra tiệm cho oai.

Cái tin hai vợ chồng chủ một tàu đánh cá dong ra cách bờ biển Hội An chưa xa, khoảng chừng 10 hải lý, bung lưới; kéo lên không được vì lưới mắc phải “xương người” bên dưới người ta tin chắc bẩm. Ồ, không phải “xương người” mà là thân của một con tàu cổ bằng gỗ bị chìm, lâu ngày nứt bể nhiều mảnh, có mảnh tàu bị sóng cát và dòng hải lưu chảy ngầm bên dưới xô dạt lần lần xa nơi tàu đắm, tới chỗ cạn hơn nơi vợ chồng chủ tàu đánh cá và mắc phải lưới. Đây là một tin được nhanh chóng loan đi trong giới chủ tàu và thợ lặn. Nó có giá trị cao đối với họ, nhất là khi được khẳng định bằng một mẻ lưới “đánh thử”, rà đi rà lại quanh khu vực đó, và đã vớt lên một mẻ… mảnh sành vụn nát. Dù nát vụn song rõ ràng nó là dấu vết của một kho tàng nằm im đâu đó trong con tàu bị chìm. Không tránh khỏi những đợt lặn hụp âm thầm, tự phát, ngoài vòng kiểm soát của các cơ quan chức năng. Cuộc săn lùng đồ cổ nhích dần ngày càng chính xác đến vị trí tàu chìm. Đó là con tàu nào? Của ai? Chìm khi nào? Vì sao? Chứa gì trong đó?

Trước khi đề cập đến giá trị có tính cách “cách mạng” của những đồ cổ Cù lao Chàm mới đây đối với cái nhìn truyền thống về gốm mỹ thuật Việt Nam trước kia, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện những món đồ lưu lạc trên hè phố. Khi đánh lên mẻ lưới chỉ toàn những mảnh sành, người vợ chủ tàu tin dị đoan bảo rằng: những mảnh chén đĩa cũ nát này là do binh ma của hà bá trêu chọc, bỏ vào. Vì vậy khuyên chồng nên cúng kiếng, sơn sửa lại thuyền cho mới, để đánh lạc hướng tìm kiếm khuấy phá của những người cõi âm trên biển. Nhưng người chồng và một số thợ lặn lành nghề lại nghĩ khác. Họ đoán dưới đáy biển nhất định phải có những món đồ cổ. Vì vậy, không chỉ riêng đôi vợ chồng này, mà thực sự đã có nhiều người khác vào cuộc. Không bao lâu con tàu cổ thế kỷ 15 bị chìm vương vãi hàng hóa dưới đáy biển đã được họ tiếp cận và dần dà vớt lên bằng nhiều cách. Sau đó đem đi bán lẻ như các trường hợp đã kể trên. Ban đầu chỉ lác đác vài món, nhưng về sau do “quà tặng của đại dương” nhiều đến bất ngờ nên người ta đã mang ra để ngoài tiệm chạp phô, thậm chí dưới chân du khách đang lang thang trên vỉa hè phố cổ Hội An. Thế là dấu vết của kho tàng đã xuất lộ dưới ánh nắng mặt trời mà con mắt của nhà du lịch David sớm nhìn ra giá trị của nó và tìm cách thu gom ra sao?

(Thanhnien)

Tìm Kiếm Báu Vật Dưới Đáy Biển Việt Nam – Kỳ 2: Khóc lên đi, hỡi quê hương

David đến Hội An giữa năm Ất Hợi 1995. Theo lời thuật lại, thời điểm đó có quá nhiều lễ cúng ngoài trời của dân chúng, chắc nhằm rằm tháng bảy âm lịch, ngày xá tội vong nhân? Một số nhà vẫn tiếp tục bày mâm mặn cúng cô hồn tới cuối tháng. Có lẽ vì thế, mùi hương khói đặc trưng đã lôi cuốn David trên đường ra bờ biển, rồi vào thăm ngôi làng nhỏ nằm cách trung tâm phố cổ 3-4 cây số.

