Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười, 2011

Bài 3: Các giả thuyết xây dựng Kim Tự Tháp (tiếp theo)

Biên Khảo : Đức Chính

2.- Phương pháp dùng giàn trượt:

Là lý thuyết được đề ra khá sớm. Nó dựa vào các dấu vết còn sót lại được tìm thấy ở các Kim Tự Tháp Meïdoum, Sekhemkhet và Khufu, cũng như cả ở Assouan và Sinki.

Tuy nhiên nó không đủ cơ sơ thuyết phục về mặt kỹ thuật nên chưa thể cắt đứt các tranh cãi về phương pháp xây dựng Kim Tự Tháp. Các tính toán cho thấy mô hình giàn trượt chính diện như dấu vết tìm thấy ở Assouan không thể nào hoàn thành công trình Kim Tự Tháp Khufu được.

Nhưng không ít nhà khoa học vẫn dựa vào phương pháp này đề ra nhiều giải pháp kỹ thuật để chứng minh. Tựu trung có các giải pháp: giàn trượt chính diện, giàn trược xoắn ốc, giàn trượt bên hông giàn trượt bên trong. Thậm chí có tác giả như Jean-Pierre Houdin đưa ra giải pháp kết hợp vừa dùng giàn trượt chính diện vừa dùng giàn trượt bên trong; hay kết hợp với các công cụ đơn giản phù hợp với trình độ kỹ thuật thời đó như các tác giả Auguste Choisy, Hermann Strub-Roessler, Louis Croon, …

a) Giàn trượt chính diện bằng gạch thô: lý thuyết này do nhà Ai Cập học người Đức Ludwig Borchardt đưa ra nhằm giải thích dấu vết giàn trượt ở Kim Tự Tháp Meïdoum.

Giàn trượt này đặt thẳng góc với mặt Kim Tự Tháp với độ dốc không đổi dù có lên cao đến mấy. Dĩ nhiên độ dốc giàn trượt lài hơn độ dốc Kim Tự Tháp nên tránh được hạn chế gia tốc trọng trường của phương pháp Franz Löhner. Nhưng cũng vì vậy giàn trượt phải càng ngày càng dài ra tương ứng với số tầng Kim Tự Tháp được xây lên.

Các khối đá sẽ đặt lên trên bàn trượt và dùng sức người kéo lên dọc theo giàn trượt này. Phương pháp kéo có thể áp dụng kiểu kéo ngược dốc của Franz Löhner và dưới bàn trượt có thể dùng dầu làm chất bôi trơn.

Nhược điểm chính của phương pháp này là giàn trượt phải kéo dài ra mãi, đến khi đạt độ cao của Kim Tự Tháp Khufu thì giàn trượt trở thành một công trình đồ sộ không kém. Khắc phục điều này Jean-Philippe Lauer đưa ra một giải pháp cải tiến: khi còn thấp thì có độ dốc không đổi, đến khi lên cao mới áp dụng độ dốc không đổi.


Cả hai đề xuất này đều vướng vào mấy điều kiện kỹ thuật và xây dựng sau :

– Một là giàn trượt có độ dốc nhỏ và dài. Trường hợp này khối lượng vật tư xây giàn trượt rất lớn tương ứng với quy mô của từng Kim Tự Tháp; rồi khi hoàn thành phải tốn rất nhiều công sức để dẹp nó đi;

– Hai là có độ dốc tăng dần theo độ cao xây dựng. Như vậy càng lên cao lực nâng các khối đá gia tăng.

Tuy nhiên trở ngại lớn nhất của cả hai là đòi hỏi nhiều vật tư và khoảng trống xây công trình thi công giàn trượt. Nó là điểm khó thuyết phục các học giả khác.

b) Giàn trượt zic-zắc bằng gạch thô: rõ ràng khoảng trống quá lớn để làm giàn trượt chính diện là điểm khó thực tế ở môi trường xây dựng Kim Tự Tháp Khufu. Lý thuyết giàn trượt zíc-zắc được đề xuất và nhận nhiều tán đồng.

Các giàn trượt được dựng song song với các mặt của Kim Tự Tháp và cho kéo các khối đá từ tầng này lên tầng khác: không cần kéo thẳng một lần lên các tầng cao. Mặt bằng cho giàn trượt gần như không đáng kể so với mặt bằng công trình. Nhờ vậy các khối đá được nâng lên xây lõi từ dưới lên cao và từ trên cao làm phẳng bề mặt Kim Tự Tháp trở xuống. Khi đặt chóp Kim Tự Tháp, giàn trượt sẽ tháo dần theo tiến độ làm phẳng bốn mặt của các tầng bên dưới.

Tuy nhiên thuyết này cũng gặp phản bác: loại giàn này không phù hợp với điều kiện địa kỹ thuật của vật liệu được dùng (gạch thô) và nó đòi hỏi một nguồn nhân lực khổng lồ. Lại nữa, nhân công dùng kéo khối đá theo giàn trượt này rất đông, với số đông như vậy làm sao đủ diện tích để họ làm việc ở những khúc quanh. Có nghĩa là nó không có giá trị khi xét về mặt cơ học hợp lực kéo.

c) Giàn trượt bên bằng gạch thô: lý thuyết này do nhà Ai Cập học người Đức Uvo Hölscher đề xuất. Giàn gồm nhiều giàn trượt nhỏ bên hông từng bậc Kim Tự Tháp ghép với nhau theo hình xoắn ốc nên còn gọi là giàn trượt xoắn ốc.

Trở ngại chính của đề xuất này là độ dốc lớn do giới hạn chiều dài của từng tầng Kim Tự Tháp. Vì thế nó chỉ có hiệu quả trong việc xây dựng Kim Tự Tháp bậc thang nhỏ với khối đá chuyển tải lên nặng dưới 350 kg.

Khắc phục điều này, nhà Ai Cập người Đức Rainer Stadelmann thiết kế loại giàn trượt bên mở rộng ra phía trước Kim Tự Tháp để giảm độ dốc.

3.- Các phương pháp kết hợp:

Năm 2000, kiến trúc sư người Pháp Jean-Pierre Houdin đề nghị dùng 2 giàn trượt chính diện phối hợp với giàn trượt bên trong. Theo đề nghị này 40 m đầu tiên của Kim Tự Tháp dùng giàn trượt chính diện đôi: một giàn để đưa lên và một giàn nâng tiếp lên cao hơn. Tiếp theo dùng giàn trượt bên trong dạng xoắn ốc, tổng chiều dài lên tới đỉnh 1,6 km chia thành 21 đoạn. Do đặt ở trong nên tại vị trí các cạnh Kim Tự Tháp không thiếu mặt bằng cho thợ làm việc như phương pháp của Uvo Hölscher.

Phương pháp này khác phục được trở ngại dốc trượt quá cao, thiếu diện tích cho thợ thi công hay lượng vật tư cần dùng quá lớn của các phương pháp khác.

Đề nghị kết hợp thứ hai là dùng giàn trượt zíc-zắc với hai loại công cụ: cần trục con dê và tời đứng. Jean-Pierre Adam đề nghị ở mỗi mặt làm một giàn trượt zíc-zắc ; bổ sung thêm cho 4 giàn trượt này là những cần trục con dê theo ‎ý kiến Auguste Choisy, hay tời đứng kéo tay[1].


[1] Jean-Pierre Adam cho rằng vào thời này người Ai Cập đã biết đến bánh xe.

 

MỤC LỤC – KIM TỰ THÁP

Read Full Post »

« Newer Posts