Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘long an’

Nét đẹp chạm khắc Nhà Trăm Cột

netdepnhatramcot_11

Đi về phía đông thị trấn Cần Đước, vượt qua kênh Nước Mặn, đến xã Long Hựu Đông, tỉnh Long An, một vùng quê hiền hòa ven biển. Tại đây có một di tích kiến trúc khá độc đáo, được công nhận là di tích quốc gia về lịch sử văn hóa, đó là Nhà Trăm Cột. Cái “độc” của di tích không chỉ vì tên gọi xuất xứ theo theo đặc trưng kiến trúc (nhà có trên một trăm cây cột), mà còn vì đây là ngôi nhà “rường” miền Trung điển hình nằm lọt giữa vùng quê Nam Bộ. Vào thời Minh Mạng, vùng đất này thuộc tổng Lộc Thành Hạ, huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Dưới thời Pháp thuộc (thời điểm xây dựng ngôi nhà), đổi thành tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn. Ngôi nhà cổ này được khởi công vào năm 1901, xây dựng ròng rã ba năm liền, đến năm 1903 thì hoàn thành và năm 1904 thì xong phần chạm khắc trang trí. Chủ nhân đầu tiên là hương sư của làng Long Hựu, sau đó làm hội viên Hội đồng quản hạt Chợ Lớn, vì thế mà tên gọi thủa ban đầu của nó là Nhà ông hội đồng, Nhà ông cả (Hình 1).

IUTQMT101547

Hình 2

Quy mô kiến trúc ngôi nhà có chiều ngang 21m, chiều dọc 42m, được xây dựng giữa một miếng đất có diện tích 4040m2. Nhà xây theo hình chữ quốc, gồm hai phần: phần chính là ngôi nhà 3 gian, 2 chái đôi, phần sau là hai dãy nhà bếp với một sân trong của ngôi nhà. Nhà Trăm Cột có kết cấu theo theo kiểu xuyên trính, còn gọi là đâm trính hay kiểu nhà rường, một loại nhà điển hình từ miền Trung trở vào. Với kết cấu này, nhà có bộ khung vững chắc, “rộng lòng căn” rất tiện lợi cho việc sinh hoạt bên trong, nhất là gian thờ. Tuổi của ngôi nhà đã cao nhưng vẫn còn bền vững, vì nhà được làm bằng các loại gỗ quí như cẩm lai, mật, gõ đỏ… Tốp thợ làm ngôi nhà này là người làng Mỹ Xuyên, một làng nghề nổi tiếng ở Huế. Vì lẽ đó, các cây chính được uốn cong hai đầu, chạy chỉ theo kiểu miền Trung khác với lối cây thẳng của phía Nam.

Với 104 cột gỗ còn lại cho đến ngày nay, nhà Trăm Cột không chỉ nổi tiếng vì nhiều cột, giá trị của nó là sự công phu trong chạm khắc của người thợ chạm xưa, biến ngôi nhà ở thành một tác phẩm nghệ thuật. Theo lời kể của con cháu chủ nhân ngôi nhà thì ngôi nhà được xây dựng xong thợ chạm mới tiến hành chạm khắc, số thợ chạm là 15 người và chạm trong 3 năm. Hình trang trí được chạm khắc khắp nơi từ vì kèo, vách ngăn đến bao lam… Bên cạnh đó, muốn làm đầy hơn không gian chạm khắc này là các vật dụng đồ gỗ, nó cũng được đóng cùng lúc và cho riêng căn nhà với sự chạm khắc tỉ mỉ, cầu kì như bàn, ghế, trường kỷ, bàn thờ…

IUTQMT101547

Chạm khắc trang trí của ngôi nhà được chia làm ba mảng chính:

Trang trí phần kết cấu khung xương.

Phần trang trí này nằm ở nhiều bộ phận kiến trúc như các vì kèo, đầu kèo, lá dung, bao hộc, cây xuyên cột… Từ ngoài hàng ba, 8 đầu kèo chạm trổ “Văn hóa long” một kiểu thức mang phong cách Huế rõ nét. Các hình “Văn hóa long” này có tính cách điệu cao, chỉ là họa tiết lá, mây tạo nên hình ảnh một cái đầu rồng. Tiếp theo các đầu kèo là vì kèo hàng ba được chạm lộng (Hình 2), Các họa tiết hoa lá được chạm lộng một cách duyên dáng làm thanh thoát cho các vì kèo. Mặt dưới của 4 cây kèo trung tâm chia phòng khách thành 3 gian, chạm hình “Tứ thời” với phong cách đặc biệt Huế gồm: Sen hóa quy (hình 3), Phật thủ hóa long, Mai hóa lân, Cúc hóa phượng… Sau khi đã dựng kèo, người ta mới tiến hành chạm khắc, giăng võng chạm từ trên xuống. Mỗi mặt kèo đều chạm khung chỉ hai đầu chạm hoa lá, ở giữa là hình đặc trưng cho bốn mùa. Hình chạm có khối cao, nhiều lớp, tách bạch khỏi mặt kèo. Ở hai kèo trên tường nhà chạm đồ án Lưỡng long hồi thủ và Tùng lộc. Hàng cột thứ 2 nằm chính giữa phòng khách, được chia làm 5 gian. Trong cây xuyên ngang hàng cột, chia làm năm khung chạm khắc. Các khung có chạm các đồ án hoa, trái ở giữa, hai bên là khung dây chạm hoa cúc cách điệu. Đặc biệt là đồ án chạm hoa, trái có nhiều loại trái cây mang tính địa phương như: mãng cầu, dưa gang cùng với loại trái cây truyền thống như đào, lựu thành đồ án Bát quả.