Ở đó người hướng dẫn viên du lịch dẫn David qua con đường ngắn rợp bóng tre, đến trước hàng chè tàu bọc quanh một căn nhà lợp ngói. Đi ngang cửa, David đã thấy bày ra phía đường một mâm đồ cúng, với cái đèn dầu trứng vịt leo lét, ngọn lửa ở tim đèn đang chao qua chao lại vì gió. Ông ta vô tình hướng mắt tới một cái bát khá to mà chủ nhà đang dùng cắm hương. Cái bát đặt chính giữa một bàn gỗ có trải khăn nhựa in hình hoa mẫu đơn màu hồng. Chung quanh bát cắm hương đặt hai dĩa cá chiên có rắc ớt chín đỏ, một dĩa thịt heo ba chỉ xắt dày, sắp lớp theo cách dân dã, một tô canh gì đó nấu với cà chua. Gần bát hương là một dĩa cơm trắng mới xới ra khỏi nồi, còn bốc khói, bên dưới chặn một xấp giấy vàng bạc và xấp hình nhân màu xanh, đỏ, vàng, tím để cúng người chết. Những thứ đó gợi lên một không khí u trầm, xa xăm, ngoài cõi sống, song không khiến David để tâm lắm, vì ông ta đang bị thu hút bởi cái… bát hương. Bát này không phải dùng chuyên cho việc cắm hương mà để đựng thức ăn, nước uống. Nó to tròn, kiểu cách và màu sắc dường như thuộc về một dòng gốm lâu đời, khó tìm thấy. Để tiện dùng, chủ nhà đã bỏ gạo sống vào đầy bát, cắm hương lên, thay cho bình hương, lư hương thường thấy.

Không cầm được lòng yêu thích món đồ, David nhờ người thông ngôn hỏi mua cái bát đang còn trên bàn cúng. Trong trường hợp này, đối với chủ nhà thì lời dạm hỏi mua lại của David là khiếm nhã, thiếu tôn trọng nhau. Nhưng người thông ngôn nhanh trí tìm cách diễn đạt, giải thích cho hai bên thông cảm nhau. Dĩ nhiên: cho David về tín ngưỡng tập tục thờ cúng của người phố cổ; cho chủ nhà về lòng ngưỡng mộ của David đối với “cái bát sành” cũ kỹ kia. Dường như không muốn bán, nên chủ nhà ra một cái giá mà theo ông ta là quá đắt so với “cái bát sành” chỉ đáng vài chục bạc cho qua chuyện, là: “100 đô la!”. Không do dự, David đồng ý ngay và chực rút tiền ra trả, gây không ít ngạc nhiên cho người chung quanh. Nhưng chủ nhà bảo đang cúng, đang dùng cắm hương, hẹn ngày mai, ngày mốt quay lại hãy hay. Không biết kết cuộc cái bát đó có thuận buồm xuôi gió “tìm cách” theo chân David ra khỏi Việt Nam trong đợt “hành trình du lịch văn hóa” của ông ta hay không vì người kể tới đó đã đứng dậy ra khỏi quán…

Đó là chuyện nghe được cách đây gần 10 năm, vào dịp Tết Đinh Sửu 1997. Cho tới nay, người ta vẫn không thể biết đích xác có bao nhiêu món đồ cổ đáng giá trong số các cổ vật do dân chúng săn lùng, vớt lên tại vùng biển Hội An, rồi sau đó đem đi phát tán khắp nơi. Một số tuồn ra nước ngoài, thuộc sở hữu của những “David”, hoặc thuộc sưu tập của những nhà nghiên cứu mua lại từ nhiều nguồn…

Tất cả vớt lên từ con tàu chìm cách Cù lao Chàm 7 hải lý. Tàu đo được 95 bộ chiều dài và 33 bộ chiều ngang, đóng bằng một loại gỗ teak, có lẽ xuất xứ từ các thân cây cao lớn mọc ở Ấn Độ, hoặc trong vùng rừng Thái Lan, cũng có thể tại miền Nam Trung Quốc. Các cuộc trục vớt này cung cấp nhiều bằng chứng hiển nhiên về mối liên hệ giữa con đường hàng hải ngang qua Hội An với các di tích lò gốm cổ, nằm bên tả ngạn sông Thái Bình (tỉnh Hải Dương), như Chu Đậu chẳng hạn. Chu Đậu, xưa là nơi hoạt động sản xuất đồ gốm mỹ thuật phồn thịnh của Việt Nam, nay là khu di tích rộng 40.000m2 nằm cách thị xã Hải Dương 6 cây số.

Nghề gốm sứ của Chu Đậu thất truyền cách đây đã 300 năm, nhưng những sản phẩm làm ra ở đó cách đây 400 – 500 năm vừa tìm lại được ở Cù lao Chàm. Khi trục vớt chúng, tờ Việt Mercury tháng 6/2000 đã đăng lời của bà Dessa Goddard – Giám đốc ngành nghệ thuật Á châu của nhà bán đấu giá Butterfields tại San Francisco: “Phát hiện này đang trả lại cho Việt Nam một chương của di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ là đã hoàn toàn biến mất”, và bà xúc động: “Tôi đã khóc”. Khóc vì con tàu đắm nối kết được những yếu tố để khẳng định về một nền mỹ thuật gốm sứ sống động của Việt Nam mà các học giả trước đây, trong đó có bà, vẫn còn bối rối tranh luận vì chưa đủ tài liệu chứng minh. Nay con cháu trên quê hương gốm sứ Chu Đậu cũng có thể khóc mừng trước những bằng chứng mới về tài nghệ, tài hoa của cha ông.

Phần lớn các cổ vật trục vớt ở Cù lao Chàm sản xuất từ Chu Đậu, từ tỉnh Hải Dương, điều đó theo Tiến sĩ Bùi Minh Trí đã “cho thấy con tàu mua gốm từ một thương cảng nào đó ở Bắc Bộ và đang trên đường đi xuống phía Nam đến các nước Đông Nam Á hải đảo để tiêu thụ”. Chứng cứ được bổ sung bởi các cuộc khai quật khác ở nước ngoài với những con tàu đắm có niên đại thế kỷ 14 và 15 tại vùng vịnh Thái Lan và Nam Philippines chở theo gốm hoa lam Việt Nam, phản ánh con đường giao lưu buôn bán gốm sứ trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Nghĩa là, kết quả khai quật khảo cổ học tàu đắm Cù lao Chàm và các nơi khác, vẫn đang gợi mở những đề tài nghiên cứu về con đường gốm sứ trên biển Đông ngang qua hải phận nước ta bao gồm vùng Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ xa xưa trong lịch sử hàng hải quốc tế.

(Thanhnien)

Tìm kiếm báu vật dưới đáy biển Việt Nam – Kỳ 3:Những chuyến hải trình

Anh bạn rót loại rượu màu nâu sẫm, hơi sóng sánh và thơm vị thuốc bắc ra mấy cái chén kiểu nhỏ tí. Uống đi. Đây là rượu Bảo Sanh Tường. Nó giông giống màu rượu Đại Thành dưới chợ, nhưng đậm đà hơn, uống xong còn lưu lại mùi dược thảo.