Trang trí bao lam và các vách ngăn

IUTQMT101547

Hình 3

Bao lam được trang trí mặt trước của 3 gian thờ, giữa 4 hàng cột. Các bao lam được chạm lộng công phu tạo thành khung trang trí cho gian thờ. Bao lam chính giữa (Hình 4) chạm đồ án hoa sen ở phía dưới, hình dáng hoa sen thiên về tả thực rất sinh động, khác nhiều lối trang trí hoa sen cách điệu. Phía trên của bao lam chạm cây tùng với chim trĩ, hoa cúc và chim hoàng anh. Khối trang trí này bao lấy quấn thư trung tâm khắc chữ phước, lộc, thọ. Hai bộ bao lam của hai gian thờ bên đều chạm chung một đồ án. Phía trên, chính giữa bao lam chạm hình con dơi cách điệu, hàm nghĩa là phúc, các hình khác là hoa hồng và chim sẻ, tùng với công. Nét chạm của bộ bao lam này rất điêu luyện, khối của các môtíp rất cao như tượng tròn, nét khắc chau chuốt, uyển chuyển trong sự thay đổi về khối từ những khối dày dặn đến những nét chạm mảnh mai như cây tăm. Hai bên bao lam có khung dọc cột chạm đồ án Tứ thời với các hình ảnh như tùng lộc, mai hạc ở giữa, trong khung chỉ viền và hoa lá.

IUTQMT101547

Hình 4

Phía trên các bao lam, giáp với mái nhà là các khung “ô hộc” chia làm nhiều lớp gồm chấn song gió (chấn song con tiện), chấn song bản là các tấm chạm hình chữ nhật đan xen. Các tấm chấn song bản chạm hình hoa lá, đồ án cách điệu văn hóa phượng hai bên, tấm giữa chạm hình lân. Phía dưới, sát trên bao lam, các tấm bản chạm các loại trái cây mang tính địa phương như măng cụt, khế, điều chen giữa các bản chạm hoa hồng (hình 5). Phần chạm khắc không chỉ có ở ba gian thờ chính mà còn được thể hiện khắp nơi kể cả các gian phụ. Hai vách bên gian thờ, từ bộ cửa vòng cung đến các bao hộp, khung vách đều chạm trổ cầu kì các đồ án như văn hóa phúc, tứ thời, tứ quí, bát quả… Sự kết nối các hình chữ nhật đứng, nằm ngang, hình tam giác giữa các khung chỉ soi tạo nên sự hài hòa, vui tươi cho mặt vách. Xen kẽ giữa các tấm chạm lộng cầu kỳ là các tấm song tiện đều đặn to, nhỏ, thưa, dày khác nhau tạo sự thay đổi dễ chịu về thị giác (Hình 6). Các vách gió ngăn phòng khách với hai chái, phòng thờ với phòng ngủ đều có chạm các khung ô hộc (chấn song gió, chấn song bản) với các đồ án trên cùng các loại văn hóa long, dây lá hóa long, mai điểu. …

IUTQMT101547

Hình 5

Trang trí đồ gỗ

Đồ gỗ đi theo ngôi nhà rất phong phú và được làm cùng với ngôi nhà. Nó gồm đồ gỗ cho phòng khách và đồ gỗ cho gian thờ. Tại phòng khách có 6 bộ bàn ghế được chạm trỗ công phu. Các bộ bàn ghế được đóng theo cặp và được tính sẵn nơi để. Các bộ bàn, ghế đều có khung chạm lộng với nhiều đề tài khác nhau như trái cây là đào, lựu, phật thủ, bầu,… hoặc các đồ án có đề tài theo cặp như mai điểu, tùng lộc, trúc hạc, bí đào, nho sóc…

Phần trang trí, chạm khắc của Nhà Trăm Cột là một giá trị mỹ thuật đã được khẳng định, đánh dấu một giai đoạn mỹ thuật trong đầu thế kỷ XX. Về mặt tạo hình, ngoài các lối chạm mang tính cách điệu cao, những nghệ nhân này còn thể hiện những bức chạm mang xu hướng tả thực với sự quan sát, diễn tả rất sống động; sự đan xen giữa các phong cách không hề làm mất tính thống nhất, chặt chẽ về bố cục mà còn giúp cho các tấm chạm ấm áp hơn, hợp với tư gia hơn (khác với không khí đình, chùa). Đề tài được sử dụng cũng rất phong phú, mang tính xã hội, phản ánh được đời sống Nam Bộ thời đó – một thuộc địa của Pháp. Ngoài các đề tài truyền thống mang tính cổ điển như “Tứ linh”, “Tứ thời”, “Bát quả”, “Mai điểu”… đã xuất hiện những môtíp mới như trái cây vùng Nam Bộ như mãng cầu, mãng cầu dai, điều, khế, bình bát… Các môtíp phương Tây cũng đã xuất hiện một cách nhuần nhuyễn như hoahồng, nho, sóc, dây lá lối châu Au, chuỗi ngọc.

IUTQMT101547

Hình 6

Với sự tồn tại của mình qua 100 năm, Nhà Trăm Cột là hiện thân văn hóa của một vùng đất mới, một ngôi nhà rường miền Trung nhưng mang tình cảm của người phương Nam. Đây là một di tích kiến trúc có nhiều yếu tố mỹ thuật quý giá, đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử trang trí của mỹ thuật truyền thống Việt Nam. N.T.TẢnh trong bài: Bùi Hải Châutài liệu tham khảo: bảo tàng long an: Hồ sơ di tích kiến trúc nghệ thuật nhà trăm cột, 1997.

Nguyễn Trung Tín
Ảnh trong bài: Bùi Hải Châu

click trên hình để xem full size:

* MỤC LỤC –  TÀI LIỆU VỀ DI SẢN NHÀ – KIẾN TRÚC CỔ 


Read Full Post »

Older Posts »