Dòm xuống mâm thấy cái bánh tráng mè nướng giòn bẻ sẵn làm bốn, năm miếng, đặt bên dĩa hến xào trộn hành xanh ngắt, mới múc trong chảo ra, còn nóng. Lấy bánh xúc ăn, gần hết hến, lòi ra cái đáy dĩa vẽ nguệch ngoạc hình con chim lìa bầy, xoải cánh giữa chiều hôm. Nì, dĩa ni coi giống đồ cổ. Cổ cái con khỉ, bạn nói. Muốn dĩa cổ hả, chờ đó. Bèn đem ra tặng 2 cái. Ngại bạn say, lỡ tặng đồ quý đắt tiền cho mình, nên không dám nhận. Biết ý, bạn nói chỉ vài chục đồng một cái, còn dính hàu ốc hẳn hoi, tin không? Nếu hàng cao cấp giá tới một cây vàng một cái đĩa, hoặc hơn. Về sau hạ chỉ còn một chỉ. Bạn lại nói: Muốn cổ nữa hả, lên Cù lao Chàm mà đào. Ô hô, đời thuở nay nghe nói lặn mò bát đĩa đời Ung Chính, Khang Hy dưới biển Hội An, chứ ai đời đào bới trên núi cao mà được?

Nhớ tới ngôi chùa trên Cù lao Chàm: chùa Hải Tạng, lập đã lâu đời. Khoảng 30 năm trước, một số người lạ mặt di tản đến cù lao này, vào khuôn viên chùa. Nhà chùa lúc đó cũng gần như bỏ trống, nên họ lấy chuông đồng xuống để làm… nồi nấu cơm. Dùi trống vứt qua một bên. Có người trong bọn thử ra sau chùa đào một cái hố, xem có gì bên dưới. Thấy họ lấy lên rất nhiều mảnh gốm lạ mắt. Không biết dạo đó họ có lấy đồ cổ dưới đất chùa Hải Tạng mang đi không. Mãi sau này, có một thiền sư ghé, lượm một số mảnh, xem xét, nói là chúng vỡ ra từ những bát, đĩa và ấm trà cổ. Cái hố đào thử quanh chùa hồi năm 1975 lấp lại, chẳng ai biết dấu tích. Hồi Tết rồi có người ở cù lao vào Nam chơi, chúng tôi hỏi thăm Hải Tạng. Đáp là chùa đã phục hồi sinh hoạt tín ngưỡng, nhưng tiếc quá, nếu đống mảnh vỡ kia còn, biết đâu sẽ đem đối chiếu với đồ gốm vớt lên ở vùng biển gần đó, biết đâu và biết đâu… Cái gần nhất thì mịt mù. Còn cách xa, xa lắc, tận Philippines lại rõ chuyện. Thật vậy, một số đồ cổ vớt tại vùng biển Philippines được các nhà khoa học gần đây đối chiếu với cổ vật vớt ở Cù lao Chàm, kết quả thấy nhiều loại có kiểu dáng và dòng gốm giống nhau.

Nêu lên một cách có hệ thống về khái niệm, nguồn gốc và lịch sử phát triển của dòng gốm trên, là hai tác giả không xa lạ với giới khảo cổ trong nước: Tiến sĩ Bùi Minh Trí, mà chúng tôi nhắc tới trong kỳ trước và Kerry Nguyễn Long, một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật châu Á, người Australia. Hai vị đứng tên chung

trong công trình biên soạn Gốm hoa lam Việt Nam dày hơn 500 trang khổ lớn do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành sau ngày có báo cáo tổng kết các đợt trục vớt cổ vật Cù lao Chàm. Một số tài liệu về những con tàu đắm khác chứa đồ gốm cổ của Việt Nam khai quật ở vùng biển nước ngoài được hai tác giả nhắc đến và chúng tôi tóm lược dưới đây, có tham khảo thêm những nguồn tài liệu khác trong các trình bày chi tiết. Trước hết, để thấy phần nào quá trình chuyển động của “dòng gốm Việt Nam” trên mặt biển Đông từ nhiều thế kỷ trước, hãy thử nhìn qua biển Philippines. Ở đó những đồ gốm Chu Đậu nằm sâu dưới vùng nước mặn đảo Pandanan trên một con tàu đắm, khai quật vào năm 1995, đem lên bờ hơn 4.000 đồ gốm của ba nước: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Trong đó gốm Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với tỷ lệ 70%, ngoài nguồn gốc Chu Đậu, còn có đồ men ngọc, men nâu mang kiểu dáng Gò Sành và Trường Cửu ở Bình Định nữa. Như vậy, đồ gốm xuất khẩu của nước ta đưa ra các cảng cổ từ một số trung tâm sản xuất ở cả hai miền đất nước thế kỷ 14 – 15.

Thái Lan công bố khai quật một số tàu đắm tại vùng biển Rang Kwian cách đây 8 năm (1997). Kết quả cho thấy nhiều đồ gốm sứ như các loại bát, đĩa, chén, âu do Việt Nam chế tác, trang trí hoa văn cành cúc và các chi tiết mỹ thuật tương tự như đào được ở Nhật, tại Dazaifu. Có khoảng 32 địa điểm khác tại Đông Nam Á có mặt gốm cổ Việt Nam. Chúng đã theo con đường nào để được chất lên các con tàu trong “những chuyến hải trình không cập bến” ? Nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành giải đáp: “Để xuất cảng, từ Chu Đậu ngược sông Thái Bình đến Nấu Khê, xuôi theo sông Kinh Thầy ra cảng Vân Đồn – một cảng giao lưu quốc tế lâu đời của Việt Nam. Cũng từ Chu Đậu xuôi sông Thái Bình, sang sông Luộc đến Phố Hiến – một thương cảng lớn, mang tính chất quốc tế thế kỷ 17. Từ Phố Hiến có thể đi thẳng đến các nước qua tàu buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, hay Anh, Pháp”… Một vài con tàu xấu số trong số đó không về tới đích. Chúng bị những cơn bão bất ngờ, hoặc sóng thần xô dạt, nhấn chìm, giữ lại vĩnh viễn dưới thềm lục địa, cho đến lúc một chú cá mú nào đó ở thế kỷ 20 – 21 đến “ăn hàng”. Dưới độ sâu hàng chục thước, một con tàu như thế ở vùng biển Cà Mau đã trồi lên mặt nước…

(Thanhnien)

Tìm kiếm báu vật dưới đáy biển Việt Nam – Kỳ 4: Nắp bình cổ trong bụng cá

Nói một con tàu cổ ở Cà Mau “trồi lên mặt nước” là theo kiểu nói bóng gió của dân chúng về những “con tàu ma” bất thần xuất hiện trên mặt biển vào giữa trưa đứng bóng, đúng ngọ, hoặc vào những đêm khuya khoắt, sáng trăng. Nó từa tựa chuyện kể về các chuyến hải trình xa xăm với những thủy thủ nhìn thấy thành quách lâu đài nguy nga hiện ra trên mặt nước, có kẻ buôn người bán khuân vác đi lại trong đó, nhưng tàu của họ không bao giờ cập vào bờ các thành phố ấy được. Vì đó toàn là những “thành tầm hương” kết đọng bằng khói sương, ánh nắng và ảo ảnh thị giác, tương tự như bóng nước gợn sóng liên hồi đập vào mắt những lữ hành khát khô trên sa mạc vậy.

Ở đây chuyện những con tàu ma có lẽ xuất phát từ một thực tế chưa được người ta biết đến tường tận sau ngày có tin đồn ở một số thị trấn miền duyên hải Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa về các khoen vàng chuỗi ngọc, đồ trang sức khác mổ từ bụng cá ra. Nếu thật, thì đó cũng không mới mẻ lắm đối với dân chúng vùng biển. Người ta còn nhớ người dân vùng sông Hàn (Đà Nẵng), sông Hoài (Hội An), những mùa biển động trước kia có nhiều đồn đại về người này mua cá ngừ dài 3-4 gang tay, mổ ruột thấy có lọn tóc quấn trong đó, người kia ăn cá thu thấy có chiếc nhẫn trong bộ lòng… Nhưng tin đồn về những mảnh sành sứ tìm thấy tình cờ trong bụng một con cá mú câu được tại vùng biển Cà Mau là có thật:

Họ là hai ngư dân ở thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Những chuyến ra khơi dài ngày đối với họ là chuyện bình thường, nhất là khi họ nắm trong tay phương tiện đánh bắt riêng, làm chủ 2 tàu đánh cá BTH 1365 và BTH 1891, đủ sức vượt sóng đánh bắt các loài thủy tộc đắt giá ngoài biển xa. Đến tháng 6/1997, Nguyễn Ngọc Hưng và Nguyễn Ngọc Linh – tên hai người – trong chuyến ra biển giữa năm, trời lặng sóng yên, đã câu được một con cá mú khá to và khác thường.

Loại cá mú này ở biển cân nặng trung bình vài ký lô, con nào sống lâu từ 5 – 7 năm trở lên có thể dài gần nửa thước và nặng 19 – 20kg. Chúng thuộc loài cá quý mà dân đi biển chuyên nghiệp đều ao ước chài bắt. Một con cá mú loại đó do Hưng và Linh câu được mang lại cho họ sự ngạc nhiên lớn, không phải do trọng lượng thịt của nó mà là khi mổ bụng xẻ ruột cá, thấy lẫn lộn trong mớ thức ăn bắt đầu mềm nhuyễn là các mảnh cứng của gốm sứ, không tiêu hóa được. Tin đồn loan đi, những người thân cận bảo trong bụng các con cá mú khác có cả dây chuyền, chuỗi hạt, và cả nắp bình cổ còn nguyên nữa!

Chi tiết có thể khác, không đúng hẳn, nhưng cái lõi đã thông tin về sự có mặt của một con tàu đắm đâu đó trong vùng đánh cá của họ. Hưng và Linh cùng một số bạn chài khác ghi nhớ chỗ câu “con cá vàng” kia, quay lại tọa độ đó nhiều lần, định bụng sẽ thám sát dưới sâu. Nhưng mấy tháng cuối năm ấy biển động kéo dài suốt mùa đông. Phải chờ ăn Tết Mậu Dần (1998) xong, họ tập hợp một số thợ lặn rành rõi, tin cậy, lặn sâu xuống vùng nghi ngờ.

Rà đi rà lại, họ phát hiện nơi có con tàu cổ bị đắm. Tiếp đó bằng nhiều cách rà tìm, họ vớt lên nhiều món đồ gốm cổ. Ban đầu còn kín chuyện song không lâu sau một số ngư dân khác trong vùng nghi ngờ, dò dẫm và vào cuộc. Thế là đợt khai thác tự phát của một số ngư dân Bình Thuận bắt đầu từ tháng 4/1998. Và hai tháng sau, họ vớt đem vào bờ hơn 30.000 cổ vật. Bấy giờ ngoài họ ra, những người tò mò chưa biết đích xác có tàu đắm dưới biển đã bàn tán thêm thắt đủ điều. Nào là có “bóng ma” vật vờ chỗ nước sâu ngoài khơi. Nào là chủ tàu nọ vớt lên cả xâu vàng dài ngót sải tay. Nhưng có một điều đa số họ ngộ nhận là vùng biển có tàu đắm mà họ cho là thuộc Bình Thuận thật ra thuộc tỉnh Cà Mau (thuộc huyện Trần Văn Thời). Một điều nữa, những hoạt động rà chài, lặn hụp, khai thác và bán hàng trục vớt được như thế đã bị phát hiện, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ Văn hóa – Thông tin và các bộ ngành khác phối hợp khẩn trương tiến hành khảo sát, khai quật tàu cổ bị đắm dưới độ sâu 36m.

(Thanhnien)

MỤC LUC – SƯU TẦM GỐM SỨ TRUNG HOA – KIẾN THỨC

Read Full Post »

Older Posts »